Lạng Sơn hướng đến mục tiêu 100% UBND cấp xã áp dụng ISO 9001:2015
Nhiệm vụ triển khai áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã được Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu thực hiện tốt thông qua công tác tổ chức đào tạo, hướng dẫn và kiểm tra.
Tính đến năm 2022, cả tỉnh Lạng Sơn đã có 249 cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước thực hiện áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015.
Trong đó, có 76 đơn vị phải áp dụng (22 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 9 Chi cục thuộc các sở, 11 UBND huyện, thành phố); có 173 đơn vị khuyến khích áp dụng (21 đơn vị sự nghiệp công lập, 152 UBND xã, phường, thị trấn).
Trong năm, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức được 02 lớp đào tạo áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn Tỉnh cho tổng số 201 cán bộ.
Bên cạnh đó, tập trung hướng dẫn các nội dung cơ bản cần thực hiện trong quá trình áp dụng HTQLCL, các nội dung trong quá trình kiểm tra việc áp dụng cho đội ngũ công chức UBND các huyện, thành phố để có thể tổ chức kiểm tra đối với UBND cấp xã, phường thị trấn trên địa bàn quản lý.
Sở cũng đã hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập (cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp) cách thức xây dựng và tích hợp HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 với các hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành; Tham mưu, Ban chỉ đạo ISO Tỉnh tổ chức kiểm tra 80/80 đơn vị theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo ISO tỉnh Lạng Sơn, việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn Tỉnh đã góp phần hình thành phương pháp làm việc khoa học. Đồng thời, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo đơn vị điều hành, chỉ đạo thực hiện công việc rõ ràng, thống nhất và công khai, minh bạch. Thông qua các hoạt động này, công chức, viên chức trên địa bàn Tỉnh cũng được phân công xử lý công việc đúng thẩm quyền, qua đó góp phần kiểm soát việc thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số khó khăn, thách thức đặt ra. Cụ thể, về phía cơ quan, đơn vị áp dụng HTQLCL, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chưa đồng bộ, có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục, nên việc công bố TTHC của cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời. Từ đó, dẫn tới khó khăn trong việc kịp thời xây dựng các quy trình để giải quyết TTHC và áp dụng vào thực tế cũng như vận hành HTQLCL
Bên cạnh đó, kỹ năng đánh giá nội bộ, phát hiện các điểm không phù hợp trong quá trình đánh giá nội bộ và hành động khắc phục phòng ngừa sau đánh giá còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì, cải tiến HTQLCL. Ngoài ra, công chức thực hiện công tác tham mưu, theo dõi, kiểm soát HTQLCL của các cơ quan hành chính thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển hoặc tuyển dụng mới…
Trước bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo ISO tỉnh Lạng Sơn kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL của các đơn vị cấp dưới. Xem xét, chỉ đạo triển khai xây dựng và áp dụng HTQLCL vào hoạt động của 48 UBND cấp xã để đảm bảo 100% UBND cấp xã trên dịa bàn Tỉnh áp dụng HTQLCL nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân...