Lãi suất "chạy" theo tín hiệu thị trường

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) TS. Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, với xu hướng thị trường như hiện nay, việc giảm lãi suất từ 1-1,5%/năm là khả thi. Và khi lãi suất huy động (LSHĐ) giảm, không lâu sau sẽ tác động đến lãi suất cho vay (LSCV) vì ngân hàng không thể ôm vốn rẻ chờ giá cao bán được.

Trao đổi với phóng viên, TS. Lê Thành Trung - Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào. Bên cạnh đó, lạm phát đang được kiểm soát rất tốt. Biểu hiện rõ nét là những tháng đầu năm, đặc biệt dịp Tết giá cả thường tăng cao, nhưng năm nay chỉ số giá tiêu dùng (CPI) rất thấp. Do vậy, việc LSHĐ giảm và "bám sát" với chỉ số lạm phát là đúng với quy luật. Mặt khác, LSHĐ giảm tạo điều kiện các ngân hàng giảm LSCV, tạo động lực doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều vốn vay hơn, kích cầu tiêu dùng của xã hội. Theo đó, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Ông Trung cho rằng, với xu hướng thị trường như vậy, việc giảm lãi suất từ 1 - 1,5%/năm là khả thi. Và khi LSHĐ giảm, không lâu sau sẽ tác động đến LSCV vì ngân hàng không thể ôm vốn rẻ chờ giá cao bán được.

Phóng viên: LSHĐ giảm, liệu có ảnh hưởng đến nguồn tiền vào ngân hàng không thưa ông?

Lãi suất "chạy" theo tín hiệu thị trường - Ảnh 1
TS. Lê Thành Trung,
 Phó tổng giám đốc HDBank
Trước nay trong các kênh đầu tư tại Việt Nam thường có mấy kênh chính: bất động sản (BĐS), chứng khoán, vàng, ngoại tệ. Còn tại thời điểm này, dù đã có sự khởi sắc, tuy nhiên để khẳng định sự bền vững của kênh chứng khoán thì hơi sớm do tình hình kinh doanh của DN chưa thực sự tốt trở lại. Năm 2014, BĐS cũng được kỳ vọng là một năm rất hứa hẹn. Tuy nhiên, BĐS hay chứng khoán đều gắn chặt với dòng tiền. Mà dòng tiền ngắn hạn có vẻ không phù hợp đầu tư vào BĐS, vì rủi ro tương đối cao.

Còn vàng, ngoại tệ gần như được loại ra khỏi "giỏ" đầu tư vì 2 thị trường này không còn hấp dẫn nữa. Với mức lạm phát trong năm 2013 cũng như chỉ số CPI của 2 tháng đầu năm 2014, mức LSHĐ 7%/năm tại kỳ hạn dưới 6 tháng thì gửi tiền ngân hàng vẫn là lợi nhất. Cho nên nếu không có gì thay đổi quý I và II/2014, dòng tiền gửi ngân hàng vẫn chiếm ưu thế.

Mức LSHĐ luôn song hành với lạm phát mục tiêu. Như chúng ta thấy lạm phát đang được kiểm soát khá tốt. Và cũng chưa thấy có dấu hiệu gì đột biến tác động khiến lạm phát tăng vọt. Nên cung vốn hay nguồn vốn huy động của ngân hàng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Về lo lắng tín dụng cuối năm mùa vụ tăng lên, tôi nghĩ có lẽ thời điểm này hơi sớm để bàn đến. Nhưng có điều chắc chắn ngân hàng không thể để lượng vốn dư thừa nhiều.

Mặt khác, tôi cho rằng đã đến lúc để thị trường tự điều tiết. Cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua giúp thị trường tự điều chỉnh về dòng vốn cũng như lãi suất. Cụ thể, trong thời gian qua LSHĐ lúc tăng, lúc giảm không như một đường chỉ kẻ thẳng... Đó là tín hiệu tốt đối với nền kinh tế.

Nhưng lâu nay "bóng ma" thanh khoản vẫn là mối lo của ngân hàng?

Hiện nay, các ngân hàng tập trung điều hành thanh khoản dựa trên nhiều yếu tố khác nhau chứ không nhất thiết yếu tố lãi suất. Tôi cho rằng, một yếu tố rất quan trọng "giữ" thanh khoản là lòng tin của xã hội, người dân vào VND. Điều đó được khẳng định qua các chính sách điều hành của NHNN thời gian qua. Và nếu lòng tin đó tiếp tục được củng cố, thì tôi cho rằng người dân vẫn sử dụng đồng VND làm công cụ bảo toàn vốn. Khi đó, lượng tiền sẽ không chuyển sang kênh khác mà tiếp tục đổ vào ngân hàng. Do đó, lãi suất chỉ là một trong những yếu tố điều chỉnh lượng tiền mặt của các ngân hàng thương mại. Hay nói cách khác, để đảm bảo thanh khoản thì ngân hàng không chỉ dựa hoàn toàn vào lãi suất.

Với lượng trái phiếu Chính phủ (TPCP) dự kiến phát hành lớn trong năm nay sẽ "hút" tiền của ngân hàng và "chèn lấn" lãi suất cho vay DN. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Bản chất TPCP cũng là hình thức đầu tư công. Và khi các kênh này cùng đầu tư cho xã hội thì đều ở mặt bằng lãi suất tương đương nhau. Nếu Chính phủ phát hành thêm TPCP trong năm 2014, tôi nghĩ mức lãi suất TPCP và lãi suất cho DN vay sẽ có sự cân đối hài hòa chứ không quá lo hai mức lãi suất này "chèn lấn" nhau. Bởi vì, Nhà nước có thể điều tiết khối lượng trái phiếu phát hành ra nhằm đảm bảo mức lãi suất hợp lý.

Tôi cho rằng, khi thị trường vận hành theo đúng quy luật thì lãi suất chịu sự chi phối của cung - cầu thị trường, không còn bị tác động nhiều bởi các mệnh lệnh hành chính.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!