Lợi thế so sánh của nhiều nền kinh tế châu Á đang bị xói mòn bởi đại dịch Covid-19
Giới chức nhiều nước châu Á buộc phải đưa ra nhiều biện pháp giãn cách xã hội ngặt nghèo mà họ từng tránh được trong khoảng thời gian đầu đại dịch Covid-19.
Châu Á đang nổi lên như mối liên kết yếu trong quá trình phục hồi của kinh tế toàn cầu khi mà các biện pháp hạn chế, phong tỏa mới thời kỳ đại dịch COVID-19 hạn chế hoạt động sản xuất tại nhiều nước, xuất khẩu của châu Á sau thời kỳ tăng mạnh nhờ quá trình phục hồi kinh tế tại Trung Quốc giờ đây đang có dấu hiệu chững lại.
Theo Wall Street Journal, khi mà tiến độ tiêm vắc xin COVID-19 chậm hơn rất nhiều so với phương Tây, châu Á đang chật vật ứng phó với sự lây lan tồi tệ của biến chủng delta.
Sự lây lan của virus này đang đe dọa gây tổn hại đến niềm tin người tiêu dùng, đồng thời làm xói mòn lợi thế so sánh mà nhiều nền kinh tế châu Á đang có, đó là vị thế các trung tâm của ngành sản xuất khu vực.
Nhiều nước tại Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi việc đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại, giới chức nhiều nước buộc phải đưa ra nhiều biện pháp giãn cách xã hội mà họ từng tránh được trong khoảng thời gian đầu đại dịch COVID-19.
Khi mà hoạt động sản xuất suy giảm tại phần lớn các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, nền kinh tế các nước này chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhu cầu tiêu thụ tại nước ngoài đã giúp cho nhiều nền kinh tế xuất khẩu như Trung Quốc và Hàn Quốc hồi phục sau đại dịch COVID-19, nhiều nhà máy tại các nước này sản xuất hàng tiêu dùng, từ xe đạp cho đến nội thất cho khách hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên động lực tăng trưởng tiêu dùng này đang chững lại.
Tại Trung Quốc, chỉ số sản xuất của lĩnh vực tư nhân và cả lĩnh vực sản xuất chính thức trong tháng 7/2021đều giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm, thực tế này cho thấy nhu cầu tiêu dùng cả ở trong nước và nước ngoài đều giảm xuống.
Tại phương Tây, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao đang giúp cho hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Tại Mỹ, khi mà nước này đang dần tiến tới việc tiêm vắc xin đủ để đạt miễn dịch cộng đồng, sản lượng kinh tế quý 2/2021 tăng lên ngưỡng trước đại dịch COVID-19.
Trong tháng 7/2021, các nhà máy tại châu Âu sản xuất sản lượng cao kỷ lục. Tại khu vực các nước đồng tiền chung châu Âu, nơi mà các biện pháp phong tỏa đã được nới lỏng trong những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên ở tốc độ kỷ lục khi mà số lượng đơn hàng mới tăng cao kỷ lục trong 24 năm, theo thống kê của IHS Markit.
Tại Mỹ, một số yếu tố hạn chế nguồn cung gây tổn hại đến các doanh nghiệp sản xuất trong vòng từ 4 đến 5 tháng gần đây dường như đang dịu bớt, theo số liệu của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM). Giá hàng hóa nguyên liệu tăng và hoạt động tuyển dụng chững lại. Nhiều doanh nghiệp cũng công bố hoãn giao hàng.
Khoảng 40% dân số các nước phát triển đã được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ trong khi đó tỷ lệ này tại các nước mới nổi chưa đạt nửa con số trên, theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế(IMF).
Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Natixis, Trinh Nguyen, nhận xét: “Chiến dịch kiềm chế đại dịch COVID-19 của năm 2020 không bền vững bởi nó chỉ giúp kéo dài thời gian”.
Theo giám đốc của công ty sản xuất quần áo Asia Brands Bhd, ông Tan Thian Poh, các quy định mới đồng nghĩa ông đã không thể sản xuất đồ quần áo trong vòng 2 tháng, chính vì vậy việc giao hàng cho các đối tác nước ngoài bị trì hoãn.
Cho đến nay, doanh nghiệp của ông tồn tại chủ yếu nhờ vào việc sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân, chỉ 60% người lao động được đi làm. Ông lo ngại đối tác rồi cũng sẽ chuyển sang đặt hàng từ nhà cung cấp ở nước khác, đại dịch đang ảnh hưởng đến doanh nghiệp của ông một cách vô cùng tồi tệ.