Một số giải pháp hoàn thiện việc sử dụng hóa đơn trong các hợp tác xã vận tải
Hợp tác xã vận tải là một tổ chức kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, tuy nhiên công tác tổ chức kế toán, đặc biệt là việc sử dụng hóa đơn trong các hợp tác xã hiện nay còn nhiều hạn chế. Bài viết đưa ra một số trao đổi về việc sử dụng hóa đơn trong hợp tác xã vận tải, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện việc sử dụng hóa đơn trong các hợp tác xã vận tải đúng theo quy định của pháp luật.
Tổng quan về hợp tác xã vận tải
Theo Điều 3 Luật Hợp tác xã (HTX) 2012: “HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 7 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX”.
Vì vậy, HTX giao thông vận tải là tổ chức kinh tế tự chủ của những người lao động cùng hành nghề giao thông vận tải có nhu cầu và lợi ích chung, tự nguyện góp vốn, (bằng tiền, bất động sản, hoặc phương tiện, thiết bị) và công sức để HTX sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
HTX giao thông vận tải phải có ít nhất 7 xã viên để được thành lập HTX.
Theo báo Đại Đoàn Kết, năm 2013, số lượng xã viên HTX vận tải có khoảng 14.000 xã viên, năm 2016 là 35.000 xã viên của tổng số 738 HTX vận tải đường bộ.
Theo Điều 13, Luật HTX năm 2012 thì cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân trở thành thành viên HTX phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Cá nhân là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hộ gia đình có người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật; cơ quan, tổ chức là pháp nhân Việt Nam.
Đối với HTX tạo việc làm thì thành viên chỉ là cá nhân; Có nhu cầu hợp tác với các thành viên và nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; Có đơn tự nguyện gia nhập và tán thành điều lệ của HTX; Góp vốn theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Luật này và điều lệ HTX và các điều kiện khác theo quy định của điều lệ HTX.
Với HTX vận tải, các cá nhân cũng phải đáp ứng các yêu cầu trên thì mới trở thành xã viên của HTX vận tải.
Tình hình sử dụng hóa đơn trong hợp tác xã vận tải
Khó khăn trong việc sử dụng và quản lý hóa đơn
Tại Công văn số 4134/TCT/NV6 ngày 16/10/2001 về việc thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với HTX dịch vụ vận tải, thì: HTX vận tải sẽ lập hóa đơn GTGT cho các dịch vụ vận tải, hoặc dịch vụ hỗ trợ mà HTX vận tải cung ứng.
HTX có thể thay mặt xã viên mua hoá đơn và lập hoá đơn thay cho xã viên khi có nhu cầu sử dụng; Thay mặt xã viên lập báo cáo sử dụng hoá đơn và chịu sự quản lý của cơ quan thuế về sử dụng hoá đơn. Nếu xã viên tự tìm kiếm khách hàng, HTX lập hoá đơn bán hàng thay cho xã viên giao cho khách hàng. Trên hoá đơn ghi tên xã viên thực hiện, mã số thuế sử dụng mã số của HTX.
Với quy định này, HTX sẽ quản lý cả 2 loại hóa đơn là hóa đơn GTGT và hóa đơn trực tiếp. Trong đó, hóa đơn trực tiếp lại phải theo dõi cho từng xã viên. Điều này thực sự gây khó khăn và lúng túng trong khâu quản lý hóa đơn của các HTX trong bối cảnh các HTX vận tải thường có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn xã viên tham gia.
Bên cạnh đó, trình độ năng lực quản lý của HTX vận tải hiện nay còn nhiều hạn chế, khiến công tác tổ chức kế toán tại các HTX chưa đáp ứng được đúng yêu cầu của cơ quan thuế.
Lãnh đạo của các HTX vận tải và xã viên chưa nhận thức được đầy đủ và hiểu được các vấn đề về thuế và hóa đơn chứng từ sử dụng, dẫn đến lơ là, không chú trọng việc sử dụng hóa đơn tại HTX. Các HTX hiện nay hầu hết mới chỉ quản lý và sử dụng loại hóa đơn dành cho HTX chứ chưa quản lý hóa đơn của xã viên.
Điều này cũng xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay là 1 số lượng lớn HTX được thành lập để hợp lý hóa thủ tục giấy phép cho các xe chạy cho các hãng Uber, Grab và các xe dịch vụ dưới 7 chỗ ngồi liên lạc qua mạng internet. Theo quy định, các xe này sẽ phải thuộc quản lý của HTX hoặc công ty vận tải. Những HTX, cả những HTX mới thành lập sẽ “lo” giấy tờ cho xã viên, bù lại xã viên ngoài những khoản phí bắt buộc theo quy định, sẽ phải nộp thêm những khoản phí để hợp thức hóa giấy tờ.
Khó khăn trong việc xác định doanh thu chịu thuế
Cũng theo quy định tại Công văn số 4134/TCT/NV6 ngày 16/10/2001 về việc thuế GTGT và thuế TNDN đối với HTX dịch vụ vận tải thì doanh thu tính thuế là tiền công vận tải xã viên thu được. Đối với xã viên thực hiện chế độ kế toán hộ kinh doanh thì doanh thu tính thuế căn cứ vào sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ. Trường hợp không thực hiện chế độ kế toán thì cơ quan thuế được quyền ấn định doanh thu để tính thuế.
Để đảm bảo cho việc ấn định doanh thu tính thuế sát với thực tế kinh doanh và công bằng, bình đẳng với các hộ kinh doanh vận tải tư nhân. Trường hợp HTX không ấn định doanh thu cho xã viên, thì cơ quan thuế có thể ấn định doanh thu đối với từng đầu xe theo quy định chung tại địa phương, trên cơ sở thống nhất với Sở Giao thông công chính và liên minh HTX.
Sau khi đã tính thuế theo mức doanh thu ấn định, nếu có căn cứ xác định doanh thu thực tế lớn hơn doanh thu ấn định, được tính lại thuế GTGT, thuế TNDN theo doanh thu thực tế.
Để doanh thu ấn định được sát và đảm bảo công bằng với các cơ sở nộp thuế theo phương pháp khấu trừ, khi xây dựng mức doanh thu ấn định, cần tham khảo mức doanh thu ấn định HTX xây dựng và giao cho xã viên; đồng thời, xem xét đối chiếu với mức thuế bình quân đầu phương tiện của cơ sở kinh doanh vận tải nộp theo phương pháp khấu trừ. Tránh có sự chênh lệch quá lớn giữa phương pháp nộp khấu trừ và phương pháp nộp trực tiếp gây thắc mắc cho các cơ sở kinh doanh và xã viên.”
Trên thực tế, các xã viên tại HTX khi tiến hành hoạt động vận chuyển hành khách, họ sẽ phải xác định doanh thu chịu thuế của mình để HTX tiến hành xuất hóa đơn, ghi nhận doanh thu của họ. Tuy nhiên, các xã viên thường không thực hiện điều này với HTX.
Và nhiều HTX cũng không có quy trình hướng dẫn chi tiết đối với xã viên, từ đó gây khó khăn cho cơ quan thuế trong vấn đề xác định doanh thu chịu thuế của các xã viên. Trong trường hợp này, các xã viên phải chấp nhận mức doanh thu ấn định của cơ quan thuế.
Hiện nay, cơ quan thuế ấn định doanh thu chịu thuế của xã viên dựa vào sự phát triển của vùng kinh kế nơi xã viên hoạt động. Cách làm này đáp ứng được nhu cầu thu thuế của Nhà nước mà chưa thể phản ánh chính xác doanh thu thực tế của xã viên. Các xã viên dù có thu nhập cao hay thấp thì sẽ được đánh thuế như nhau, điều này gây thiệt thòi đối với các xã viên có thu nhập thấp.
Khó khăn trong việc sử dụng nhân sự kế toán trong hợp tác xã
Với quy định về việc sử dụng hóa đơn như trên, các HTX cần có đội ngũ nhân sự kế toán theo dõi, quản lý và xuất hóa đơn cho từng xã viên, đồng thời thực hiện việc kê khai và quyết toán thuế. Để thực hiện hiệu quả công việc này cho hàng trăm thậm chí hàng nghìn xã viên, các HTX cần có số lượng kế toán lớn, chuyên môn vững vàng. Điều này gây tốn kém và cũng là khó khăn lớn của HTX trong việc thực hiện các vấn đề về quản lý và sử dụng hóa đơn hiện nay.
Một số giải pháp hoàn thiện việc sử dụng hóa đơn trong hợp tác xã vận tải
Tổ chức các lớp tập huấn về thuế cho lãnh đạo và xã viên hợp tác xã vận tải
Để các HTX vận tải và xã viên HTX chấp hành và thực hiện đúng các quy định về thuế (trong đó có việc thực hiện các quy định về hóa đơn), cơ quan thuế cần tổ chức các lớp tập huấn về thuế cho các HTX và xã viên của họ.
Thông qua các buổi tập huấn, HTX và xã viên sẽ hiểu biết đúng đắn và kịp thời về các quy định thuế, đặc biệt là hoạt động quản lý và sử dụng hóa đơn; đồng thời, bày tỏ được những khó khăn, vướng mắc để cơ quan thuế kịp thời tư vấn cách thực hiện đúng nhất.
Để các lớp tập huấn được diễn ra hiệu quả, cơ quan thuế có thể phối hợp với liên minh HTX trong việc tập huấn chính sách thuế cho các thành viên hoặc tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên trên địa bàn của các HTX vận tải.
Hoàn thiện việc xây dựng chính sách thuế cho hoạt động kinh doanh của hợp tác xã vận tải
HTX vận tải với đặc thù kinh doanh khác với các HTX khác và các tổ chức khác trong nền kinh tế nên cần có chính sách thuế cụ thể đối với từng sắc thuế, hóa đơn, chứng từ sử dụng. Trong bối cảnh thay đổi môi trường kinh doanh của lĩnh vực vận tải như hiện nay, các HTX rất cần những hướng dẫn chi tiết hơn nữa từ Bộ Tài chính về hóa đơn, chứng từ sử dụng, cách tính thuế, kê khai thuế và nộp thuế.
Cụ thể, về hoạt động quản lý và sử dụng hóa đơn, Bộ Tài chính nên có chính sách ưu tiên HTX sử dụng 1 loại hóa đơn để ghi nhận doanh thu của cả HTX và xã viên. Việc thực hiện sử dụng cả 2 hóa đơn theo quy định hiện nay sẽ khiến công tác quản lý, sử dụng và báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của HTX thêm phức tạp.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần có sự điều chỉnh, đổi mới nội dung công văn của Tổng cục Thuế số 4143 TCT/NV6 ngày 16/10/2001 về việc thuế GTGT và thuế TNDN đối với HTX dịch vụ vận tải cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn hiện nay.
Về hoạt động kê khai và nộp thuế GTGT và thuế TNCN, Bộ Tài chính cần đưa ra chính sách kê khai và nộp thuế đơn giản hơn đối với xã viên, để họ không thấy việc nộp thuế, kê khai và quyết toán thuế là khó khăn, từ đó chấp hành tốt hơn các nghĩa vụ về thuế. Bên cạnh đó, cần đưa ra quy định rõ ràng về người nộp thuế và kê khai thuế.
Hiện nay, Bộ Tài chính khuyến khích HTX thực hiện các thủ tục kê khai với xã viên, trong trường hợp HTX không đồng ý kê khai và nộp thay cho xã viên thì xã viên phải tự kê khai và nộp thuế. Điều này, khiến HTX có lý do để không thực hiện kê khai và nộp thuế cho xã viên, còn xã viên với sự hạn chế về trình độ, sự hiểu biết cũng sẽ nộp chậm, hoặc không thực hiện việc kê khai và nộp thuế, làm ảnh hưởng đến công tác thu thuế đối với HTX vận tải.
Về xác định mức doanh thu nộp thuế, cơ quan thuế cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với bộ, Sở Giao thông Vận tải trong việc cấp phép kinh doanh lĩnh vực vận tải để quản lý chính xác về số lượng đầu xe của các HTX vận tải. Bên cạnh đó, cần ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý lịch trình xe chạy, từ đó xác định doanh thu của các xã viên vận tải một cách chính xác.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hợp tác xã vận tải
Để việc sử dụng hóa đơn trong HTX đạt hiệu quả tốt hơn, giúp cơ quan thuế và bản thân HTX kịp thời phát hiện sai sót và có hướng xử lý kịp thời, cơ quan thuế cần có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các HTX vận tải thường xuyên, nhất là trong giai đoạn mới thành lập, các HTX còn bỡ ngỡ với các quy định về hóa đơn, chứng từ và ít kinh nghiệm quản lý.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra các HTX vận tải cần được lên kế hoạch, quy trình cụ thể, tại đó cần khoanh vùng và ưu tiên việc thanh tra, kiểm tra tại các HTX có nhiều rủi ro cao về thuế trước.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13;
2. Công văn số 4143 TCT/NV6 của Tổng cục Thuế ngày 16/10/2001 về việc thuế GTGT và thuế TNDN đối với HTX dịch vụ vận tải;
3. Thông tư số 39/2014/TT-BTC về hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
4. Công văn số 2146/TCT-TNCN ngày 23/05/2017 về chính sách thuế đối với hoạt động hợp tác kinh doanh vận tải.