Từng bước hiện thực hoá mục tiêu giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng (TCTD) ổn định lãi suất. Các TCTD, từ thông điệp chỉ đạo của nhà điều hành đã từng bước tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Có cơ sở ổn định thị trường
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, Chính phủ đã giao NHNN theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt. Đồng thời phấn đấu giảm lãi suất cho vay (LSCV), tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống. Mục tiêu giảm LSCV cũng không phải lần đầu tiên được Chính phủ nói tới.
Từ năm 2016, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, NHNN đã kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động (LSHĐ), giảm LSCV, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Mặt bằng LSHĐ sau khi tăng 0,2- 0,3%/năm trong quý I/2016 thì từ tháng 4/2016 đã ổn định. Đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9/2016, một số TCTD đã giảm 0,3-0,5%/năm LSHĐ, giảm khoảng 0,5-1%/năm LSCV đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Bước sang quý I/2017, NHNN tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành, thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các TCTD ổn định lãi suất. Các TCTD, từ thông điệp chỉ đạo của nhà điều hành đã từng bước tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm LSCV.
Trong quý I/2017 diễn biến lãi suất tương đối ổn định. Theo đó, LSHĐ kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6 - 6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7 - 7,4%/năm. LSCV phổ biến khoảng 6,8-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, LSCV ngắn hạn từ 4-5%/năm...
Trong phiên họp đánh giá tình hình lãi suất quý I/2017 vừa qua với NHNN, CEO VietinBank - ông Lê Đức Thọ cho biết, mặt bằng LSHĐ và LSCV của VietinBank, kể cả với cho vay bằng USD hiện vẫn được duy trì ổn định. Còn ở Vietcombank, ngân hàng này vẫn duy trì mức LSCV thấp nhất 6,5%/năm đối với một số lĩnh vực, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn hiện thấp hơn 30%, và hiện không có áp lực huy động vốn cho trung, dài hạn...
Các ngân hàng thương mại cũng đang tích cực hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Đại diện SHB cho biết, ngân hàng tập trung tín dụng cho đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; các chương trình được Chính phủ ưu tiên phát triển với các mức lãi suất hỗ trợ, cho vay ưu đãi nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu... SeABank mới đây cũng cho triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn chỉ từ 8,9%/năm trong 2-3 tháng đầu dành cho khách hàng cá nhân vay vốn kinh doanh tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Với khách hàng vay kinh doanh trung, dài hạn, ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi chỉ từ 8,5%/năm trong 6 tháng đầu.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi vay
Trao đổi với một chuyên gia kinh tế, vị này cho rằng, hệ thống luôn có sự phân hóa giữa nhóm ngân hàng thương mại lớn và các ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ hơn, nên chênh lệch về LSHĐ giữa hai nhóm ngân hàng này là tất yếu.
Bởi vậy, việc một số ngân hàng nâng LSHĐ để thu hút vốn là chuyện dễ hiểu, nhằm đáp ứng cầu tín dụng đang tăng từ đầu năm tới nay. Cộng thêm việc các ngân hàng phải dần cân đối lại cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 06 cũng là nguyên do khiến tuần qua một số ngân hàng tăng LSHĐ.
VietBank cũng đang triển khai chương trình gửi tiết kiệm trực tuyến với lãi suất lên tới 8% cho kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất gửi trực tuyến cao hơn lãi suất gửi tại quầy 0,1%/năm... Có tăng LSHĐ, nhưng cũng phải nói thêm rằng, việc các NH điều chỉnh tăng lãi suất ở kỳ hạn dài để khuyến khích người dân gửi tiền nhiều hơn, tránh dồn vào những kỳ hạn ngắn như thời gian trước.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tuần đầu tháng 5/2017 NHNN đã bơm mới 7.000 tỷ đồng qua kênh OMO, trong khi đó lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 31.000 tỷ đồng. Như vậy, 24.000 tỷ đồng đã được NHNN hút ròng qua kênh này.
Nhà điều hành cũng không phát hành tín phiếu với tất cả các loại kỳ hạn. Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dần trở về trạng thái dư thừa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những áp lực về kỳ vọng lạm phát, tỷ giá gia tăng, xử lý nợ xấu... vẫn tiếp tục là những thách thức mà hệ thống ngân hàng phải đối mặt.
Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đặt vấn đề đối với TCTD làm sao để ổn định được mặt bằng lãi suất, phấn đấu có điều kiện để giảm mặt bằng LSCV. Cho đến thời điểm này, NHNN vẫn khẳng định sự nhất quán chủ trương của mình bằng mọi biện pháp để điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra.
NHNN chắc chắn sẽ phải tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tư lệnh ngành ngân hàng cũng khẳng định, đặc biệt quan tâm đến giảm LSCV của các TCTD đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.