Làm gì để tránh khỏi “bẫy” thu nhập trung bình?
(Tài chính) “Bẫy” thu nhập trung bình là thách thức mà bất cứ quốc gia nào cũng có thể phải đối mặt khi đạt một mức thu nhập trung bình nhất định. Câu chuyện Việt Nam đã vướng vào bẫy thu nhập trung bình hay chưa và làm thế nào để thoát khỏi nó là những vấn đề nhức nhối hiện nay?!
Bẫy thu nhập trung bình là gì?
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), "bẫy" thu nhập trung bình xảy ra khi một nước bị mắc kẹt mãi trong khoảng thời gian dài (trung bình trong 42 năm) không vượt qua được ngưỡng thu nhập bình quân đầu người cơ bản từ 4.000 đến 6.000 USD/năm.
Trong một nghiên cứu của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra quan điểm ngắn gọn: "bẫy" thu nhập trung bình là hiện tượng các nền kinh tế vốn tăng trưởng nhanh nay đang bị “mắc kẹt” ở mức thu nhập trung bình và không thể dần dần tiệm cận được mức của nhóm các nền kinh tế có thu nhập cao.
Tóm lại, “bẫy” thu nhập trung bình theo cách hiểu phổ thông nhất là một tình trạng trong phát triển kinh tế, khi mà một nước đã đạt đến một mức thu nhập bình quân nhất định (do những lợi thế sẵn có) sẽ dậm chân tại mức thu nhập đấy.
Tuy nhiên, có quan điểm lại cho rằng, một nước gặp phải tình trạng trên khi đạt thu nhập trung bình thấp, xuất khẩu hàng hóa của họ phải vật lộn để cạnh tranh với những hàng hóa từ các nước có thu nhập thấp hơn, có mức lương nhân công thấp hơn và tăng trưởng dựa vào đầu vào trước kia của họ bị chậm lại. Cùng lúc họ phải đương đầu với một khó khăn khác, đó là cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến với kỹ năng cao và tăng trưởng dựa trên năng suất.
Việt Nam đã rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình?
Theo tính toán của IMF, xác suất của một nước thu nhập trung bình trải qua suy giảm tăng trưởng trong khoảng thời gian 5 năm là lớn hơn các nước thu nhập thấp hoặc có thu nhập cao khoảng 1,5 lần, và tỷ lệ này lớn hơn khung thời gian xem xét. Vậy Việt Nam đã rơi vào “bẫy” này hay chưa?
Trả lời câu hỏi này, GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng sau một vài năm đạt được thu nhập trung bình thấp, "bẫy" thu nhập trung bình không còn là một nguy cơ xa xôi mà đã trở thành thực tế cho Việt Nam với 5 dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất đó là: tăng trưởng chậm lại; năng suất sản xuất mờ nhạt; thiếu hụt sự chuyển dịch cơ cấu theo đúng nghĩa; khả năng cạnh tranh trong bảng xếp hạng không có dấu hiệu tăng và xuất hiện các vấn đề do tăng trưởng gây ra.
Trước tiên, vị giáo sư người Nhật đã chỉ ra bằng chứng cho dấu hiệu tăng trưởng chậm lại đó là: tăng trưởng của Việt Nam tăng tốc từ năm 2001 và đạt mức cao nhất 7,55% trong năm 2005 nhưng sau năm 2006, tăng trưởng có xu hướng đi xuống.
Thêm vào đó là tình trạng ảm đạm của xã hội, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với những thử thách như tốc độ tăng trưởng được dự kiến là 7-8%, giảm xuống còn 5-6%. Đất nước trải qua một giai đoạn với bong bóng bất động sản xì hơi, lạm phát, nợ xấu và mở rộng khoảng cách thu nhập.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc thì nhận định trên chủ yếu là định tính và quan trọng hơn là chưa dựa vào những khái niệm được chấp nhận phổ biến, chuẩn mực so sánh. Bằng những khái niệm và so sánh quốc tế, ông Ngọc cho rằng đứng về mặt tốc độ tăng trưởng (của GDP hoặc GDP trên đầu người) thì Việt Nam chưa có dấu hiệu đã bị rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình.
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Minh Phong cũng chỉ ra hai điểm để khẳng định Việt Nam chưa rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình: Một là, Việt Nam mới gia nhập nước phát triển trung bình từ năm 2008, trong khi theo cách tính “tiêu chuẩn” của WB, thì một nước chỉ bị coi là "bẫy" thu nhập trung bình khi bị “mắc kẹt” tới khoảng vài thập kỷ ở mức thu nhập trung bình. Hai là, hiện nay, Việt Nam đang chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng chậm lại để đẩy mạnh tái cấu trúc, chuyển đổi phương thức phát triển từ chủ yếu bề rộng sang chủ yếu theo bề sâu, đảm bảo bình ổn vĩ mô và nhờ đó sẽ phát triển nhanh hơn trong trung hạn, tạo đà vượt thoát "bẫy" thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng hiện nay chúng ta không đủ cơ sở để thảo luận về “cái bẫy” mà Việt Nam cần phải nhanh chóng để vượt qua nó.
Làm thế nào để tránh "bẫy" thu nhập trung bình?
GS., TS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng chậm, do vậy, Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới nhằm nâng cao giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững và vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình. Trong đó, tăng cường liên kết các doanh nghiệp nội địa với tập đoàn đa quốc gia là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt được mục tiêu này.
Về vấn đề này, GS. Kenichi Ohno cũng chia sẻ: tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… Nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra.
Như vậy, cần có những chính sách tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân đầu tư cho sản xuất - kinh doanh, huy động mọi nguồn lực trong xã hội vào đầu tư phát triển. Một khi hệ thống doanh nghiệp phát triển, chúng ta sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng tiềm năng.
Cụ thể, cần chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp; nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động; chuyển sang mô hình công nghiệp hóa phát huy lợi thế so sánh động và dựa vào các lợi thế so sánh bậc cao bao gồm: lao động chất lượng cao, nguyên liệu tinh chế, vốn lớn, công nghệ hiện đại...
Thêm vào đó, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh nhấn mạnh: bên cạnh các giải pháp ngắn hạn, phải thực hiện các giải pháp dài hạn, phải quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu các ngành sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh cho từng ngành và cho toàn nền kinh tế; song song với ổn định vĩ mô là phải ổn định cả sản xuất và tăng trưởng. Đó chính là những kế sách lâu dài để Việt Nam có thể tăng trưởng nhanh, bền vững và vượt qua "bẫy" thu nhập trung bình.
Ngoài ra, để tránh "bẫy" thu nhập trung bình, ông Franz Jessen, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy các đàm phán hiệp định thương mại song phương. "Điều này sẽ không chỉ giúp Việt Nam thúc đẩy thương mại quốc tế mà đây cũng là cơ hội để các bạn tiến hành cải tổ trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh", Đại sứ khẳng định.