Một số ý kiến về quy định thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa
Hiện nay, các quy định liên quan về vấn đề thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa ở một số trường hợp còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, vì vậy, cần có những điều chỉnh, hoàn thiện kịp thời để tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.
Hàng hóa khi thay đổi mục đích sử dụng được quy định tại Khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP. Theo đó, “đối với hàng hóa XNK thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế, xét miễn thuế XK, thuế NK hoặc áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế, xét miễn thuế; áp dụng thuế suất theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK và hàng hóa TNTX đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa XNK; chính sách thuế đối với hàng hóa XNK thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa XNK tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu”.
Thủ tục được quy định cụ thể theo Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC, tức là DN phải đăng ký tờ khai mới để thay đổi mục đích sử dụng đồng thời thực hiện đầy đủ chính sách thuế, phân luồng kiểm tra trên hệ thống quản lý rủi ro, áp dụng chính sách như đối với hàng hóa nhập khẩu khi đăng ký tờ khai mới, trừ những trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa XNK tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu. Khi người nộp thuế thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không tự giác kê khai, nộp thuế, nếu bị phát hiện thì sẽ bị ấn định số tiền thuế phải nộp và bị xử phạt theo quy định.
Tuy vậy, trong thực tế quản lý và thực hiện thủ tục thay đổi mục đích sử dụng, một số trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, còn bất cập trong việc thực hiện thủ tục hải quan như sau:
Việc thay đổi mục đích sử dụng người khai hải quan phải thực hiện đăng ký tờ khai hải quan mới, đồng thời thực hiện thủ tục hải quan và phân luồng tờ khai theo quy định về quản lý rủi ro như khi đăng ký tờ khai thông thường. Khi đó, tờ khai hải quan mới có thể được phân luồng Đỏ.
Nhưng đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng không còn nguyên trạng như khi XNK của tờ khai cũ hoặc chỉ một phần không còn nguyên trạng thì việc kiểm tra thực tế hàng hóa trên tờ khai thay đổi mục đích sử dụng sẽ là không hợp lý, khó khăn. Vì tên hàng khai trên hồ sơ, tờ khai thay đổi mục đích sử dụng là tên hàng theo tờ khai cũ nhưng thực tế hiện trạng hàng hóa đã không còn nguyên trạng thậm chí là khác về bản chất, lý tính vì đã qua sản xuất, chế biến nên công chức hải quan không thể xác định hàng hóa đúng khai báo hay không.
Ví dụ: Nguyên liệu, vật tư của hàng ưu đãi đầu tư, nguyên liệu phục vụ đóng tàu, dầu khí, hàng sản xuất xuất khẩu, gia công,... đã qua quá trình chế biến, sản xuất rồi DN mới thực hiện thay đổi mục đích sử dụng. Nên chăng trong trường hợp này cần có quy định mở theo hướng trường hợp hàng hóa tại tờ khai cũ dưới dạng nguyên liệu, vật tư, linh kiện, chi tiết, bán thành phẩm,... mà khi thay đổi mục đích đã qua chế biến, lắp ráp không còn nguyên trạng thì tờ khai thay đổi mục đích sử dụng không cần kiểm tra thực tế hàng hóa sẽ phù hợp với thực tế hơn.
Đối với việc thực hiện chính sách mặt hàng (thực hiện các quy định về giấy phép, kiểm tra chuyên ngành) của hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng (trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa XNK tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu). Việc thực hiện quy định này nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ tránh bị lợi dụng để gian lận về chính sách của các loại hình được ưu đãi.
Tuy nhiên, có rất nhiều bất cập, chưa hợp lý từ việc thực hiện chính sách mặt hàng khi đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng. Thời điểm đăng ký tờ khai cũ chưa có quy định về chính sách quản lý chuyên ngành hoặc quản lý giấy phép hoặc không thuộc trường hợp cấm, hạn chế XNK đối với mặt hàng thay đổi mục đích sử dụng, chính sách chuyên ngành hoặc giấy phép, cấm, hạn ngạch được quy định, có hiệu lực sau thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu nhưng khi đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng thì vẫn bắt buộc thực hiện đầy đủ các chính sách quản lý mới.
Điều này sẽ dẫn đến có những trường hợp không được phép hoặc không đảm bảo điều kiện xuất nhập khẩu để đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng và cũng không thể nào xử lý hình thức nào khác được (không tái xuất được, vì tái xuất cho ai? Trong khi hàng hóa đó đã được chuyển quyền sở hữu. Còn nếu tiêu hủy thì quá vô lý) để DN có thể thực hiện được quyền định đoạt đối với tài sản của mình theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Ví dụ: Thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu nhập khẩu mặt hàng máy móc A không quản lý chất lượng khi nhập khẩu, nhưng sau đó quy định mới quản có lý chất lượng mặt hàng A, DN thực hiện thay đổi mục đích sử dụng thì buộc phải kiểm tra về chất lượng. Nhưng do qua quá trình sử dụng chất lượng mặt hàng A không còn đảm bảo nên cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng kết luận không được nhập khẩu. Vậy trường hợp này phải làm sao để đảm bảo quyền định đoạt tài sản của DN theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.
Nên chăng cần có quy định cụ thể hơn đối với từng đối tượng, từng loại hình khác nhau khi thay đổi mục đích sử dụng sẽ có cách quản lý khác nhau, phù hợp với thực tế hơn. Đối với những trường hợp thay đổi mục đích sử dụng, đăng ký tờ khai mới mà quan hệ này về bản chất được xem là quan hệ xuất nhập khẩu (như hàng của DNCX với nội địa, hàng kinh doanh TNTX, hàng gia công,...) thì bắt buộc thực hiện tất cả các chính sách đang có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng như quy định hiện nay.
Còn đối với những trường hợp như hàng đầu tư miễn thuế, hàng theo hạn ngạch thuế quan, hàng miễn thuế của DN đóng tàu, dầu khí... mà khi thay đổi mục đích sử dụng chỉ đơn thuần là thủ tục kê khai, nộp thuế thì không cần quy định phải thực hiện tất cả các chính sách có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng như quy định hiện nay mà chỉ cần thực hiện đầy đủ chính sách tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu đến nay vẫn còn hiệu lực nhưng chưa được thực hiện khi đăng ký tờ khai ban đầu.
Đối với những trường hợp thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa miễn thuế của các dự án đầu tư (hàng tạo tài sản cố định) đã khấu hao hết nhưng còn giá trị sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng nhưng còn giá trị về kinh tế (bán phế liệu) thì có bắt buộc phải làm thủ tục thay đổi mục đích sử dụng không?
Nếu vẫn bắt buộc phải thực hiện thủ tục thay đổi mục đích sử dụng thì việc quản lý hàng miễn thuế của cơ quan Hải quan sẽ rất nặng nề, có những trường hợp đăng ký tờ khai miễn thuế, dự án được cấp phép hoạt động 50 hoặc 70 năm nhưng vẫn quy trách nhiệm quản lý của cơ quan Hải quan và nghĩa vụ của DN thì quá bất hợp lý. Nên chăng quy định trách nhiệm quản lý và nghĩa vụ thực hiện thay đổi mục đích sử dụng (nếu có) của DN khi trong khoảng thời gian nhất định (có thể là theo thời gian khấu hao tài sản cố định) thì sẽ hợp lý hơn.