Thoái vốn dưới mệnh giá:
Minh bạch để tránh thất thoát
(Tài chính) Cho phép thoái vốn dưới mệnh giá và đề xuất các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước được phép mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại các công ty tài chính, các NHTM cổ phần là những nội dung tại Nghị quyết số 15/NQ-CP (ngày 6/3 của Chính phủ), được dư luận hết sức quan tâm.
Phù hợp với thực tế
Nghị quyết số 15/NQ-CP cho phép “thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ đi khoản dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định”. Về nguyên tắc thị trường, những khoản đầu tư không hiệu quả cần phải được sớm thoái vốn, chấp nhận cắt lỗ. Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là phải làm sao để việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành dưới mệnh giá không làm thất thoát thêm tài sản Nhà nước. Các chuyên gia tài chính cho rằng, nếu chúng ta công khai, minh bạch trong quá trình mua bán vốn thì có thể hạn chế đến mức thấp nhất khả năng này.
Ông Hoàng Xuân Hiệp, Giám đốc Quản lý tín dụng, ngân hàng thương mại Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) cho rằng, thoái vốn dưới mệnh giá là giải pháp hợp lý vào thời điểm này, bởi quy luật của thị trường là khi hàng hóa đắt thì ta bán đắt, còn hàng hóa rẻ thì bán rẻ. Theo ông Hiệp, chủ trương này góp phần tháo gỡ điểm nghẽn trong cổ phần hóa thời gian qua.
Nhận định đây là chủ trương tốt nhằm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng trong bối cảnh khó khăn, hàng hóa đa phần đều xuống giá thì Nhà nước “mất” một chút cũng là điều đương nhiên.
“Chính phủ cho phép thoái vốn dưới mệnh giá nhưng trên cơ sở cân nhắc và có chọn lựa, không thoái vốn bằng mọi giá. Cái nào đang lỗ thì bán nhanh hơn, hoặc càng để càng lỗ thì mới thoái, cái nào đang lãi thì bán chậm hơn. Nhưng cái quan trọng là cần phải được minh bạch trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cho phép bộ, ngành, địa phương được phép điều chỉnh lại vốn điều lệ sau khi thoái vốn xong, đây cũng là sự mềm dẻo, thiết thực, thuận lợi cho cổ phần hóa”, TS Nguyễn Minh Phong bình luận.
Cần công khai việc mua, bán vốn
Về chủ trương cho phép các NHTM nhà nước là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV được mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành tại các công ty tài chính, ngân hàng thương mại của các DNNN, theo TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV, đây là giải pháp khả thi.
“Rõ ràng là các NHTM nhà nước cũng hiểu những ngân hàng đối tác và công ty tài chính mà các tập đoàn, công ty Nhà nước đang góp vốn. Bên cạnh đó, về cơ bản số tiền không phải là nhiều nên với “room” này các NHTM nhà nước có thể mua được”, ông Cấn Văn Lực nhận xét.
Ngoài ra, ông Lực cũng lưu ý một số vấn đề khi thực hiện chủ trương này. Ông Lực đề xuất các DNNN thoái vốn nên theo trình tự ưu tiên, trước hết họ tự mình tìm được đối tác để thoái vốn là tốt nhất, vì nó liên quan đến “thuận mua vừa bán”, tự nguyện. Hai mới đến các phương án bán lại cho NHTM nhà nước, hoặc NHNN và cuối cùng là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
“Về giá cả, phải có công ty bên thứ ba định giá độc lập và điều quan trọng là phải đảm bảo được minh bạch, công khai các mua bán để tránh được việc tăng sở hữu chéo hoặc vấn đề sân sau như dư luận lo ngại, dù khả năng này ít xảy ra vì việc này chắc chắn sẽ phải minh bạch. Ngoài ra, sau khi các NHTM nhà nước mua về rồi thì phải cân đối khả năng về tài chính của chính ngân hàng mình, ví dụ ngân hàng mua chỗ này và lại phải thoái chỗ khác, làm sao để phần vốn phát huy hiệu quả”- ông Lực nói.
Dưới góc độ khác, ông Hoàng Xuân Hiệp, Giám đốc Quản lý tín dụng, Ngân hàng Maritime Bank cho rằng, không nên quá lo ngại về sở hữu chéo bởi sở hữu chéo là hoàn toàn bình thường nếu nó công khai, minh bạch, vì nó làm tốt thêm vấn đề quản trị kinh doanh. “Vấn đề ở đây là nếu các ngân hàng quản trị tốt, công khai minh bạch thì sẽ làm thúc đẩy DN phát triển hơn. Vì sở hữu chéo nghĩa là nó có nhiều cái đầu cùng “đầu tư” vào vốn thì vẫn hơn 1 cái đầu”, ông Hiệp so sánh.