Thực tiễn triển khai hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tại Việt Nam

ThS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng

Hiện nay, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường châu Á, đồng thời là kênh phân phối hàng đầu trong thị trường bảo hiểm. Trước xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, lĩnh vực bảo hiểm của Việt Nam đang đứng trước sự cạnh tranh đã buộc các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước phải có những thay đổi trong chiến lược marketing, đặc biệt là chiến lược phân phối sản phẩm.

Hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường châu Á.
Hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng là một trong những kênh phát triển nhanh nhất ở hầu hết thị trường châu Á.

Khái quát hoạt động bancassurance tại Việt Nam

Trong vòng 10 năm trở lại đây, hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã bắt đầu phát triển nhưng công tác triển khai hoạt động này gặp nhiều khó khăn và tiếp cận với công chúng còn hạn chế. Năm 2000 trở về trước, các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và ngân hàng chưa có liên kết hoạt động bancassurance. Chủ yếu chỉ dừng lại ở DNBH mở tài khoản tại ngân hàng, vay vốn, gửi tiền tại các ngân hàng các khoản vốn nhàn rỗi. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2001 tình hình của hoạt động này đã có sự khác biệt đáng kể.

Các DNBH đã nhận ra việc phân phối sản phẩm qua ngân hàng là một hướng mới đầy triển vọng phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2005, ngân hàng và DNBH mới tung ra các sản phẩm liên kết hoặc ký các hợp đồng hợp tác ở mức đơn giản. Sau hơn 10 năm triển khai, hoạt động bancassurance ở Việt Nam đã có những kết quả bước đầu, từng bước bắt nhịp với trình độ phát triển của thế giới. Các DNBH đã tích cực phối hợp với các ngân hàng thương mại tham gia phát triển mạnh mẽ kênh phân phối bancassurance.

Những DNBH đang phát triển mạnh kênh phân phối này tại thị trường Việt Nam hiện nay là Bảo Việt, Prudential, Manulife, Prevoir, VCLI, Vietin-Aviva… Gần đây, một số DNBH khác như: Dai-ichi Life Việt Nam, ACE Life, AIA Việt Nam, Great Eastern, Hanwha Life… cũng đã vào cuộc và ký kết hợp tác với các ngân hàng khác nhau.

Các dòng sản phẩm bảo hiểm tai nạn, sức khỏe con người, bảo hiểm du lịch toàn cầu, bảo hiểm hỗ trợ viện phí, bảo hiểm xe hơi, bảo hiểm nhà, bảo hiểm tín dụng tiêu dùng, bảo hiểm tài sản cầm cố thế chấp… ngày càng được phát triển đa dạng đã và đang được các DNBH phối hợp cung cấp và đã được thị trường đón nhận. Nhiều DNBH tại Việt Nam sau một thời gian triển khai kênh phân phối sản phẩm này đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ, doanh thu phí bảo hiểm từ kênh bancassurance đã không ngừng tăng lên.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các thỏa thuận hợp tác mới giữa DNBH và ngân hàng đã chứng minh cho sự phát triển nhanh chóng của xu hướng này.

Không thể phủ nhận việc phát triển bancassurance đang là một trong những chiến lược quan trọng của nhiều DNBH, bởi nhìn ra các thị trường khác, bancassurance đang là một trong những kênh phát triển nhanh nhất và là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm hàng đầu tại hầu hết các thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Tồn tại, khó khăn và biện pháp khắc phục

Trong quá trình triển khai hoạt động bancassurance tại Việt Nam, bên cạnh những lợi ích mang lại, thực tiễn cũng còn một số tồn tại khó khăn đặt ra cần phải có biện pháp khắc phục, cụ thể:

Thứ nhất, về cơ sở pháp lý

Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn riêng, có tính đặc thù dành cho kênh phân phối này chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời và còn nhiều bất cập làm cho các ngân hàng và các DNBH lúng túng trong áp dụng; Chưa có cơ sở pháp lý cho việc triển khai các sản phẩm nhóm nhưng đối với sản phẩm bảo hiểm cá nhân lại định phí bảo hiểm trên cơ sở nhóm.

Trong thời gian tới, hệ thống pháp lý cần hoàn thiện, kéo theo đó là sự đồng bộ trong pháp lý đối với các ngành liên quan (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm); cần tạo sự thông thoáng trong cơ chế, chính sách và sự phát triển đột phá của việc kinh doanh sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Thứ hai, về phía ngân hàng thương mại

Có thể  thấy, triển khai bancassurance tại các ngân hàng đang gặp phải một số tồn tại sau:

Một là, bancassurance đòi hỏi phải được thiết lập dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại nhưng đây lại là điểm yếu của các ngân hàng Việt Nam. Khó khăn này không thể khắc phục trong một sớm một chiều mà cần phải mất một thời gian khá dài và tốn kém khá nhiều chi phí.

Hai là, trình độ của nhân viên ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai kênh phân phối này. Đa số nhân viên ngân hàng không được đào tạo đầy đủ về nghiệp vụ bảo hiểm, nên rất khó khăn trong việc tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm và nếu tư vấn không đúng đắn thì rất dễ khiến cho khách hàng hiểu nhầm về lợi ích của sản phẩm cũng như ngộ nhận về quyền lợi bảo hiểm, từ đó kéo theo các hệ quả như tranh chấp, kiện tụng gây mất uy tín cho cả ngân hàng và DNBH.

Ba là, vẫn chưa có nhiều các sản phẩm chuyên biệt, đặc thù dành cho kênh phân phối bancassurance. Hiện nay, trên 90% doanh thu phí bảo hiểm của thị trường Việt Nam là từ các sản phẩm tiết kiệm, do vậy, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp đối với tiết kiệm ngân hàng. Đây cũng là một trong những lý do khiến ngân hàng không mấy mặn mà trong việc bán sản phẩm bảo hiểm.

Bốn là, mặc dù đánh giá đúng tiềm năng phát triển, song các ngân hàng vẫn chưa thực sự quan tâm, do hoa hồng và các lợi ích thu được từ bancassurance hiện chưa đáng kể so với các nguồn thu từ hoạt động ngân hàng.

Năm là, hiện nay, cơ sở vật chất của ngân hàng còn rất hạn chế, do vậy, việc bố trí một vị trí riêng, thích hợp tại ngân hàng để nhân viên bảo hiểm hoạt động thường trực để tiếp xúc với những khách hàng có nhu cầu mua bảo hiểm sẽ rất khó khăn.

Thứ ba, về công ty bảo hiểm

Thống kê cho thấy chi phí để triển khai bancassurance khá lớn. Các khoản chi phí ban đầu cho đào tạo nhân viên ngân hàng, chi phí phần mềm, hệ thống công nghệ thông tin, chi phí hỗ trợ marketing... mà các DNBH đầu tư ban đầu nhiều, trong khi hiệu quả đem lại chưa tương xứng.

Một số sản phẩm bảo hiểm của các DNBH có hình thức tương tự với một số sản phẩm của ngân hàng (tiết kiệm tích lũy, tiết kiệm định kỳ…). Vì vậy, nếu không có phương án hợp tác hiệu quả, có thể ngân hàng sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh giành khách hàng với các DNBH là đối tác của ngân hàng.

Hơn nữa, bancassurance luôn gắn liền thương hiệu của ngân hàng với thương hiệu của các DNBH. Do đó, nếu ngân hàng xảy ra những trường hợp xấu sẽ ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của khách hàng và sự tín nhiệm của khách hàng đối với thương hiệu của DNBH. Điều này, có thể gây tâm lý e dè của một số DNBH khi hợp tác với các ngân hàng.

Thứ tư, về khách hàng

Thực tế hiện nay, phần lớn khách hàng còn ít hiểu biết về các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng.  Phần đông dân chúng vẫn chưa có tập quán bảo hiểm còn các DNBH chưa tạo lập được uy tín, hình ảnh mạnh mẽ trong dân chúng. Tập quán tham gia bảo hiểm mới bắt đầu hình thành ở Việt Nam nên dân chúng chưa hiểu rõ về bảo hiểm, còn e ngại tham gia các hợp đồng bảo hiểm dài hạn, các phương tiện thông tin đại chúng đôi khi còn gây nhiều sai lệch về bảo hiểm… trong khi đó, cán bộ ngân hàng không có đủ thời gian và nghiệp vụ để giải thích những tiện ích của sản phẩm cho người mua bảo hiểm.      

Tài liệu tham khảo:

1. TS. Đặng Văn Dân (2016), “Phát triển hoạt động bancassurance tại Việt Nam: Phân tích các yếu tố tác động”, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 7/2016;

2. Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) 2016, Báo cáo Thị trường bảo hiểm Việt Nam;

3. Fan, Lee, Tang (2011), Factor of cross-buying intention – bancassurance evidence, Afican Journal of Business Management, 7511-7515.