Quảng Nam:
Mạnh tay với nợ thuế của Công ty Vàng Phước Sơn
Việc Quảng Nam thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Cty TNHH vàng Phước Sơn do nợ thuế kéo dài nhiều năm và chưa đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong việc khai thác và kinh doanh đã nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận.
Báo cáo tại buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến ngày 31/5, tổng tiền nợ thuế của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn lên đến trên 430,7 tỉ đồng.
“Biện pháp mạnh”
Ngân hàng Việt Á đã đứng ra bảo lãnh trả nợ thay khoản nợ thuế của Công ty khai thác vàng Phước Sơn với số tiền trên 334 tỷ đồng để tái cơ cấu đưa vào hoạt động trở lại của Công ty này.
Theo cam kết trả nợ có bảo lãnh của ngân hàng Việt Á số nợ thuế trên sẽ được trả trong vòng 12 tháng. Mỗi tháng Công ty phải trả 27 tỷ. Nếu Công ty không trả thì ngân hàng bảo lãnh chịu trách nhiệm trả thay để Công ty khai thác vàng Phước Sơn đi vào hoạt động trở lại”. Đó là nội dung chính trong văn bản của đề án tái cơ cấu và cam kết trả nợ của Công ty Vàng Phước Sơn và đối tác là Ngân hàng Việt Á gửi đến UBND tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam, trong hồ sơ thủ tục xin bảo lãnh trả nợ 334 tỷ đồng nợ thuế trên còn thiếu Quyết định cưỡng chế thuế đối với Công ty vàng Phước Sơn nên Cục Thuế tỉnh chưa chấp nhận chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á.
Nói về quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH vàng Phước Sơn, GĐ Sở KHĐT Quảng Nam – ông Lê Phước Hoài Bảo cho biết: Đây là biện pháp mạnh mà tỉnh Quảng Nam thực hiện để Công ty trả nợ thuế cho ngân sách. “Nếu họ có những cam kết tốt, có cơ sở cho việc trả nợ thuế và được Cục thuế thống nhất thì sẽ cấp lại giấy đăng ký kinh doanh” – Ông Bảo nhấn mạnh
Hợp tình, hợp lý
Có thể nói, trong thời gian qua, tình trạng DN nợ đọng thuế diễn ra nhiều năm là vấn đề đau đầu của ngành Thuế. Do đó, việc Sở Kế hoạch đầu tư Quảng Nam công bố quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Phước Sơn đã nhận được sự đồng tình rất lớn cửa dư luận.
Theo các chuyên gia, việc rút giấy phép một dự án FDI là quyết định chẳng dễ dàng gì cho các địa phương, nhất là trong bối cảnh chính địa phương đã từng ủng hộ hết mình cho dự án, tạo mọi điều kiện để dự án có thể tiếp tục hoạt động. Nhưng, khi mà chủ đầu tư liên tục sai phạm và không cho thấy sự cầu thị thực sự để có thể tiếp tục triển khai dự án, rút giấy phép là việc làm cần thiết”.
Luật sư Phạm Văn Thanh – Đoàn Luật sư Quảng Nam cho biết: Dù Luật DN và Luật Đầu tư không chỉ rõ việc xử lý trong trường hợp này nhưng có thể căn cứ vào Điểm d Khoản 1 Điều 48 về “Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư” và Điểm đ Khoản 2 Điều 47 về “Tạm ngừng, ngừng hoạt động của dự án đầu tư”, Luật Đầu tư năm 2014 quy định một trong các trường hợp mà cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư.
Trong trường hợp này, do Công ty Vàng Phước Sơn đã “tái phạm” nhiều lần nên có thể thu hồi giấy phép và đóng cửa mỏ vàng nếu thấy có lợi cho sự phát triển bền vững, lâu dài của địa phương và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.