Làm gì để ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa?

Theo Thu Hoài/enternews.vn

Các cơ quan chức năng đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm chặn tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa.

Thép là mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa.
Thép là mặt hàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa.

Ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) liên tục gửi hồ sơ sang Tổng cục Quản lý thị trường về nghi vấn gian lận xuất xứ hàng hóa (C/O), làm C/O giả. Nhiều đối tác có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam đã phản ánh có tình trạng gian lận C/O.

Một trong những thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ cũng phản ánh có tình trạng này. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra ngày càng phức tạp, việc gian lận xuất xứ sẽ ảnh hưởng lớn đến hàng hóa Việt Nam, đặc biệt nếu bị vướng vào các vụ kiện điều tra.

Đặc biệt, nếu thời gian trước, hàng Trung Quốc gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu thì hiện nay, còn có tình trạng hàng hóa các nước gian lận xuất xứ, mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Quốc, như: tôm Ecuador, ớt Ấn Độ mượn xuất xứ Việt Nam xuất sang Trung Quốc…

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, hiện tượng giả mạo C/O Việt Nam để xuất khẩu đến các nước không phải bây giờ mới diễn ra mà đã diễn ra từ xưa đến nay. Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ cụ thể mà nguy cơ này nhiều hơn hay giảm bớt đi.

Hiện nay, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra, nguy cơ này tăng cao. Khi hàng hóa Trung Quốc không có khả năng cạnh tranh và không thể xuất khẩu được vào Mỹ thì xu hướng, chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam để sản xuất và gia công hàng hóa để lợi dụng xuất xứ nhằm xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường nội địa sẽ lớn lên và tăng dần trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang khiến nguy cơ hàng Trung Quốc giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng trong nước. Đặc biệt, không loại trừ khả năng các sản phẩm này mượn xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu ngược sang Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho thép Việt.

Để ngăn chặn tình trạng gian lận C/O, ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã thường xuyên trao đổi, cảnh báo các tổ chức cấp C/O về việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp C/O, đặt biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa (pin mặt trời, lốp ô tô, hạt dẻ cười, tôm, nhôm, thép, gỗ ván ép, gạch men, xe đạp điện,...).

Cục Xuất nhập khẩu cũng đã chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, xác minh cơ sở sản xuất của doanh nghiệp khi có nghi vấn về gian lận xuất xứ. Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu cũng tập huấn, hướng dẫn kịp thời về C/O cho doanh nghiệp, khuyến nghị doanh nghiệp phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh gây ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất.

Theo các chuyên gia, việc chặn gian lận C/O chỉ hiệu quả nếu như có sự vào cuộc đồng bộ của các Bộ, ngành, doanh nghiệp. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát các lô hàng xuất khẩu, các cơ quan cần lưu ý các doanh nghiệp thành lập mới, đi kiểm tra cơ sở sản xuất của họ khi họ bắt đầu làm các bộ C/O đầu tiên.

Bên cạnh đó, dữ liệu thông tin của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về việc có bao nhiêu doanh nghiệp thành lập mới, ngành nghề đầu tư là gì, nguồn vốn từ đâu là rất quan trọng để có phương pháp phòng ngừa. Các thông tin từ Bộ Công Thương về danh sách cụ thể các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ điều tra xuất xứ hàng hóa cũng có vai trò lớn…

Đặc biệt, trong giai đoạn này, doanh nghiệp phải có nhận thức rõ là muốn tồn tại và phát triển bền vững thì phải đảm bảo duy trì và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác tối đa nguồn nguyên phụ liệu sẵn có để giảm giá thành, tận dụng tối đa những chế độ ưu đãi từ các FTA các Bộ ngành đã nỗ lực đàm phán.

Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án Phòng chống gian lận C/O trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đề án nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trong hoạt động cấp C/O, ngăn chặn gian lận xuất xứ hàng hóa.