Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn:

Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Đánh giá về những đổi mới tại Dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi), ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, những đổi mới trong Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ tác động giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) của doanh nghiệp (DN) thuận lợi hơn rất nhiều.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những điểm tiến bộ trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi)?

  Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu thuận lợi hơn - Ảnh 1
Ông Đậu Anh Tuấn,
Trưởng ban Pháp chế
Ông Đậu Anh Tuấn: Luật Hải quan có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, kim ngạch XNK của Việt Nam tăng liên tục ở mức cao. Dự Luật đã được sửa đổi theo hướng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, hiện đại hóa hoạt động hải quan mà cụ thể là áp dụng rộng rãi hải quan điện tử.

Dự Luật cũng đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục hải quan theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK, giảm chi phí, thời gian của người dân và DN trong việc thực hiện thủ tục hải quan; có cơ chế khuyến khích, động viên người khai hải quan tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong quản lý hải quan...

Những đổi mới trong Luật là rất mạnh mẽ và phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế đất nước, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2030 đã được Quốc hội phê duyệt, Chiến lược XNK hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự án Luật Hải quan cũng là một dự Luật tiến bộ vì có sự tham gia ý kiến rộng rãi của cộng đồng DN trong quá trình soạn thảo.

Ông có thể nói cụ thể hơn về sự tham gia của cộng đồng DN trong dự án Luật này?

Có thể nói dự án Luật Hải quan thể hiện rõ sự “tương tác” giữa cơ quan soạn thảo và đối tượng chịu sự tác động lớn nhất là cộng đồng DN. Hàng năm, VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hai cuộc đối thoại lớn với cộng đồng DN về hải quan và thuế (tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) để lắng nghe ý kiến, những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn của DN. Từ đó, Bộ đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.

Năm 2011, VCCI tổ chức rà soát 16 đạo Luật lớn với sự tham gia rộng rãi của các DN, trong đó có Luật Hải quan, báo cáo rà soát và các kiến nghị cụ thể để hoàn thiện Luật đã được gửi tới Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan). Năm 2013, VCCI cũng phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hai cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng DN tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhiều kiến nghị từ Báo cáo rà soát Luật Hải quan và ý kiến góp ý dự thảo đã được xem xét tiếp thu rất nhiều trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.

Theo ông, những quy định tại dự thảo Luật Hải quan sửa đổi có đảm bảo được sự đồng bộ và thống nhất với các cam kết quốc tế về thương mại hiện nay?

Có thể thấy, các quy định trong Luật liên quan đến nhiều đạo luật chuyên ngành và điều ước quốc tế về hải quan mà Việt Nam là thành viên như Công ước Kyoto, Hiệp định GMS, Hiệp định về việc thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, Hiệp định hợp tác hải quan ASEAN… Trong đó có việc bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát hải quan là cần thiết, sẽ mang lại hiệu quả quản lý cao và thực tế điều này đã trở thành thông lệ quản lý hải quan của nhiều nước theo các Chuẩn mực về áp dụng quản lý rủi ro của Công ước Kyoto sửa đổi (khoản 20 Điều 4, Điều 16, Điều 30...).

Dự thảo Luật (Chương III, mục 2 từ Điều 41 đến 44) cũng quy định rõ chế độ ưu tiên đối với DN để tạo thuận lợi cho các DN có quá trình tuân thủ pháp luật tốt, đồng thời tạo tiền đề thực hiện việc công nhận chế độ ưu tiên giữa các quốc gia như Hải quan các nước. Quy định này phù hợp với các Chuẩn mực của Công ước Kyoto, Khung tiêu chuẩn về An ninh và Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của Tổ chức Hải quan thế giới WCO, khuyến nghị của WCO về việc xây dựng chương trình về DN ưu tiên (AEO).

Cũng cần nói thêm về tính thống nhất với pháp luật trong nước. Luật Hải quan được sửa đổi để phù hợp với các Luật khác liên quan như luật Biển Việt Nam, luật Thương mại, luật Quản lý thuế…, tăng cường cơ chế phối hợp và đảm bảo thống nhất với các quy định pháp luật về kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo ông, những đổi mới trong Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ tác động như thế nào tới hoạt động XNK của DN?

Nhìn chung, các quy định trong Dự thảo đã tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN, ví dụ như thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ truyền thống, bán điện tử sang điện tử, quy định rõ về hồ sơ hải quan, thời hạn công chức hải quan kiểm tra hồ sơ hải quan, bổ sung cơ chế xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan…

Đơn cử như Điều 23 Dự thảo Luật quy định về hồ sơ hải quan theo hướng giảm bớt các loại giấy tờ phải nộp không cần thiết khi làm thủ tục hải quan đối với các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan (hóa đơn thương mại, chứng từ vận tải, hợp đồng mua bán hàng hóa, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy phép XNK, các văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành, các chứng từ liên quan đến hàng hóa theo quy định của pháp luật có liên quan). Bên cạnh đó, chứng từ thuộc hồ sơ hải quan có thể là chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử.

Một sửa đổi có tác động tích cực nữa là quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan trong lĩnh vực hải quan cũng được quy định rõ. Đó là trách nhiệm của người khai hải quan/chủ hàng, cơ quan Hải quan/công chức Hải quan, người vận chuyển trong giám sát hải quan, DN kinh doanh kho bãi, các tổ chức cá nhân liên quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới...

Có thể thấy, với những đổi mới trong Luật Hải quan (sửa đổi) sẽ tác động, giúp cho hoạt động XNK của DN thuận lợi hơn rất nhiều.

Theo ông, trong dự thảo Luật Hải quan (sửa đổi) lần này còn những vấn đề gì cần tiếp tục hoàn thiện?

Trong quá trình tham vấn các DN, chuyên gia, chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần chỉnh sửa để đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong dự thảo. Ví dụ như quy định thời hạn nộp hồ sơ hải quan, thời điểm nộp hồ sơ hải quan, nơi thực hiện kiểm tra sau thông quan, các trường hợp kiểm tra tại trụ sở DN.

Ngoài ra, trong Dự thảo có nhiều chỗ dùng từ “Theo quy định của Luật này”, quy định này chưa rõ ràng vì người áp dụng phải đi tìm quy định liên quan ở các điều, khoản khác, do đó, cần quy định luôn các điều, khoản dẫn chiếu cụ thể để đảm bảo quy định pháp luật được rõ ràng, minh bạch.

Xin cảm ơn ông!