Một số dấu hiệu nhận biết “giao dịch đáng ngờ”

PV.

“Khi thực hiện hành vi rửa tiền, người ta có thể chấp nhận phí rửa lên đến 20 - 30% mức đầu tư. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp thành lập, hoạt động, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn chuyển tiền về nước rồi sau đó phá sản, thì đây chính là một hình thức rửa tiền xuyên quốc gia”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội từng chia sẻ.

Hoạt động rửa tiền qua mua nhà ở nước ngoài gia tăng

Thống kê cho thấy, từ tháng 4/2016-3/2017, đã có hơn 3 tỷ USD người Việt đã chi ra mua nhà tại Mỹ. Con số này cho thấy, mặc dù Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp lý quản lý ngoại hối chặt chẽ, nhưng tình trạng lách luật mua nhà nước ngoài bằng phương thức chuyển tiền vẫn gia tăng và trở thành “môi trường” để hoạt động rửa tiền bùng phát…

Nhằm ngăn chặn các chiêu tuồn tiền bẩn từ Việt Nam sang nước ngoài để rửa tiền, ngày 17/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.

Theo đó, công dân Việt Nam chỉ được chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác.

Pháp lệnh ngoại hối cũng nêu rõ, người cư trú là tổ chức kinh tế, cá nhân và các đối tượng khác được phép đầu tư ra nước ngoài phải mở một tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư phải được thực hiện thông qua tài khoản này.

Quy định về giao dịch ngoại hối cũng đặt ra yêu cầu về tài khoản vốn đầu tư, đây là tài khoản mở tại một tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam và được NHNN cấp phép hoạt động. Tóm lại, mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản đăng ký giao dịch này.

Số lượng ngoại tệ mỗi lần giao dịch là từ 5.000 - 10.000 USD, tùy từng quy định của ngân hàng thương mại, từ đó, ngân hàng bán ngoại tệ cho người có nhu cầu hợp pháp. Với việc siết chặt kiểm soát giao dịch ngoại tệ ra nước ngoài với mục đích cá nhân, hay tổ chức kinh tế có đầu tư ở nước ngoài chặt chẽ, có thể người Việt sẽ khó có thể chuyển ngoại tệ qua hệ thống ngân hàng để mua nhà ở nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số đơn vị tư vấn, môi giới đã giúp các nhà đầu tư lách luật thực hiện chuyển tiền ra nước ngoài thông qua tài khoản ngoại tệ được lập ở nước ngoài hoặc qua bên thứ ba; hoặc là thông qua dịch vụ chuyển tiền của các cơ sở kinh doanh ngoại tệ tư nhân. Mặc dù áp dụng hình thức này, nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro rất lớn, do không được pháp luật bảo vệ.

Dấu hiệu nhận biết “giao dịch đáng ngờ”

Những cách thức chuyển tiền “lách luật” trên là những hình thức chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản luật, điều này gây khó khăn cho các cơ quan điều hành về giao dịch ngoại hối trong việc kiểm soát, để ghi nhận đó có phải là giao dịch hợp pháp hay không? Hoặc liệu có tiềm tàng rủi ro về an toàn nguồn tiền của nhà đầu tư khi xảy ra các vấn đề tranh chấp, kiện tụng hay không?

Thông tư 12/2011/TT-BXD ngày 1/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cũng cho biết: Một trong những dấu hiệu nhận biết “giao dịch đáng ngờ” được nêu lên là khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả bất động sản, phí giao dịch phải trả; Khách hàng giao dịch không có ủy quyền, nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới bất động sản, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân.

“Khi thực hiện hành vi rửa tiền, người ta có thể chấp nhận phí rửa lên đến 20 - 30% mức đầu tư. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp thành lập, hoạt động, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn chuyển tiền về nước rồi sau đó phá sản, thì đây chính là một hình thức rửa tiền xuyên quốc gia”, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ.