Mô hình nào quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp?
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Theo đó, sẽ thành lập một cơ quan chuyên trách: Ủy ban Quản lý, Giám sát vốn và Tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại DN, góp phần phân bổ hợp lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội... Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về cách lựa chọn mô hình này.
Trên thế giới quản lý vốn nhà nước tại DN nói riêng và quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói chung rất được chú trọng. Mỗi nước có cách quản lý, giám sát riêng nhưng chủ yếu vẫn thông qua các đầu mối là cơ quan chức năng có thẩm quyền (bộ, đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ) và có sự tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu.
Với Việt Nam, cơ chế kinh tế thị trường buộc chúng ta phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh. Việc thành lập một Ủy ban chuyên trách độc lập làm chức năng đại diện quyền chủ sở hữu nhà nước tại DN khó có thể làm thay đổi được thực trạng yếu kém trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước lâu nay, thậm chí làm cồng kềnh hơn nữa bộ máy quản lý, gây chồng chéo chức năng, trách nhiệm lại không rõ ràng...
Để mang lại những thay đổi thực chất trong quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN, trước hết phải soát xét lại toàn bộ thể chế và bộ máy quản lý hiện hành, những gì không còn phù hợp thì nên sớm sửa đổi, xóa bỏ cái cũ.
Cần thay đổi tư duy trong cách thức quản lý, Nhà nước mạnh dạn tự giải phóng mình khỏi áp lực quản lý tràn lan, chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho những chủ thể có trách nhiệm trong cộng đồng xã hội.
Tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại DN mà không trực tiếp chỉ đạo hoạt động kinh doanh của DN.
Xây dựng một khung khổ pháp lý với các quy định rõ ràng, minh bạch, làm cơ sở cho quản lý và giám sát phần vốn nhà nước tại các DN được hiệu quả; Xây dựng các chỉ tiêu quản lý kết quả hoạt động kinh doanh của DN và phù hợp với nhiều loại hình DN khác nhau. Những lĩnh vực Nhà nước không cần thiết nắm giữ, phải quyết tâm sớm thoái vốn hoàn toàn, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (CPH).
Bất kỳ mô hình quản lý nào cũng phải thực hiện CPH triệt để DNNN, Nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối ở ngành chiến lược, DN công ích cần thiết... Khi được CPH, chính cổ đông và ban kiểm soát nội bộ DN sẽ kiểm soát, chế định lẫn nhau và khi đó, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mới hiệu quả.
Các DNNN cũng cần được đặt vào môi trường cạnh tranh, hội nhập, đưa tiêu chí bảo toàn và phát triển vốn nhà nước hằng năm trở thành tiêu chí bắt buộc để được Nhà nước đặt hàng, xem xét áp dụng chính sách tài trợ hoặc ưu đãi khác.
Việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN cần đến những cơ quan chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm, từng cán bộ phải là chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh chứ không phải công chức quản lý hành chính đơn thuần.
Tư duy quản lý hiện nay vướng mắc lớn nhất là ở chỗ quá nặng nề xem tài sản quốc gia như là của riêng Nhà nước phải quản, nhưng thực ra là "cha chung không ai khóc". Trong khi đó, yêu cầu số một của cơ chế thị trường là phân bổ nguồn lực một cách tối ưu lại không được quan tâm một cách đầy đủ.
Chủ trương thành lập một cơ quan chuyên trách thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với DNNN đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Điều này đã được khẳng định và hiện không thể bàn lùi, quan trọng là chúng ta phải tìm mô hình quản lý sao cho hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.