Một số vấn đề đặt ra trong triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

Trương Bá Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thuế (Bộ Tài chính)

Ngày 23/4/2022, Quyết định số 508/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã được ban hành. Việc thực hiện thành công Chiến lược này có vai trò rất quan trọng trong củng cố nguồn lực cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc triển khai thực hiện Chiến lược đòi hỏi cần phải có lộ trình và bước đi phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Những trụ cột quan trọng của Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

Cải cách, hoàn thiện hệ thống chính sách thuế được xác định là một trong những nội trung quan trọng trong nhiều văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và tài chính - ngân sách.

Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và gần đây là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030, Nghị quyết số 23/2021/ QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 đã đề ra các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ cụ thể liên quan đến công tác hoàn thiện hệ thống chính sách thuế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây.

Trong đó, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021- 2030 đã đề ra định hướng: Sửa đổi hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Mở rộng cơ sở thu, bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ các thủ tục nộp thuế, phí của người dân và doanh nghiệp.

Để cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng này này, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Về mục tiêu tổng quát, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 đã xác định: “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn với cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; bảo đảm tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giảm, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN; đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh trạnh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế”. Trên cơ sở các mục tiêu này, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể về quy mô và cơ cấu thu NSNN cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và 2026-2030, đảm bảo duy trì tỷ lệ huy động vào NSNN từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý. Đồng thời, dưới phương diện là một trụ cột quan trọng, không thể tách rời với cải cách, đổi mới về chính sách thuế, liên quan đến cải cách quản lý thuế, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp….”

Để đạt được các mục tiêu tổng quát và các nhiệm vụ cụ thể nêu trên, Quyết định số 508/QĐ-TTg đã nêu rõ các định hướng cải cách, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021 - 2030.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu về mở rộng cơ sở tính thuế thông qua mở rộng phạm vi, đối tượng chịu thuế, từng bước thu hẹp diện miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thế chế quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số. Ngoài ra, Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng xác định trong giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Một số vấn đề đặt ra trong triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030  - Ảnh 1

Vấn đề đặt ra trong tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030

Bám sát các mục tiêu, định hướng xác định trong Chiến lược cải cách hê thống thuế giai đoạn 2011- 2020, quá trình cải cách hệ thống chính sách thuế của Việt Nam trong 10 năm qua đã được thực hiện khá đồng bộ, đảm bảo sự kết gắn giữa đổi mới, cải cách về chính sách với yêu cầu nâng cao hiệu quảcông tác quản lý thu thuế.

Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách thuế đã chú trọng đến các yêu cầu: (i) Nuôi dưỡng và đảm bảo nguồn thu cho NSNN; ii) Đảm bảo minh bạch, đơn giản, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; khuyến khích đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu; phù hợp với thông lệ quốc tế; (iii) Thúc đẩy công bằng xã hội, thực hiện điều tiết hợp lý thu nhập; (iv) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Nhờ đó, đến nay, Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống thuế khá đồng bộ, phù hợp với bối cảnh và điều kiện KT-XH của đất nước.

Những kết quả này là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng cải cách được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng cải cách trong Chiến lược này là khá lớn, thể hiện những quyết tâm cao trong việc tiếp tục cải cách, đổi mới hệ thống chính sách thuế của Việt Nam, nhất là trong việc thực hiện cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững. Tuy nhiên, bối cảnh KT-XH những năm tới đây đang đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam trong việc thực hiện cải cách hệ thống chính sách thuế theo các định hướng nêu trên. Đó là:

Một là, sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu giai đoạn sau dịch bệnh CO V I D -19 còn chứa đựng nhiều rủi ro, các bất ổn về kinh tế vĩ mô có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Cấu trúc kinh tế thế giới dự báo sẽ có những điều chỉnh để thích ứng với các xu thế phát triển mới cũng như các thách thức mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt. Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo sẽ vẫn còn ở mức thấp do ảnh hưởng từ căng thẳng chính trị ở một số khu vực, giá cả của nhiều nhóm hàng hóa tăng cao, đặc biệt là giá nhiên liệu. Là quốc gia có độ mở lớn, những diễn biến này dự báo sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, kéo theo đó là những thách thức mới trong việc đảm bảo động viên nguồn lực cho NSNN.

Hai là, các “mô hình kinh doanh mới” và các giao dịch xuyên biên giới dựa trên nên tảng công nghệ số xuất hiện ngày càng nhiều. Sự phát triển thương mại điện tử dẫn đến sự ra đời nhiều loại hình dịch vụ, đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định bản chất giao dịch, vai trò của từng bên tham gia giao dịch, doanh thu, chi phí, thu nhập để vừa quản lý thu thuế phát sinh với hoạt động này, vừa để tạo công bằng trong môi trường kinh doanh cũng như tạo thuận lợi cho loại hình kinh doanh này phát triển. Các quy định về quản lý giao dịch qua biên giới, cơ sở thường trú cần được nghiên cứu, điều chỉnh để ứng phó với các xu thế mới, nhất là khi yêu cầu về “sự hiện diện vật lý” trong xác định cơ sở thường trú không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Ba là, sự tự do luân chuyển luồng vốn, lao động đã làm thay đổi đáng kể cách thức, phương thức quản lý và hoạt động của các công ty đa quốc gia, đã và đang đặt cơ quan thuế trước nhiều thách thức để ứng phó với các hoạt động chuyển giá và các hoạt động xói mòn cơ sở thuế khác. Chênh lệch về trình độ quản lý, sự khác biệt về các chính sách ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia, đang tạo ra các cơ hội cho các công ty động xuyên quốc gia lợi dụng các “kẽ hở chính sách” để né tránh hay giảm thiểu việc thực hiện các nghĩa vụ thuế có liên quan, nhất là trong việc sử dụng các thủ thuật chuyển giá để làm giảm lợi nhuận chịu thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các địa bàn có ít hoặc thực tế không có hoạt động kinh tế nhưng lại là nơi có thuế suất thấp hoặc được miễn thuế, giảm thuế.

Bốn là, yêu cầu tăng cường hợp tác thuế giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng được chú trọng và Việt Nam không ở ngoài xu thế này. Xu hướng toàn cầu hóa đã làm cho vấn đề hợp tác quốc tế về thuế trở nên quan trọng đối với hầu hết các quốc gia, từ "cạnh tranh" chuyển sang "hợp tác" về thuế. Hợp tác giữa các quốc gia để xử lý các thách thức thuế toàn cầu cũng đang được đặt ra ngày càng cấp bách. Để chung tay với các quốc gia khác, trong thời gian tới, Việt Nam cần chủ động có các giải pháp phù hợp để tham gia hiệu quả các diễn đàn này để góp phần củng cố nguồn lực cho NSNN, hạn chế việc xói mòn cơ sở thuế trong khi vẫn duy trì được sự hấp dẫn của môi trường đầu tư trong nước.

Năm là, cơ cấu và mức độ động viên NSNN của Việt Nam chưa thực sự bền vững. Thu NSNN còn dựa vào các khoản thu từ vốn, các khoản thu có tính chất một lần, không tái tạo. Mức độ tiết kiệm của NSNN cho đầu tư phát triển giảm đáng kể so với 10 năm trước, thặng dư ngân sách thường xuyên có xu hướng giảm. Theo đó, đảm bảo sự bền vững tài khóa trong trung và dài hạn thông qua cải cách hệ thống chính sách thuế cần phải được xem là một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam. Thực tiễn này đang đặt ra các sức ép khá lớn cho việc phải đẩy nhanh tiến trình cải cách hệ thống chính sách thuế trong những năm tới.

Một số khuyến nghị, đề xuất

Những thách thức trên đang đặt ra các yêu cầu đối với Việt Nam trong cải cách hệ thống chính sách thuế giai đoạn tới đây. Các giải pháp điều chỉnh, cải cách về chính sách thuế trong thời gian tới đây cần phải xử lý được những vấn đề đặt ra trong ngắn hạn gắn với yêu cầu phục hồi kinh tế giai đoạn sau dịch COVID-19 và ứng phó với sự gia tăng của áp lực lạm phát và những yêu cầu dài hạn gắn với việc củng cố, cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh là trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều biến động bất lợi thì việc thực hiện cải cách thuế theo các mục tiêu, định hướng xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 sẽ khó khăn, đòi hỏi cần phải có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ các tác động có liên quan, kiên định trong việc thực hiện các biện pháp cải cách đề ra. Một số đề xuất, khuyến nghị cụ thể như sau:

- Trong ngắn hạn, thực hiện rà soát, trình cấp cóthẩm quyền ban hành và hướng dẫn, tổchức triển khai đầy đủ, kịp thời có hiệu quả các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách thuế đã được ban hành để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp thời gian qua để tham mưu cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp trong trường hợp tình hình kinh tế trong nước và quốc tế tiếp tục biến động bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.

- Trong trung và dài hạn, tập trung thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế đã được xác định trong Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021- 2030 và Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội với một lộ trình phù hợp. Việc sửa đổi, bổ sung các sắc thuế cần bám sát và kiên định với các mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đặc biệt là trong việc mở rộng cơ sở thuế thông qua mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế, thu hẹp diện miễn, giảm thuế; chủ động có chính sách để động viên vào NSNN các nguồn thu tiềm năng liên quan đến bất động sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu có các biện pháp phù hợp để chống xói mòn cơ sở thuế do sự xuất hiện của các “mô hình kinh doanh mới” và sự gia tăng của các hoạt động giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới; - Xây dựng và vận hành hiệu quả một hệ thống thuế “thân thiện với tăng trưởng”, chú trọng đến việc nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu bền vững. Đồng thời, đảm bảo sự đồng bộ trong các biện pháp cải cách của từng sắc thuế trong tổng thể cải cách của hệ thống thuế; bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu, các khoản thuế thu vào tài sản, tài nguyên.

Việc cải cách trong từng sắc thuế phải hướng đến các yêu cầu căn bản: i) Đáp ứng được các yêu cầu đặt ra về cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững và yêu cầu động viên nguồn lực cho NSNN để thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; ii) Khắc phục được những vướng mắc của các luật thuế hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; iii) Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về chính sách thuế với cải cách về quản lý thuế. Việc cải cách hay điều chỉnh các chính sách thuế phải không làm triệt tiêu các động lực về đầu tư và lao động của các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của sản xuất, kinh doanh.

- Phát huy hiệu quả được vai trò đòn bẩy của chính sách thuế trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước phát triển bền vững, hỗ trợ việc thực hiện các mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế được xác định trong các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của đất nước. Rà soát để đảm bảo các chính sách ưu đãi thuế được thực hiện có chọn lọc, tập trung cho các dự án có thể tạo ra ngoại ứng tích cực, tác động lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế, phù hợp với thị trường và xu thế phân công lao động quốc tế, khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất xanh, tiêu dùng xanh; kiên quyết loại bỏ các chính sách ưu đãi thuế không còn phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập, gây xói mòn cơ sở thuế.

- Xây dựng được các khung khổ về thuế phù hợp để tham gia hiệu quả các sáng kiến về thuế quốc tế, bao gồm Diễn BEPS và Giải pháp 2 trụ cột nhằm giải quyết những vấn đề thuế phát sinh. Gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã phê duyệt và đồng ý tham gia Trụ cột 2 về thuế tối thiểu toàn cầu 15% như một biện pháp để ngăn chặn tình trạng xói mòn cơ sở thuế. Việt Nam là quốc gia có độ mở cao; vốn đầu tư nước ngoài có vai trò và vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, nhất là từ giác độ tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu và chuyển giao công nghệ. Theo đó, Việt Nam cần chủ động có các giải pháp để tham gia hiệu quả Trụ cột 2, nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan đến ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để một mặt không làm xói mòn cơ sở thuế, mặt khác vẫn đạt được các mục tiêu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tránh tình trạng đưa ra các chính sách “ưu đãi dư thừa” khi tham gia Trụ cột 2;

- Đảm bảo sự đồng bộ giữa cải cách về chính sách thuế với cải cách về thể chế quản lý thuế, bộ máy quản lý thuế. Hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, bám sát các mục tiêu được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 là: thể chế quản lý thuế đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực; hệ thống công nghệ thôn tin tích hợp, tập trung... Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về thuế đồng bộ, có khả năng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đang đặt ra cho công tác quản lý thuế và xây dựng, theo dõi việc thực hiện chính sách thuế, bao gồm cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử và dữ liệu có liên quan từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan (bên thứ ba).

- Chủ động xây dựng các kế hoạch cụ thể để sửa đổi, bổ sung các Luật thuế theo lộ trình đề ra, đảm bảo đồng bộ với việc triển khai thực hiện Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 đã được xác định tại Quyết định số 2439/QĐ-TTg ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong thời gian trước mắt, tập trung thực hiện sửa đổi, bổ sung các luật thuế đã được Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025 xác định cần ưu tiên thực hiện là: Luật thuế giá trị gia tăng; Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, tạo tiền đề cho các biện pháp cải cách các sắc thuế khác trong giai đoạn tiếp theo. Trong thực hiện cải cách chính sách thuế, cần chủ động tham khảo, vận dụng hiệu quả, có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế tốt về cải cách thuế.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030;

2. Quyết định số 2439/QĐ-TTg ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025;

3. OECD (2021). “Statement on the Two-Pillar Solution to Address the Tax Challenges Arising from the Digitalisation of the Economy”.

Bài đăng Tạp chí Tài chính Kỳ 1 tháng 12/2022