Mô hình chaebol còn phù hợp?
Chaebol đang gặp khó và những cái tên được nhắc đến nhiều nhất gần đây là Samsung, Lotte, Hanjin Shipping.
Hãng Samsung vừa phải thu hồi mẫu điện thoại Galaxy Note 7 - phablet đình đám được tung ra nhằm đánh bại Apple. Điện thoại này được đánh giá có nhiều tính năng khá tốt, nhưng pin lại dễ nóng và có thể gây cháy.
Trước đó, hãng vận tải biển Hanjin Shipping thì đệ đơn xin phá sản và đang phải nhờ tòa án bảo vệ khỏi các chủ nợ. Tàu của họ liên tục bị các cảng từ chối tiếp nhận vì lo sẽ không được thanh toán. Và còn có thể nhắc ra đây một số những vụ “lùm xùm” của hàng loạt tập đoàn gia đình lớn của Hàn Quốc (chaebol) như vậy.
Vì thế, các cuộc tranh luận vốn đã tồn tại từ lâu về việc liệu cấu trúc các chaebol này có còn phù hợp trong tình hình hiện nay, lại bắt đầu nhen nhóm lại.
Mới đây, ngày 26/9 các công tố viên Hàn Quốc đã gửi yêu cầu đề nghị tòa phát lệnh bắt Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin để phục vụ điều tra. Đây là diễn biến mới nhất trong cơn “bão tố” ập đến tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc. Các nhà điều tra bắt đầu cuộc khám xét chính thức tại các trụ sở của tập đoàn này từ tháng 6.
Theo các công tố viên, Chủ tịch Shin Dong-bin bị tình nghi là chủ mưu của hàng loạt giao dịch mờ ám giữa các chi nhánh của tập đoàn trong quá trình sáp nhập và mua lại. Ngoài ra, ông cũng bị cáo buộc bán tài sản của một số chi nhánh với mức giá thấp hơn giá thị trường.
Giới chức cũng đang xem xét việc khởi tố hình sự với tội danh biển thủ vì những nghi vấn về việc nhận 10 tỷ Won (8,88 triệu USD) hàng năm, với danh nghĩa tiền lương cho chức vụ thành viên hội đồng quản trị chi nhánh Lotte tại Nhật Bản.
Trước đó, con gái cả của nhà sáng lập Tập đoàn Lotte Shin Young Jia cũng đã bị bắt bởi những cáo buộc liên quan đến lập quỹ đen hối lộ và đấu đá nội bộ gia đình khiến tập đoàn này rơi vào khủng hoảng.
Bản thân các chaebol như Samsung, LG đã là những tập đoàn tư nhân hùng mạnh trước khi được hỗ trợ qua hệ thống ngân hàng, được ban cơ chế độc quyền.
Bằng chứng là đến cuối thời điểm năm 1980, các chaebol của Hàn Quốc đã nổi tiếng trên thị trường thế giới về lĩnh vực sản xuất, thương mại cũng như công nghiệp nặng. Đến những năm 90, chỉ riêng 5 chaebol lớn nhất (Samsung, Hyundai, LG, Daewoo, SK) đã đóng góp đến 50% GDP của Hàn Quốc.
Mối quan hệ sở hữu chéo không chỉ tồn tại giữa các công ty thành viên trong nội bộ chaebol, mà còn giữa các chaebol với nhau. Tuy việc nắm giữ cổ phần chéo không được phép, nhưng một công ty vẫn có thể đầu tư vốn vào một công ty khác, và sau đó chuyển vốn cổ phần sang cho bên thứ 3.
Mô hình này cho thấy, với số vốn đầu tư không quá lớn (chỉ cần đảm bảo mức khống chế ở một số công ty chủ chốt và một lượng vốn nhỏ ở các công ty con) nhưng phạm vi ảnh hưởng của công ty mẹ hay các gia đình sáng lập thực sự rất lớn. Công ty mẹ chỉ cần duy trì tỷ lệ cổ phần khống chế tại các công ty con.
Tuy nhiên, chính sự tập trung này cộng thêm với các chính sách bảo hộ nhiều của Chính phủ là những nguyên nhân căn bản gây nên rất nhiều bất cập ở Hàn Quốc.
Tình trạng quản lý không rõ ràng, kém hiệu quả trong quản lý do những mối quan hệ qua lại đan xen trong mô hình sở hữu chéo khá phổ biến. Các công ty niêm yết trực thuộc các chaebol luôn có quan niệm mặc định là những người lãnh đạo sẽ không bao giờ bị thay thế (gia đình trị).
Cho đến năm 1997, hội đồng quản trị của tất cả các công ty niêm yết chỉ bao gồm những “người trong cuộc”, và họ có quyền chỉ định kiểm toán viên bên ngoài. Vì thế, tính độc lập của các kiểm toán viên bên ngoài luôn là một vấn đề gây nhiều nghi vấn.
Kim Woo-chan, giáo sư tài chính tại trường kinh doanh thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết: "Rất nhiều chaebol Hàn Quốc hoạt động không tốt. Họ không làm theo ý đa số các cổ đông". Ông cũng tiết lộ các nhà làm luật đang tìm cách thay đổi điều này.
Sau cuộc khủng hoảng 1997, Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc đã buộc các công ty muốn niêm yết phải có tối thiểu là 1/4 thành viên của HĐQT là các thành viên độc lập từ bên ngoài.
Đồng thời, phải thành lập một uỷ ban bao gồm cả kiểm toán viên nội bộ, thành viên độc lập từ bên ngoài và các chủ nợ để lựa chọn (hoặc gợi ý lựa chọn) kiểm toán viên bên ngoài, nhằm tăng thêm tính minh bạch cho hoạt động kiểm toán.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997-1998 đã cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu là việc các công ty gia đình nắm quyền kiểm soát ở các ngân hàng thương mại, và sử dụng những ngân hàng thương mại này tài trợ cho các dự án của mình và các công ty có liên quan. Vì thế, sau khủng hoảng, Hàn Quốc đã cấm ngay các tập đoàn không được đầu tư vào các lĩnh vực khác.
Chaebol được coi là “công thần” kéo Hàn Quốc ra khỏi tình trạng nghèo khó sau chiến tranh. Và các chaebol với sự hậu thuẫn đặc biệt của Chính phủ hiện vẫn nhận được ủng hộ của công chúng, bởi họ tin rằng chính các chaebol đã và đang dẫn dắt nền kinh tế nước này.
Nhưng gần đây, cùng với Lotte, một loạt tên tuổi một thời lừng lẫy khác như Keangnam, Hanjin… đang làm đau đầu Chính phủ Hàn Quốc. Những lời xin lỗi muộn màng của họ về những bê bối chưa đủ để xoa dịu sự giận dữ của công chúng.