Một số yêu cầu về hoàn thiện Hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính Việt Nam

ThS. Hoàng Xuân Nam, ThS. Đào Hạnh Ngân

Thống kê tài chính gồm tập hợp toàn bộ các lưu lượng và tồn lượng về tài sản và công nợ tài chính của tất cả các khu vực của nền kinh tế. Thống kê tài chính được tổ chức và trình bày để chỉ ra lưu lượng giữa các khu vực của nền kinh tế và tồn lượng tương ứng về tài sản và công nợ tài chính. Để xây dựng được một hệ thống chỉ tiêu thống kê thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Tài chính, cần nghiên cứu xác định các chỉ tiêu cụ thể cũng như: giải thích đầy đủ nội dung chỉ tiêu, phương pháp tính toán, tổng hợp chỉ tiêu, xác định phạm vi tính toán của chỉ tiêu, nguồn thu thập số liệu và phân công trách nhiệm thu thập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một số vấn đề chung về hệ thống chỉ tiêu thống kê

Theo Luật Thống kê sửa đổi năm 2015, thuật ngữ “Hệ thống chỉ tiêu thống kê” là tập hợp những chỉ tiêu thống kê phản ánh các đặc điểm của hiện tượng kinh tế - xã hội. Về phạm vi, “kinh tế - xã hội” là một khái niệm rộng, gồm tất cả các chỉ tiêu thống kê thuộc các lĩnh vực: điều kiện tự nhiên, dân số lao động, tài khoản quốc gia, tài chính - tín dụng - chứng khoán, nông, lâm nghiệp - thuỷ sản, công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, bưu điện, thương nghiệp, khách sạn nhà hàng, du lịch, dịch vụ - giá cả, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, y tế và sức khoẻ, văn hoá, thông tin, thể thao, đời sống, xã hội, môi trường,...

Về cấp độ của hệ thống chỉ tiêu, cần xác định như sau:

- Luật Thống kê năm 2015 đã quy định danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 186 chỉ tiêu, trong đó giao Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.

- Đối với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cần căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước để xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.

- Nội dung của mỗi chỉ tiêu phải bảo đảm các yêu cầu về tính thống nhất; tính đầy đủ; tính phù hợp, logic và liên kết giữa các hệ thống chỉ tiêu thống kê, bảo đảm khai thác triệt để nguồn thông tin từ các hệ thống kê khai, đăng ký hồ sơ hành chính, thực hiện phân công, phân cấp triệt để cho thống kê bộ, ngành, không trùng lắp, chồng chéo giữa hệ thống thống kê tập trung và hệ thống thống kê bộ, ngành; Tính phù hợp và khả thi trong quá trình thu thập, xử lý và công bố số liệu của các hệ thống chỉ tiêu thống kê; tính so sánh quốc tế.

- Theo Luật Thống kê năm 2015, hệ thống chỉ tiêu thống kê của bộ, ngành là tập hợp các chỉ tiêu thống kê do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành để thu thập thông tin thống kê hình thành hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành gồm: (1) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành đó thực hiện; (2) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do bộ, ngành được phân công thực hiện theo yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực; (3) Các chỉ tiêu thống kê bộ, ngành do cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tại đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện cung cấp cho bộ, ngành tổng hợp.

- Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành được xây dựng phù hợp với hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và thông lệ quốc tế. Hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành là cơ sở phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chương trình điều tra thống kê, sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê và chế độ báo cáo thống kê cấp bộ, ngành.

Ở Việt Nam, hiện nay, ngoài một số lĩnh vực có thể tính toán được các chỉ số tổng hợp theo hướng dẫn của Tổ chức Thống kê Quốc tế, còn nhiều lĩnh vực rất cần cho công tác quản lý, điều hành nhưng chưa có phương pháp tính cụ thể nên đòi hỏi phải xây dựng phương pháp luận tính toán, xác định các chỉ tiêu thống kê tổng hợp để các cơ quan chức năng, các nhà chuyên môn có căn cứ vận dụng khi cần thiết. Với vai trò là một bộ phận quan trọng của hệ thống thống kê quốc gia, để việc tạo dựng nên một hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả, đầy đủ, chính xác đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Yêu cầu hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính Việt Nam

Quan điểm thực hiện

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, yêu cầu trao đổi thông tin nói chung và thông tin trong lĩnh vực tài chính nói riêng với các nước trong khu vực và trên thế giới ngày càng trở lên quan trọng. Thực tiễn qua khủng hoảng kinh tế thế giới thời gian qua cho thấy, cần thiết phải có sự thống nhất và đẩy mạnh sự trao đổi thông tin thống kê tài chính nhằm chia sẻ và tăng cường khả năng cảnh báo giữa các quốc gia.

Để làm tốt yêu cầu này, phải có sự tương đồng về các chỉ tiêu và phương pháp thống kê. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã xây dựng cuốn Cẩm nang tài chính chính phủ - GFS 1986, 2001 và 2014, đây là khuôn mẫu cho công tác thống kê tài chính của các quốc gia. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức triển khai vận dụng như thế nào để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng quốc gia.  

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu về thông tin thống kê tài chính không ngừng tăng lên. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho tính chính xác, đồng bộ, nhất quán của các số liệu thống kê tài chính được cung cấp.

Việc áp dụng trọn gói Cẩm nang GFS của IMF sẽ là thiếu thực tế do mỗi nước có một thể chế chính trị và tổ chức hành chính khác nhau. Việc vận dụng cứng nhắc sẽ làm cho cách nhìn của hoạt động thống kê tài chính chính phủ không thể xử lý được những đặc thù trong ý tưởng về hoạch định chính sách và điều chỉnh chính sách của các nhà lãnh đạo mỗi nước.

Trên cơ sở sử dụng nguyên tắc phân định khu vực theo sản phẩm đầu ra, IMF đã chia thành 5 khu vực để xác định các nguồn dữ liệu thống kê tài chính:

i) Khu vực doanh nghiệp phi tài chính, bao gồm các đối tượng (cả các đơn vị hoặc cá nhân, hộ gia đình) được thành lập ra trong nền kinh tế để thực hiện các hoạt động sản xuất và kinh doanh các hàng hoá và dịch vụ phi tài chính cho thị trường;

ii) Khu vực các doanh nghiệp tài chính, bao gồm các đối tượng tham gia vào quá trình cung cấp các dịch vụ tài chính cho thị trường;

iii) Khu vực Chính phủ nói chung, bao gồm các đối tượng được thành lập nhằm chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ;

iv) Khu vực các đơn vị thể chế (có tư cách pháp nhân) phi lợi nhuận phục vụ nhu cầu tiêu dùng của các gia đình, bao gồm mọi đơn vị thể chế hoạt động chủ yếu không vì mục đích kiếm lợi nhuận mà có cư trú trong nền kinh tế nhằm mục tiêu cung cấp các hàng hoá và dịch vụ phi thị trường cho các gia đình, trừ các tổ chức do Chính phủ kiểm soát và tài trợ phần lớn;

v) Khu vực hộ gia đình, bao gồm các nhóm nhỏ nhiều người cùng chung sống, cùng đóng góp của cải và thu nhập, và tiêu dùng tập thể cùng một loại hàng hoá và dịch vụ.

Cách phân loại này có những ưu và nhược điểm:

Về ưu điểm: Có thể dùng thống nhất cho cả khi xác định về thu (nguồn, tài sản) lẫn chi (chi tiêu, công nợ) tài chính của nhà nước/chính phủ; Dễ hình dung, xác định các nguồn thông tin; Dễ xác định được mức độ chính xác của số liệu khi tổng hợp theo các khu vực; Thuận tiện với kết quả đầu ra của công tác thống kê phục vụ cho công tác điều chỉnh chính sách (dễ chỉ ra nên tập trung vào khu vực điều chỉnh nào).

Về nhược điểm: Cách phân loại này chỉ thuận tiện đối với một nền kinh tế thị trường rõ ràng, kết quả của thống kê chưa phục vụ ngay cho các yêu cầu đối với việc hoạch định, xây dựng chính sách mới hay đề xuất chính sách phụ trợ bổ sung.

Với những lý do trên, cần nghiên cứu giải pháp vận dụng Cẩm nang GFS của IMF cho mỗi nước theo hoàn cảnh cụ thể của mình.  

Yêu cầu đặt ra

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin thống kê tài chính thu thập một cách kịp thời, đầy đủ thông tin, số liệu về tình hình tài chính, phục vụ yêu cầu về phân tích đánh giá, khuyến nghị hoạch định và điều chỉnh chính sách, phân tích dự báo cảnh bảo về vấn đề liên quan tới an ninh, ổn định và phát triển của nền tài chính quốc gia, trong thời gian tới, công tác thống kê tài chính cần tập trung hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê của ngành Tài chính.Việc hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính cần đáp ứng một số yêu cầu sau:

Thứ nhất, hệ thống chỉ tiêu cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, đáp ứng yêu cầu của Luật Thống kê, các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn; Từng bước hướng tới việc phản ánh đầy đủ các lĩnh vực tài chính Chính phủ điều hành như:  Các quỹ xã hội: Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; các quỹ từ thiện; các quỹ khuyến học; các quỹ ngành nghề...; Ngân sách phần tự thu, tự chi của các ngành được Luật cho phép không báo cáo chung trong NSNN (Quỹ Bình ổn giá, Quỹ thưởng xuất khẩu…); điều hành chính sách tỷ giá, điều khiển lãi suất trong nền kinh tế...

Thứ hai, mức độ chi tiết của các chỉ tiêu đảm bảo khả năng thu thập và cung cấp thông tin của các đơn vị được giao trách nhiệm cung cấp, cũng như có khả năng tổng hợp trên cơ sở sử dụng được các công cụ tin học.

Thứ ba, hệ thống các chỉ tiêu được sắp xếp lại phải hướng tới có mục tiêu phân tích, dự báo, cảnh báo sau này.

Thứ tư, tạo thuận lợi cho việc áp dụng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong các hoạt động thống kê tài chính, tạo cơ sở tích hợp, đồng bộ hoá các hình thức thu thập thông tin, phương pháp xử lý, tổng hợp thông tin, cung cấp, phổ biến và chia sẻ thông tin thống kê tài chính, từ đó hình thành hệ thống thông tin thống kê thống nhất toàn ngành Tài chính.

Thứ năm, chỉ tiêu thống kê tài chính của Việt Nam phải có khả năng so sánh với số liệu thống kê tài chính quốc tế về các khái niệm, các bảng phân loại, về kỳ thu thập và phương pháp thu thập. Đặc biệt, cần có sự tương đồng về phạm vi, nội hàm của từng chỉ tiêu thống kê tài chính lớn, cơ bản phục vụ cho việc tính toán, cung cấp thông tin thống kê tài chính giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Việc chuẩn hóa được thực hiện theo nguyên tắc, với những bảng phân loại đã được quốc tế sử dụng, cần nghiên cứu và áp dụng nhằm đảm bảo tính so sánh của số liệu thống kê tài chính. Với những danh mục Việt Nam xây dựng dựa trên bảng phân loại quốc tế có chỉnh sửa cho phù hợp với điều kiện thực tế và điều kiện áp dụng tại Việt Nam, cần tuân thủ áp dụng trong tính toán các chỉ tiêu cũng như thu thập số liệu, lập báo cáo; Cần thống nhất cách đánh mã và phân tổ nhằm đảm bảo tính tương thích của số liệu, tránh tình trạng một đối tượng lại được quy định nhiều mã khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau.

Đối với các danh mục, các bảng phân loại mới, khi xây dựng cần nghiên cứu thật kỹ đảm bảo đáp ứng nguyên tắc phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của Việt Nam, tránh tình trạng bảng phân loại được xây dựng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu phát sinh trong những lĩnh vực, nội bộ ngành, dẫn đến hiện tượng khi mà hệ thống chỉ tiêu thống kê đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện nhưng hệ thống danh mục dùng chung vẫn thiếu và không thống nhất theo thời gian, gây khó khăn cho công tác tổng hợp và so sánh thống kê.

Đối với các lĩnh vực đặc thù, khi xây dựng cần có sự so sánh, tham khảo các bảng phân loại tương tự về ngành, nghề đó đảm bảo tính tương thích, so sánh của dữ liệu.

Nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu và rộng với nền kinh tế thế giới, nhu cầu về thông tin thống kê tài chính không ngừng tăng lên. Đối tượng dùng thông tin thống kê tài chính rất đa dạng như các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, các nhà khoa học, các cơ quan thống kê trong khu vực và thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu rất lớn cho tính chính xác, đồng bộ, nhất quán của các số liệu thống kê tài chính được cung cấp. Đồng thời với đó, việc cung cấp số liệu thống kê tài chính cần phải được mở rộng nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần từng bước nghiên cứu áp dụng đầy đủ phương pháp Thống kê tài chính Chính phủ của IMF tại Việt Nam và các chuẩn mực thống kê quốc tế đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm tạo cơ hội phân tích sức khỏe tài chính quốc gia theo chuẩn mực và góc nhìn quốc tế. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng so sánh tài chính quốc gia giữa Việt Nam với các nước.  

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2015) Luật Thống kê số 89/2015/QH13 ngày 23/11/2015;

2. Chính phủ (2015), Danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử;

3. Bộ Tài chính (2014), Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

4. Bộ Tài chính (2010), Kế hoạch phát triển hệ thống thông tin và dữ liệu thống kê tài chính đến năm 2015;

5. Bộ Tài chính, Báo cáo định kỳ về tiến độ thực hiện chiến lược thống kê Việt Nam các năm 2011-2015;

6. Chính phủ (2011), Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

7. Chính phủ (2012), Chiến lược Tài chính đến năm 2020;

8. IMF (2001, 2014) Cẩm nang thống kê Tài chính Chính phủ.