Loạt doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ nâng cao năng suất
Để có thể cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến...
Thời gian qua, Hưng Yên đã gặt hái nhiều kết quả tích cực khi triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Dự án đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng thông qua các giải pháp công cụ cải tiến năng suất, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quản lý.
Việc triển khai dự án luôn gắn liền với nghị quyết của Đảng, của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Do đó, dự án đã góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ví dụ điển hình như năm 2020, dự án đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng hệ thống quản lý chất lượng.
Trong đó, hỗ trợ Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tành Vân (Khoái Châu) xây dựng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn ISO 9001: 2015; hỗ trợ Công ty cổ phần Phú Khang (TP. Hưng Yên) xây dựng 2 hệ thống quản lý chất lượng và đánh giá chứng nhận hợp quy sản phẩm; hỗ trợ Công ty TNHH thiết bị điện LIOA (huyện Văn Lâm) xây dựng mô hình điểm về hệ thống quản lý chất lượng và xây dựng 9 tiêu chuẩn cơ sở.
Ngoài ra, dự án còn tổ chức 3 lớp tập huấn về năng suất chất lượng trong doanh nghiệp cho các đơn vị như: Chi nhánh Công ty cổ phần may Hồ Gươm; Công ty TNHH thiết bị điện LIOA; Công ty TNHH sản xuất và thương mại HLD…
Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình giải thưởng chất lượng quốc gia... đã giúp cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất.
Đồng thời, tăng chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng qua đó tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Đây là kết quả quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cơ hội tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, ứng dụng những giải pháp công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Trong bối cảnh nước ta đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý hiện đại.
Vì vậy, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.