Lý do “sóng” cổ phiếu Ngân hàng dâng cao

Minh Lâm

Nhiều cổ phiếu Ngân hàng đã chứng kiến sự bứt tốc, vượt đỉnh 5 năm, khẳng định vị thế “cổ phiếu vua”, dẫn dắt thị trường trong những tháng đầu năm 2024.

Dẫn dắt thị trường

Nhóm cổ phiếu Ngân hàng tăng mạnh ở tuần trước Tết, mặc dù có sự phân hóa, vẫn có nhiều cố phiếu duy trì đà tăng so với đầu năm 2024 như: TCB (+30%), MBB (+28,4%), BID (+15%), VCB (+89,5%),  TPB (+12,4%)…

Giá cổ phiếu BID của BIDV đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Nguồn: Investing
Giá cổ phiếu BID của BIDV đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Nguồn: Investing

Trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngành, hàng khác chỉ tích lũy đi ngang hoặc tăng nhẹ, đà tăng của cổ phiếu Ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, đóng góp chính vào xu hướng tăng của VN-Index từ vùng 1.100 điểm lên mốc hiện tại trên 1.230 điểm. Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường vẫn chưa tìm được nhóm ngành khác có thể đổi trụ cho Ngân hàng.

Có thể thấy, từ phiên cuối năm ngoái (29/12/2023), nhóm cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu có tín hiệu hưng phấn, trở thành động lực chính dẫn dắt thị trường, sau một thời gian dài “lặng sóng” dưới áp lực từ nợ xấu và nút thắt tăng trưởng tín dụng.

Thực tế, cổ phiếu Ngân hàng vẫn được coi là cổ phiếu “vua” bởi quy mô vốn hóa, là một trong những trụ cột của nền kinh tế, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Việc nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục "nổi sóng" không chỉ mang lại niềm hân hoan cho các cổ đông sau thời gian dài đằng đẵng chờ ngày “về bờ”, mà còn mang lại niềm vui cho nhiều “cá mập”.

Sau một năm 2023 chật vật "về bờ", quỹ ngoại đến từ Phần Lan Pyn Elite Fund đã khởi đầu năm mới 2024 đầy khởi sắc với hiệu suất đầu tư đạt 6,85% trong tháng 1, vượt trội so với mức tăng 3,04% của VN-Index. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, quỹ ngoại này ghi nhận hiệu suất dương.

Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Ballad Việt Nam của SGI Capital cho biết, hiệu suất đầu tư của quỹ trong tháng 1 ghi nhận mức 4,84%. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang chiếm tới 40,2% trong cơ cấu danh mục với một số cổ phiếu như ACB, MBB, CTG, TPB, VIB…

Lực đẩy cho cổ phiếu                   

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, trong giai đoạn nửa đầu năm 2024, nhóm ngân hàng có nhiều động lực tăng trưởng khi mà mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Hiện, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm mạnh chưa từng có dưới 5% (không kể đến giai đoạn COVID-19).

Thậm chí một số ngân hàng lớn và ngân hàng nước ngoài còn cho vay ở mức dưới 7% và cố định 1-3 năm. Điều này tạo động lực để người dân đi vay tiền để đi mua bất động sản trong bối cảnh giá nhà đang giảm, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như đáp ứng nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp, giúp nền kinh tế phục hồi. Khi lãi suất giảm thì biên lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng và việc cho vay sẽ được phục hồi.

Cổ phiếu nhóm Ngân hàng đang được định giá ở mức thấp.
Cổ phiếu nhóm Ngân hàng đang được định giá ở mức thấp.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang có định giá ở mức thấp với P/E khoảng 5-6 lần (nếu loại trừ Vietcombank) và P/E quanh 7-8 đối với các ngân hàng tăng trưởng tốt và kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn. Đây là mức định giá thấp nếu so với các ngành đang gặp khó khăn về mặt tăng trưởng trong giai đoạn vừa rồi.

Theo ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment, Ngân hàng sẽ là "nhóm cổ phiếu của năm 2024". Trên nền lãi suất thấp duy trì được Chính phủ định hướng cộng thêm nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B 1-1,2 lần, cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh.

Một điểm sáng nữa của ngành Ngân hàng là sự thay đổi về chính sách trả cổ tức. Trước đây, Ngân hàng Nhà nước không cho phép các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt để bảo toàn vốn cho ngân hàng. Hiện các ngân hàng thương mại đã được cho phép trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngay sau đó, một loạt các ngân hàng đã bắt đầu lấy ý kiến của cổ đông và có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2024. Việc trả cổ tức bằng tiền mặt chưa được đánh giá là tốt hay không nhưng đây là động lực lớn khiến cho các nhà đầu tư có cái nhìn tích cực hơn đối với ngành. Lợi tức khoảng từ 2-3% thậm chí có ngân hàng lên đến 5%.

Ngoài ra, sự nhập cuộc của dòng tiền lớn chảy vào các cổ phiếu ngân hàng cũng là chất xúc tác lớn đẩy giá cổ phiếu ngành này tăng đột biến. Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, việc giá cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng do các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh mua vào. Một số tổ chức tài chính khác bắt đầu có khuynh hướng giải ngân vào thị trường chứng khoán. Thông thường, các tổ chức và quỹ đầu tư nước ngoài sẽ chọn cổ phiếu ngân hàng trong danh mục vì chiến lược ưu tiên cổ phiếu an toàn, có tính thanh khoản cao do lượng tiền giải ngân của họ rất lớn.

“Cổ phiếu ngân hàng đang được quỹ ngoại săn đón nên dòng tiền thông minh trong nước cũng mua vào để theo dấu chân của cá mập. Ngay cả nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư ngắn hạn "lướt sóng" cũng thấy lực cầu cổ phiếu ngân hàng tăng nên tận dụng cơ hội ngắn hạn để mua vào", ông Trương Hiền Phương phân tích.

Theo chuyên gia VPS, việc tăng giá liên tục của nhóm cổ phiếu ngân hàng giai đoạn vừa qua cũng đã khiến nhà đầu tư hăng hái tham gia. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội rung lắc để giải ngân, ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp, trích lập dự phòng cao, tăng trưởng CASA tích cực như: VCB, ACB, MBB, CTG.