Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội

Theo daibieunhandan.vn

Tại hội thảo “Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam” do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) phối hợp tổ chức, các đại biểu cho rằng, tuổi nghỉ hưu sớm; mức trần đóng bảo hiểm y tế còn quá cao… là những nguyên nhân khiến mức độ bao phủ bảo hiểm xã hội của nước ta còn thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Áp lực cân đối quỹ BHXH

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu người được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ BHXH dài hạn.

Tính đến hết năm 2016, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng, chiếm trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Từ ngày 1/1/2018, ngoài những đối tượng tham gia BHXH truyền thống, sẽ bổ sung thì đối tượng tham gia BHXH là lao động có hợp đồng lao động 1 tháng trở lên, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam cũng có cơ hội tham gia BHXH tại Việt Nam. Vì vậy, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH sẽ ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, việc thực hiện chính sách BHXH đang bộc lộ một số hạn chế, bất cập như diện bao phủ còn ở mức thấp, nhiều người chưa được tham gia BHXH, nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái.

Lý giải những hạn chế này, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Phạm Trường Giang cho biết, hiện mức trần đóng BHXH quá cao, mức tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở (tương đương 6 lần mức tiền lương trung bình tháng đóng BHXH).

Cũng theo ông Giang, việc nghỉ hưu sớm trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cũng là yếu tố gia tăng áp lực cho quỹ BHXH. Cụ thể là, hiện nay, tuổi hưu trung bình của nam giới là 54,2 tuổi và nữ là 52,6 tuổi. Tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu (kỳ vọng sống sau tuổi hưu) là 79,5 tuổi. Trong khi đó, tiền đóng BHXH chỉ đủ chi trả lương hưu trong 10 năm.

Phải phối hợp liên ngành chặt chẽ

Theo tính toán của ILO, nếu không có điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034. Chuyên gia cao cấp của ILO, Michael Cichon khuyến nghị, Việt Nam nên tham khảo 1 trong 4 phương án để mở rộng diện bao phủ BHXH.

Cụ thể là, tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 đối với nam và nữ theo lộ trình cứ một năm tăng lên 1 tuổi và bắt đầu thực hiện từ năm 2018; tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế (tính bằng tỷ số giữa người thụ hưởng và người tham gia BHXH) bằng cách sử dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1,5% mức đóng BHXH trong vòng 40 năm; tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ thay thế bằng cách áp dụng tỷ lệ tích lũy ở mức 1% đối với mỗi năm đóng góp, áp dụng cơ chế hưu trí toàn dân ở mức 50% lương tối thiểu khu vực Nhà nước; tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng mô hình tài khoản cá nhân tượng trưng trong vòng 40 năm chuyển đổi từ năm 2018.

Giải quyết bài toán mở rộng diện bao phủ của BHXH, khắc phục nguy cơ vỡ quỹ hưu trí, tử tuất không chỉ liên quan đến vấn đề luật pháp mà còn là văn hóa, thói quen trong xã hội. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, vấn đề này đỏi hỏi phải có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ.

Trước mắt, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần rà soát để có số liệu chính xác về số lượng người đang lao động, đã lao động hay đã nghỉ hưu, sau đó đối chiếu với các giải pháp quốc tế đã và đang thực hiện để tính toán, tìm giải pháp khả thi cho nước ta.

Cùng với đó là, tiến hành các biện pháp toàn diện từ vận động, kiểm tra, thanh tra để người lao động thuộc diện đóng BHXH chủ động, tích cực tham gia BHXH. Cơ quan BHXH và cơ quan thuế phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời khắc phục tình trạng vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện BHXH tại doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật để người lao động hiểu rõ quyền lợi của mình, khi đó, mỗi người lao động sẽ trở thành một “thanh tra gián tiếp” cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước nếu người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm đóng BHXH.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới công tác quản lý lao động và quản lý quỹ BHXH, tận dụng tối đa công nghệ thông tin.