Một số nội dung lưu ý của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP
Việc xây dựng và ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP Quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP, Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; Trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; Trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả. Những quy định này sẽ giúp cơ quan thực hiện dễ dàng áp dụng cũng như cơ quan giám sát có cơ sở đánh giá rõ ràng hơn. Từ đó nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công và hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh
Theo đó, trách nhiệm của các bộ, UBND cấp tỉnh trong việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và Quyết định 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP trước đây đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP như sau:
Thứ nhất, danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, cơ quan trung ương; danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích của Bộ, cơ quan trung ương;
Thứ hai, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; Đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích của Bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan.
Thứ ba, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc Bộ, cơ quan trung ương.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trách nhiệm của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích và chi phí tiền lương, tiền công trong đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN đối với doanh nghiệp được hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định).
Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, căn cứ các quy định chung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; sản phẩm, dịch vụ công ích tại Nghị định này có thể quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.
Đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập,
Về danh mục sản phẩm, dịch vụ công, Nghị định quy định Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN chi tiết theo ngành, lĩnh vực, không chi tiết từng danh mục cụ thể.
Lý giải về điều này, theo Bộ Tài chính, hiện nay ở trung ương và địa phương chưa ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thuộc phạm vi quản lý (các bộ, địa phương vẫn đang tiếp tục xây dựng danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền).
Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về chi tiết các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN của các bộ, cơ quan trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Chi tiết các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể một số danh mục sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN. Đó là:
Một là, các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí NSNN theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP nhưng hiện đang quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg và chưa được các bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, do quan niệm là sản phẩm, dịch vụ công ích; Nếu không quy định tại Nghị định này thì khi triển khai thực hiện sẽ bị thiếu sót một số danh mục.
Đồng thời, nhằm để tránh trùng lắp, Nghị định nêu rõ, riêng đối với một số danh mục quy định tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và Quyết định số 39/2008/QĐ-TTg, nhưng đã được quy định trong danh mục Dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước theo ngành, lĩnh vực (biểu 1) thì không đưa vào danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (biểu 2).
Hai là, đối với Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích ban hành kèm theo Nghị định kế thừa danh mục cụ thể tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP và theo tính chất là sản phẩm, dịch vụ công ích.
Ba là, để tránh trường hợp khi có bổ sung danh mục dịch vụ phải sửa đổi, bổ sung Nghị định này thì Nghị định quy định: Trường hợp trong từng thời kỳ có điều chỉnh, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công, các Bộ, cơ quan trung ương (nếu có) chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách trung ương; UBND cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chi của ngân sách địa phương.
Để đảm bảo thực hiện được ngay các quy định tại Nghị định, tránh việc phải chờ văn bản hướng dẫn theo tinh thần cải cách tư pháp, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng Nghị định theo hướng quy định chi tiết các nội dung, không giao cho các Bộ hướng dẫn chi tiết thêm.
Trong đó, đáng chú ý là Nghị định đã quy định cụ thể về Mẫu Quyết định đặt hàng và Biên bản nghiệm thu đặt hàng; Mẫu Hợp đồng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN (hoặc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích) và Biên bản nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương trong việc hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP nhằm đẩy mạnh việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.