Mối liên hệ đặc biệt giữa ISO 9001 và ISO 22000

Hạ Băng

Giữa tiêu chuẩn ISO 9001 và ISO 22000 có mối liên hệ đặc biệt khi ISO 9001 là tiền đề để triển khai ISO 22000.

Cả hai tiêu chuẩn đều được xây dựng và ban hành bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới
Cả hai tiêu chuẩn đều được xây dựng và ban hành bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới

ISO 9001 là một tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng. Trong khi đó, ISO 22000 lại là một tiêu chuẩn dành cho hệ thống quản lý an toàn thực phẩm.

Có nhiều sự khác nhau nhưng 2 tiêu chuẩn này cũng tồn tại một số điểm tương đồng nhất định.

Cả hai tiêu chuẩn đều được xây dựng và ban hành bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và được áp dụng ở hầu hết các nước trên thế giới. Do đó, giấy chứng nhận hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc theo tiêu chuẩn ISO 22000 sẽ có giá trị trên toàn cầu.

Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 và Tiêu chuẩn ISO 22000:2018 đều áp dụng cấu trúc bậc cao (HLS). HLS đảm bảo tính tương thích giữa các tiêu chuẩn ISO với nhau. Từ đó giúp doanh nghiệp có thể áp dụng các tiêu chuẩn ISO một cách độc lập, hoặc kết hợp các tiêu chuẩn ISO với nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hai tiêu chuẩn ISO này đều áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro. Đây là phương pháp giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc hoạch định và dự báo trước được các rủi ro hoặc cơ hội có thể xảy ra. Từ đó đưa ra được các biện pháp dự phòng, phương pháp quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp. 

Chu trình PDCA được áp dụng trong cả tiêu chuẩn ISO 9001:2015 lẫn ISO 22000:2018 giúp doanh nghiệp dễ dàng kiểm soát hệ thống quản lý một cách khoa học, chặt chẽ và đảm bảo cải tiến liên tục.

Đáng chú ý, giữa ISO 9001 và ISO 22000 có mối liên hệ đặc biệt khi ISO 9001 là tiền đề để triển khai ISO 22000.

Có thể thấy, các nội dung, điều khoản trong Tiêu chuẩn ISO 9001 có tính khái quát cao, bao hàm rất nhiều khía cạnh được đề cập tới trong Tiêu chuẩn ISO 22000. Nói cách khác, có thể coi Tiêu chuẩn ISO 9001 như là một tiền đề để doanh nghiệp triển khai hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSMS) theo Tiêu chuẩn ISO 22000.

Hơn nữa, việc vận hành và kiểm soát hiệu quả các quá trình hoạt động trong doanh nghiệp một cách tổng thể chính là chìa khóa để đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó, doanh nghiệp nếu đã có một hệ thống quản lý chất lượng (QMS) hiệu quả thì việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm cũng sẽ nâng cao đáng kể.

Doanh nghiệp chỉ cần chú trọng thêm về các yêu cầu liên quan đến an toàn thực phẩm (điều khoản 8 trong Tiêu chuẩn ISO 22000) để hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của mình. Còn các khía cạnh khác trong hệ thống quản lý sẽ được hỗ trợ bởi Tiêu chuẩn ISO 9001.