Mang “hạt ngọc” dẻo thơm tới học sinh Hà Giang trong năm học mới

Văn Trường

Gạo dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ học sinh theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp các em học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn yên tâm tới trường. Để lan tỏa ý nghĩa nhân văn của chính sách này tới học sinh học kỳ I năm học 2023-2024, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực kịp thời xuất cấp, vận chuyển, bàn giao đủ số lượng, đảm bảo chất lượng tới các địa phương, trong đó có Hà Giang.

Hoàn thành xuất cấp hơn 3.916 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh

Trong những năm qua, có thể thấy, chính sách hỗ trợ gạo học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn vững bước tới trường để nuôi dưỡng ước mơ.

Đoàn công tác của Tổng cục DTNN kiểm tra công tác bảo quản gạo tại Trường Tiểu học Cán Tỷ, huyện Quản Bả. Ảnh: Văn Trường
Đoàn công tác của Tổng cục DTNN kiểm tra công tác bảo quản gạo tại Trường Tiểu học Cán Tỷ, huyện Quản Bả. Ảnh: Văn Trường

Đặc biệt, chính sách này đã giúp các trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi huy động học sinh đến trường, hạn chế mức thấp nhất học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Để thực hiện tốt công tác xét duyệt học sinh được hưởng chính sách trong học kỳ I năm học 2023-2024 theo quy định Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, thời gian qua, Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ này, trong đó có các sở giáo dục và đào tạo cá tỉnh, thành phố.

Cụ thể hóa các văn bản của cấp có thẩm quyền, thời gian qua, việc tổ chức cấp phát gạo DTQG hỗ trợ học sinh tại các địa phương, trong đó có Hà Giang được thực hiện kịp thời theo đúng quy định. Theo Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, trong học kỳ I năm học 2023-2024, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận đủ hơn 3.916 tấn gạo DTQG từ 2 Cục DTNN khu vực (Vĩnh Phú và Hà Bắc) để cấp phát đến tận tay cho 66.060 học sinh.

Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý hồ sơ, sổ sách, công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh. Công tác tiếp nhận gạo giữa nhà trường và đơn vị vận chuyển được thực hiện đúng quy định. Các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị kho lưu giữ, bảo quản gạo theo đúng tiêu chí, yêu cầu của cơ quan chuyên môn. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các trường xây dựng định mức gạo nấu ăn/bữa/ngày/học sinh và thực hiện thống nhất trong các ngày học sinh ăn của tháng.

Để lan tỏa chính sách nhân văn này nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống hơn nữa, ông Nguyễn Thế Bình - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang đề nghị, Chính phủ tiếp tục xem xét, ban hành các chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú; xem xét, ban hành quy trình rút gọn để cấp phát gạo hỗ trợ học sinh vào tháng đầu trong năm học; duy trì chính sách hỗ trợ đối với học sinh ở các xã đã được công nhận nông thôn mới theo kế hoạch dần dần...

Đưa gạo DTQG đến tận tay học sinh các điểm trường

Để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế giao, nhận và quản lý, sử dụng gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2023-2024 theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, Đoàn công tác của Tổng cục DTNN do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN La Văn Thịnh làm Trưởng đoàn vừa tổ chức đến thăm, kiểm tra công tác tiếp nhận, bảo quản gạo DTQG tại một số điểm trường ở huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.

Tham gia cùng Đoàn công tác của Tổng cục DTNN, chúng tôi mới thực sự cảm nhận rõ hơn về hoạt động xuất cấp gạo DTQG đến tận tay các em học sinh miền núi khó khăn nơi địa đầu Tổ quốc.

Trường Tiểu học Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) là điểm trường đầu tiên Đoàn công tác của Tổng cục DTNN đến thăm, làm việc và kiểm tra công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2023 - 2024.

Chính sách hỗ trợ gạo học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn vững bước tới trường. Ảnh: Văn Trường
Chính sách hỗ trợ gạo học sinh theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn vững bước tới trường. Ảnh: Văn Trường

Tại đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN La Văn Thịnh và các thành viên của Đoàn đã đi thăm nhà ăn, kho chứa gạo và cảnh quan Nhà trường để hiểu rõ hơn về nỗi vất vả của các thầy giáo, cô giáo, các em học sinh nơi đây.

Báo cáo với Đoàn công tác, thầy giáo Tạ Văn Kha - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cán Tỷ cho biết, để chuẩn bị cho công tác tiếp nhận gạo học kỳ I năm học 2023 - 2024, Ban Giám hiệu Nhà trường đã thành lập Ban tiếp nhận gạo để đảm bảo tiếp nhận kịp thời số gạo DTQG được giao tới điểm trường theo quy định.

Đồng thời, Nhà trường đã chuẩn bị dọn dẹp, vệ sinh, kê lót kệ tại một kho chứa đảm bảo an toàn, sạch sẽ nhằm đảm bảo chất lượng gạo không bị mốc, mất phẩm chất của gạo khi nấu lên cho học sinh ăn.

“Hàng ngày, việc tổ chức nấu ăn phải có phiếu xuất kho, sổ ghi chép số lượng gạo hàng ngày để đảm bảo đúng định mức đối với các em học sinh của Trường. Cùng với đó, cuối tháng, chúng tôi tiến hành kiểm kê số lượng gạo phát, nấu ăn cho mỗi đầu người học sinh đảm bảo đúng số lượng quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ”, Hiệu trưởng Tạ Văn Kha nói.

Theo Hiệu trưởng Tạ Văn Kha, Nhà trường đã tiếp nhận đầy đủ số lượng gạo DTQG được vận chuyển, cấp phát trong học kỳ I năm học 2023-2024 là 15,420 tấn gạo hỗ trợ cho 257 học sinh.

“Chất lượng gạo đảm bảo không ẩm ướt, không bị mốc mọt, các bao gạo khi được chuyển đến trường chúng tôi còn nguyên vẹn không rách và bị mốc bên ngoài”, thầy Kha chia sẻ.

Tiếp đó, Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác tiếp nhận, quản lý, bảo quản, sử dụng gạo DTQG tại điểm trường Trung học cơ sở Cán Tỷ.

Thông tin với Đoàn công tác về tình hình tiếp nhận gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2023-2024, cô giáo Đỗ Thị Châm - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Cán Tỷ cho biết, trong học kỳ I năm học 2023-2024, Nhà trường được tiếp nhận tổng số gạo hơn 9,1 tấn hỗ trợ cho 152 em học sinh thuộc diện thụ hưởng theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.

“Chúng tôi vừa tiếp nhận gạo DTQG theo đúng kế hoạch, số lượng gạo được giao, nhận đủ số lượng, đảm bảo chất lượng. Sau khi tiếp nhận, đưa gạo vào kho riêng, đảm bảo khô ráo, sạch kín. Đồng thời, Nhà trường tiến hành lập hồ sơ quản lý chặt chẽ, theo dõi xuất gạo nấu ăn hàng ngày cho học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách; sử dụng gạo đúng đối tượng, định mức quy định”, Hiệu trưởng Đỗ Thị Châm nói.

Qua kiểm tra thực tế tình hình tiếp nhận gạo tại các điểm trường trên, Phó Tổng cục trưởng La Văn Thịnh và các thành viên trong Đoàn công tác đều ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc của Cấp ủy, Lãnh đạo huyện Quản Bạ trong chỉ đạo thực hiện cấp gạo đảm bảo đúng số lượng, chế độ tới từng đối tượng được thụ hưởng theo quy định Nghị định số 116/2016/NĐ-CP.

“Đến trực tiếp kiểm tra công tác tiếp nhận, bảo quản gạo DTQG tại các kho chứa gạo của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Cán Tỷ, chúng tôi nhận thấy, công tác tiếp nhận, bảo quản gạo DTQG được hai trường này thực hiện nghiêm túc, đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ. Chất lượng gạo khi sử dụng nấu ăn cho các em học sinh luôn được đảm bảo tiêu chuẩn”, Phó Tổng cục trưởng La Văn Thịnh cho biết.

 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, trong học kỳ I năm học 2023-2024, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận đủ hơn 3.916 tấn gạo DTQG từ 2 Cục DTNN khu vực (Vĩnh Phú và Hà Bắc) để cấp phát đến tận tay cho 66.060 học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về quản lý hồ sơ, sổ sách, công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng gạo hỗ trợ học sinh.