Mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại

ThS. Nguyễn Kim Quốc Trung - Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều ngân hàng cũng như các nhà đầu tư và các bên có liên quan trong lĩnh vực tài chính đã thận trọng hơn, có những nhận thức sâu sắc hơn về rủi ro, nhất là rủi ro tín dụng. Bài viết triển khai nghiên cứu mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước ở Việt Nam từ 2009-2016, qua đó, trình bày cơ sở lý thuyết về kiểm soát nội bộ nhằm làm nổi bật nhu cầu của việc thực hiện kiểm soát nội bộ tại ngân hàng. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng (hồi quy tổng hợp, mô hình tác động cố định và mô hình tác động ngẫu nhiên), cho thấy quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng.

Theo Basel (2010), KSNB giúp đảm bảo rằng ban quản lý cấp cao thiết lập và duy trì hệ thống và quy trình KSNB đầy đủ và hiệu quả.
Theo Basel (2010), KSNB giúp đảm bảo rằng ban quản lý cấp cao thiết lập và duy trì hệ thống và quy trình KSNB đầy đủ và hiệu quả.

Cơ sở lý thuyết

Trong một nghiên cứu sau khủng hoảng liên quan đến khối ngân hàng châu Âu, Caselli và cộng sự (2016) khẳng định sự quan tâm đến việc kiểm soát nội bộ (KSNB) ảnh hưởng như thế nào đến rủi ro tín dụng. Tuy nhiên, các cách tiếp cận quy định đối với quản trị rủi ro tín dụng không phải lúc nào cũng đầy đủ, do đó các ngân hàng cần thực thi các quy tắc tự quản lý được sử dụng bởi các nhà quản trị.

Một trong những công cụ quản lý đó là KSNB. Theo Letza và cộng sự (2008), thông thường các nhà quản trị chỉ hành động vì mục tiêu tối đa hóa giá trị của cổ đông nếu nó không mâu thuẫn với lợi ích cá nhân của họ. Trong hoạt động quản lý của mình, các nhà quản lý luôn có xu hướng tìm kiếm các nguồn huy động, cho vay và tìm cách vận dụng chính sách kế toán, khi lập báo cáo tài chính có lợi nhất cho ngân hàng, nhằm thu hút nguồn đầu tư của các bên có liên quan cũng như đảm bảo lợi ích cá nhân riêng của họ.

Do đó, rủi ro tín dụng đã xảy ra dưới nhiều hình thức và nguyên nhân khác nhau, cũng như ảnh hưởng đến ngân hàng ở các mức độ khác nhau. Để ngăn chặn, các ngân hàng cần thực thi KSNB chặt chẽ, vì khi hệ thống này hoạt động có hiệu quả sẽ giảm thiểu những tổn thất và rủi ro xảy ra trong ngân hàng.

Theo Basel (2010), KSNB giúp đảm bảo rằng ban quản lý cấp cao thiết lập và duy trì hệ thống và quy trình KSNB đầy đủ và hiệu quả. Các hệ thống và quy trình cần được thiết kế để đảm bảo trong các lĩnh vực bao gồm báo cáo (về tình hình tài chính và tình hình hoạt động), giám sát việc tuân thủ pháp luật, các quy định và chính sách nội bộ, hiệu quả và hiệu quả của hoạt động và bảo vệ tài sản.

Sau khi nghiên cứu lý thuyết về KSNB, Lakis & Giriunas (2012) xác định, hệ thống KSNB là một bộ phận của hệ thống quản lý doanh nghiệp (DN) nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu, hiệu quả kinh tế - thương mại của DN, quan sát các nguyên tắc kế toán và kiểm soát rủi ro công việc hiệu quả. Đồng thời, KSNB cho phép tổ chức giảm thiểu số lượng những sai sót chủ ý và gian lận trong quá trình hoạt động kinh doanh. Như vậy, nghiên cứu của họ nhấn mạnh việc quản trị rủi ro hiệu quả giống như của Basel…

Nhìn chung, KSNB giúp giảm thiểu sự mất mát về doanh thu, lãng phí tài nguyên và những thiệt hại không lường trước (Abbas và Iqbal, 2012). KSNB cũng làm giảm sự bất cân xứng về thông tin, thúc đẩy các biện pháp minh bạch và bảo vệ cổ đông tốt nhất chống lại quyền lực của các nhà quản lý (Salhi & Boujelbene, 2012). Thậm chí, nghiên cứu của Ellul và Yerramilli (2011) còn cho rằng các tổ chức tài chính có kiểm soát rủi ro nội bộ mạnh “có thể sống sót” qua các cuộc khủng hoảng tài chính.

Các nghiên cứu ảnh hưởng của kiểm soát nội bộ với rủi ro tín dụng

Nghiên cứu của Olatunji (2009) ở Nigeria tập trung vào tác động của hệ thống KSNB trong các Ngân hàng, trọng tâm là KSNB và gian lận được tìm thấy liên quan đến rủi ro hoạt động. Trong khi đó, nghiên cứu của Ellis và Jordi (2015) đã chỉ ra ảnh hưởng của KSNB đối với rủi ro tín dụng ở các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán tại Tây Ban Nha, trong đó tập trung xem xét tính hiệu quả của KSNB, tìm kiếm nguy cơ vỡ nợ ở các ngân hàng Tây Ban Nha bắt nguồn từ hệ thống KSNB và từ đó thiết lập mối quan hệ giữa KSNB và rủi ro tín dụng.

Mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại  - Ảnh 1
 Sau khi nghiên cứu, họ kết luận rằng các hệ thống KSNB đã được áp dụng nhưng hiệu quả thì chưa được đảm bảo, khiến cho các ngân hàng niêm yết ở Tây Ban Nha rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng. Tác động của KSNB đối với rủi ro tín dụng mang ý nghĩa thống kê, đặc biệt là môi trường kiểm soát, quản lý rủi ro, các hoạt động kiểm soát và giám sát.

Sau nghiên cứu năm 2015, Ellis và Jordi (2016) tiếp tục thực hiện nghiên cứu khác với đối tượng nghiên cứu mở rộng ở các ngân hàng trong khối châu Âu về vấn đề mối quan hệ giữa KSNB và rủi ro tín dụng nhằm điều tra tính hiệu quả của các cơ chế KSNB và bằng chứng về vấn đề đại diện giữa các ngân hàng ở châu Âu và xác định các cơ chế KSNB ảnh hưởng như thế nào đến rủi ro tín dụng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, rủi ro tín dụng vẫn cao mặc dù các biện pháp đang được thực hiện bởi Ngân hàng Trung ương châu Âu. Nghiên cứu tìm ra tính hiệu quả của KSNB và các yếu tố KSNB đã đạt được và xác định rõ ràng trong mối quan hệ với rủi ro tín dụng. Vấn đề về đại diện được xác nhận có mối quan hệ tích cực và có ý nghĩa thống kê với rủi ro tín dụng.

Dữ liệu thu thập

Nghiên cứu này xem xét mối quan hệ giữa KSNB và rủi ro tín dụng của 6 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần có vốn Nhà nước ở Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2016. Các ngân hàng được lựa chọn là: Vietinbank, VCB, BIDV, Agribank, GP Bank, Ocean Bank và CB. Dữ liệu được lấy từ các báo cáo tài chính và báo cáo thường niên của các ngân hàng với 59 mẫu quan sát. Dữ liệu GDP và INF được lấy từ trang web của Ngân hàng Thế giới.

Phân tích dữ liệu và thảo luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá trị trung bình (Mean) NPLR là 0,02392. Đối với Môi trường kiểm soát, giá trị trung bình là 7,4407. Giá trị trung bình của Đánh giá rủi ro là 6,3729. Giá trị trung bình của Hoạt động kiểm soát (Tuân thủ và thận trọng) và Hoạt động kiểm soát (đảm bảo giới hạn tín dụng) lần lượt là 0,7159 và 0,5832. Trong khi, giá trị trung bình của Thông tin và truyền thông là 99,33723, giá trị trung bình của Giám sát là 0,7966.

Mối quan hệ giữa kiểm soát nội bộ và rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại  - Ảnh 2
 Nghiên cứu cũng cho thấy, chỉ có 1 biến RA có tác động ngược chiều và có ý nghĩa thống kê, các biến còn lại không mang ý nghĩa thống kê. Mô hình có R2 = 31,06% thấp. Nên cần lựa chọn FEM hoặc REM để tìm kiếm kết quả nghiên cứu. Để lựa chọn mô hình FEM và REM nào thích hợp, kiểm định Hausman được thực hiện (Bảng 1).

Nghiên cứu cũng cho thấy, giá trị p-value là 0,0102< 0,05 trong kiểm định Hausman nghĩa là giả thuyết H0 (H0: REM là thích hợp) bị bác bỏ, dẫn đến REM không hợp lý, nên nghiên cứu sẽ sử dụng FEM. Hơn nữa, trong kiểm định Hausman, sai số tác động ngẫu nhiên của dữ liệu chéo bằng 0 nên phương pháp bình quân tối thiểu tổng quát bằng với phương pháp hồi quy tuyến tính.

Vì vậy, FEM được sử dụng để ước lượng với sự có mặt của các biến kiểm soát. Trong khi đó, ma trận tương quan cho thấy giữa biến CA_compliance và CA_credit_limit có sự tương quan cao (72,33%). Tương quan giữa CA_credit_limit và Monitoring_AQ ở mức trên 50%. Monitoring_AQ và Leverage có tương quan cao là 70,79% trong khi tương quan của Monitoring_AQ và Bank_size cũng ở mức cao 71,36%. Leverage và Bank_size có sự tương quan ở mức 67,08%. Từ đó, nghiên cứu cân nhắc loại bỏ các biến sau đây ra khỏi mô hình: CA_credit_limit, Monitoring_AQ.

Mô hình từ nghiên cứu cho thấy, R2 bằng 56% cao hơn so với mô hình khi chưa có các biến kiểm soát. Mô hình cho thấy rằng, 56% thay đổi trong rủi ro tín dụng của ngân hàng được giải thích bởi các yếu tố của KSNB.

Kết quả cho thấy, hoạt động kiểm soát (tuân thủ và thận trọng) và đánh giá rủi ro (RA) là các biến phù hợp với dấu kỳ vọng, nhưng chỉ có hoạt động kiểm soát (tuân thủ và thận trọng) mang ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%, do giá trị p-value = 0,036 < 0,05. Trong khi, thông tin và truyền thông (ICS_timeliness) mang ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%, nhưng không theo dấu kỳ vọng ban đầu.

Về môi trường kiểm soát, trong nghiên cứu này biến CE không mang ý nghĩa thống kê và hệ số tương quan giữa CE và NPLR là dương. Kết quả trái ngược với kỳ vọng ban đầu, nhưng kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Chen và Al-Najjar (2012): Quy mô của Hội đồng Quản trị (HĐQT) càng lớn thì sẽ đảm bảo tính hiệu quả trong việc giám sát. Một môi trường kiểm soát hiệu quả do số lượng các thành viên trong hội đồng đảm bảo phân chia nhiệm vụ và năng lực nguồn nhân lực tốt.

Đối với biến đánh giá rủi ro được đo lường bằng Số lượng thành viên HĐQT có kiến thức nền tảng về tài chính ngân hàng, kết quả cho thấy, khi HĐQT có số lượng thành viên có kiến thức, kinh nghiệm quản trị về tài chính ngân hàng càng nhiều thì rủi ro tín dụng sẽ giảm.

Nghiên cứu này phù hợp với kết quả nghiên cứu của Ikpefan và Ojeka (2013). Những chuyên gia trong HĐQT và Ban Điều hành là những yêu cầu quan trọng trong quản trị DN để đảm bảo quản trị nội bộ có hiệu quả tại Nigeria.

Điều hành và quản lý hoạt động của một tổ chức đòi hỏi những kiến thức chuyên môn nền tảng và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phù hợp, nhất là trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Kinh nghiệm quản lý sẽ rất quan trọng trong việc xác định những danh mục đầu tư mà họ xây dựng cũng như các quyết định đầu tư quan trọng khác (Burak và cộng sự, 2008).

Yếu tố quản trị rủi ro của KSNB đòi hỏi các nhà quản trị có nhiều kinh nghiệm, để đảm bảo quản trị rủi ro hiệu quả và cũng như đảm bảo tính thực thi của hệ thống KSNB.

Đối với các thủ tục kiểm soát (hoạt động kiểm soát), khi ngân hàng có các thủ tục kiểm soát chặt chẽ sẽ hạn chế được rủi ro tín dụng. Vì quy trình cấp tín tín dụng cũng như kiểm soát tín dụng đòi hỏi tuân thủ theo các bước cụ thể và theo những quy định chặt chẽ.

Các ngân hàng là tổ chức được quản lý chặt chẽ nhất vì tính chất rủi ro trong hoạt động kinh doanh của họ (Mishkin, 2006). Thực tế cho thấy, việc quản trị ngân hàng cần thận trọng và đảm bảo an toàn về tài sản ngân hàng (Casu và cộng sự, 2006). Hệ thống KSNB sẽ giúp đảm bảo tuân thủ các yêu cầu quy định.

Như vậy, tỷ lệ Tổng cho vay/Tổng vốn huy động là một biến số cho sự tuân thủ và thận trọng được tìm thấy trong phần hoạt động kiểm soát của khung kiểm soát nội bộ đã giải thích rõ ràng các thay đổi về rủi ro tín dụng của ngân hàng. Các hoạt động kiểm soát bao gồm việc đảm bảo các giới hạn phê duyệt được quan sát, giảm thiểu xung đột lợi ích và đảm bảo phân chia nhiệm vụ (Basel, 2010).

Các bên có liên quan luôn đưa ra các quyết định của họ dựa trên các số liệu trong báo cáo tài chính, báo cáo thường niên hoặc các thông tin đã được công bố rộng rãi. Các loại thông tin đòi hỏi phải kịp thời và đáng tin cậy. Để đảm bảo cũng như góp phần giải quyết mâu thuẫn giữa người đại diện và người quản lý, các báo cáo tài chính của ngân hàng cần được kiểm toán để đảm bảo tính trung thực và hợp.

Báo cáo tài chính được kiểm toán, giá trị sử dụng sẽ được tăng lên (Zhang và cộng sự, 2007). Trong nghiên cứu này tính kịp thời được tính từ ngày kết thúc niên độ tài chính đến ngày ký báo cáo kiểm toán. Theo khuôn khổ pháp lý hiện hành tại Việt Nam, các công ty cổ phần (kể cả các tổ chức tín dụng) có cổ phiếu niêm yết tại các Sở giao dịch chứng khoán có thời hạn công bố thông tin về báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm (Thông tư 155/2015/TT-BTC). Như vậy, số ngày càng ít thì tính kịp thời càng cao.

Đối với các biến kiểm soát, có 2 biến tốc độ tăng trưởng GDP và quy mô ngân hàng (Bank_size) mang dấu phù hợp với kỳ vọng ban đầu. Trong đó, biến Bank_size mang ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 95%. Điều này cho thấy, ngân hàng càng lớn thì có khả năng giảm thiểu rủi to tín dụng ở mức thấp hơn là các ngân hàng nhỏ.

Kết quả trong nghiên cứu này đã khẳng định tính chính xác của kết quả trong nghiên cứu trước đây rằng, quy mô ngân hàng làm giảm đáng kể rủi ro trong ngân hàng (Haq, 2010).

Môi trường kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đến việc đánh giá người đi vay và khả năng vay vốn của họ. Một nền kinh tế tăng trưởng thuận lợi sẽ làm gia tăng doanh thu và giảm bớt các tác động về suy thoái tài chính. Tăng trưởng GDP thực sẽ làm cho các công ty hoạt động tốt hơn và khả năng thanh toán các khoản nợ sẽ đúng hạn hơn. Một số nghiên cứu thực nghiệm đã tìm ra mối liên hệ ngược chiều giữa tỷ lệ nợ xấu và tăng trưởng GDP (Salas và Saurina 2002; Fofack, 2005; Jimenez và Saurina, 2006; Dash và Kabra, 2010).

Lạm phát là một biến khác để được xem xét, nhưng tác động của nó không rõ ràng. Lạm phát cao có thể làm cho việc cung cấp các khoản cho vay dễ dàng hơn, bằng cách giảm giá trị thực của các khoản cho vay. Tuy nhiên, lạm phát cao cũng có thể làm suy yếu khả năng thanh toán của khách hàng vay nợ do cách giảm thu nhập thực tế. Do đó, mối quan hệ giữa lạm phát và rủi ro tín dụng có thể là tích cực hoặc tiêu cực.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ giữa tỷ lệ đòn bẩy tài chính và rủi ro tín dụng là ngược chiều. Đồng thời, giá trị p-value lớn hơn 5% nên Tỷ lệ đòn bẩy tài chính không mang ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%. Mối quan hệ này cho thấy khi Tỷ lệ đòn bẩy cao thì rủi ro tín dụng thấp.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tỷ lệ này càng cao thì có một khả năng lớn là ngân hàng đang trong tình trạng không thể trả được các khoản nợ theo những điều kiện tài chính thắt chặt, hoặc có sự kém cỏi trong quản lý hoặc cũng có thể dòng tiền của ngân hàng bị hạn chế do gánh nặng từ việc thanh toán các khoản lãi vay. Điều này làm cho rủi ro tín dụng cao. Kết quả trong mô hình này lại ngược với kết quả nghiên cứu của Altman (1968); Hillegeist và cộng sự (2004).Họ cho thấy rằng, thành phần nợ trong cơ cấu vốn của ngân hàng có thể dẫn đến một số hậu quả và đặc biệt khi tỷ lệ nợ xấu cao, từ đó việc thanh toán các khoản nợ này sẽ gặp khó khăn.

Kết luận

Mục tiêu của nghiên cứu này là thiết lập mối quan hệ giữa KSNB và rủi ro tín dụng tại các NHTM cổ phần có vốn Nhà nước tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố đánh giá rủi ro và hoạt động kiểm soát có mối quan hệ ngược chiều với rủi ro tín dụng, trong khi yếu tố môi trường kiểm soát và yếu tố thông tin và truyền thông có mối quan hệ cùng chiều với rủi ro tín dụng.

Với khoảng tin cậy 95%, yếu tố Hoạt động kiểm soát và yếu tố Thông tin và truyền thông có nghĩa thống kê với giá trị p-value nhỏ hơn 5%. Khi hệ thống KSNB hoạt động hiệu quả thì sẽ giúp ngân hàng hạn chế được những khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình cấp tín dụng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, KSNB không chỉ là những yếu tố riêng lẻ và tách biệt với nhau còn đan xen, đòi hỏi các nhà quản trị cùng với các cấp quản lý và nhân viên cùng thiết kế, vận hành và thực hiện. Tùy vào đặc điểm cũng như quy mô của từng ngân hàng, từng loại hình nghiệp vụ khác nhau, mà yếu tố này trong KSNB có thể được chú trọng hơn yếu tố khác. Điển hình trong nghiên cứu này, hoạt động kiểm soát (hay thủ tục kiểm soát) mang ý nghĩa thống kê và quan trọng hơn so với yếu tố giám sát (được đo lường bằng chất lượng kiểm toán).

Đối với hoạt động tín dụng, các thủ tục kiểm soát quan trọng bao gồm: phân chia trách nhiệm thích hợp từ khâu tiếp xúc khách hàng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện giải ngân. Bên cạnh đó là các chứng từ, sổ sách lưu trữ đầy đủ, tuân thủ các quy định của Nhà nước về giới hạn cho vay, đảm bảo an toàn vốn tối thiểu…

Ngoài các yếu tố của KSNB, mô hình còn chịu tác động bởi các biến kiểm soát, trong đó có biến vĩ mô tỷ lệ lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP và biến vi mô tỷ lệ đòn bẩy tài chính, quy mô ngân hàng. Trong đó, yếu tố quy mô ngân hàng mang ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2015), Thông tư 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán;

2. Basel (2010), Principles for enhancing corporate governance;

3. Burak Guner, A., Malmendier, U., Tate, G. (2008), Financial expertise of directors, Journal of Financial Economics, 88(2), 323-354.

4. Caselli, S., Gatti, S., & Querci, F. (2016), Deleveraging and derisking strategies of European banks: Business as usual? Centre for Applied Research in Finance Working Paper;

5. Cho, M., & Chung, K.-H. (2016), The effect of commercial banks’ internal control weaknesses on loan loss reserves and provisions, Journal of Contemporary Accounting & Economics, 12(1), 61-72;

6. COSO (2013), COSO Internal Control - Integrated Framework Principles, Retrieved 4 25, 2017, from Committee of sponsoring organizations of the treadway commission: https://www.coso.org/Documents/COSO-ICIF-11x17-Cube-Graphic.pdf;

7. Jensen, C., & Meckling, H. (1976), Theory of the Firm: Managerial Behavior, Agency Costs and Ownership Structure, Journal of Financial Economics, 3, 305-360;

8. Lakis, V., & Giriunas, L. (2012), The concept of internal control system: Theoritical aspect;

9. Letza, S., Kirkbride, J., Sun, X., & Smallman, C. (2008), Corporate governance theorising: Limits, critics and alternatives, International Journal of Law and Management, 50(1), 17-32.