Loại bỏ rào cản

Theo Nguyễn Thủy/daibieunhandan.vn

Để tăng được quy mô và mức độ cạnh tranh của nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, cần phải loại bỏ những rào cản bất hợp lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và phân bổ nguồn lực phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trước hết phải buộc các doanh nghiệp hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nâng cao năng lực quản trị theo thông lệ quốc tế, cuối cùng mới là cổ phần hóa và thoái vốn.

Nguy cơ tụt hậu rất lớn

Bức tranh kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã thay đổi đáng kể và tồn tại song song cả gam màu sáng, tối. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống người dân được cải thiện và Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Cùng với đó, chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2017 tăng khoảng 6%. Mô hình tăng trưởng được dịch chuyển theo hướng tích cực, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp, chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

Tuy nhiên, những mảng màu tối cũng vẫn ở đó. Nhìn lại 30 năm đổi mới, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét Việt Nam vẫn đang đi con đường nửa vời, không dứt khoát chuyển sang nền kinh tế thị trường bởi còn ngại thị trường và rất sợ cạnh tranh.

Chứng minh điều này, ông Cung cho biết, các chỉ số hàng năm đều tăng trưởng đều đặn theo mục tiêu kế hoạch đặt ra, nhưng nhìn về dài hạn, cứ 10 năm, bình quân tăng trưởng kinh tế lại có xu hướng giảm dần. Với cách tăng trưởng như vậy, nguy cơ tụt hậu của Việt Nam là rất lớn. Để bắt kịp các nước thì tăng trưởng GDP ít nhất phải đạt 7%/năm và đạt 8% trong vòng 15-20 năm.

Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cũng chỉ ra nghịch lý hiện nay của nền kinh tế. Đó là việc không chuyển đổi được thành phần kinh tế, không giảm được khu vực kinh tế nhà nước và gia tăng khu vực kinh tế tư nhân. Trong kinh tế tư nhân, không gia tăng được khu vực kinh tế chính thức, vẫn tồn tại nhiều khu vực phi chính thức.

Các vùng kinh tế cũng không tận dụng được quy mô và mật độ kinh tế để nâng cao năng suất và hiệu quả xử lý nguồn lực. Nguyên nhân không có sự dịch chuyển cơ cấu là do nền kinh tế thị trường còn “méo mó” bởi những cải cách nửa vời, không dứt khoát, hiệu quả sử dụng nguồn lực kém nên năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các doanh nghiệp cũng kém.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, thể hiện qua GDP bình quân đầu người còn thấp, năng suất lao động chưa cao, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) chưa được như kỳ vọng.

Cùng với đó, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng, các vấn đề môi trường và tác động của biến đổi khí hậu, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế cũng tạo ra những thách thức lớn.

Giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) Caitlin Wiesen phân tích, tăng trưởng bao trùm là điều cần thiết để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự tăng trưởng cũng bị chậm lại bởi những yếu tố làm mất đi tính bao trùm như khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô ở Việt Nam chưa ổn định, nợ công, tài chính khó khăn.

Bên cạnh đó, thời tiết, khí hậu cực đoan cũng là những rào cản trong việc tăng trưởng bao trùm hiện nay. Quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ và đơn lẻ, chất lượng đào tạo nghề còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường, gây ra sự mất cân bằng trong lĩnh vực đào tạo.

Mấu chốt là tư duy, cách làm

Từ những thách thức trên, bà Caitlin Wiesen cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có những giải pháp hỗ trợ đối với người dễ bị tổn thương trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau. Trong bối cảnh này cần tạo ra nhiều việc làm năng suất cao và đào tạo kỹ năng cao, tạo ra việc làm ở những ngành công nghệ thông tin, những ngành mà robot không thể thay thế được con người.

Đồng tình với quan điểm này, Giám đốc Ủy ban Giáo dục và kỹ năng, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Andreas Schleicher cho rằng, giáo dục và các kỹ năng giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến mọi vấn đề của nền kinh tế.

Cần phải thay đổi thật nhanh để tiếp cận được tri thức và bắt kịp với sự thay đổi của thế giới. Đây là cuộc chạy đua giữa công nghệ cũng như giáo dục, chỉ có tổng hòa của cả hai khía cạnh này mới có thể đem lại một quốc gia bền vững.

Để tăng được quy mô và gia tăng mức độ cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần phải loại bỏ rào cản bất hợp lý, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, phân bổ nguồn lực phù hợp. Cùng với đó phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trên 3 phương diện: Buộc các doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường, nâng cao hiệu lực quản trị các doanh nghiệp này theo thông lệ quốc tế, cuối cùng mới là cổ phần hóa và thoái vốn.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), GS, TS. Nguyễn Đức Khương, mấu chốt ở đây không phải chi phí mà là lối tư duy và cách làm đúng đắn. Thách thức cho bền vững là rất lớn, sẽ không có đất nước nào thành công, phát triển phồn vinh và lâu dài nếu không có lối tư duy và sự dấn thân hành động.