Một thập kỷ nâng cao năng suất và chất lượng, gia tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp


Ngày 26/11/2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh chuyển giao Bộ sách Năng suất chất lượng cho các viện, trường, hiệp hội doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh chuyển giao Bộ sách Năng suất chất lượng cho các viện, trường, hiệp hội doanh nghiệp.

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh - Phó trưởng Ban điều hành chương trình; các thành viên Ban điều hành chương trình.

Hội nghị còn có sự tham dự của đại điện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải; đại điện Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam; đại điện các cục, vụ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ; lãnh đạo, các đơn vị thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cùng đại diện các trường đại học và doanh nghiệp.

Dấu ấn một thập kỷ nâng cao năng suất, chất lượng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đúng thời điểm doanh nghiệp Việt Nam cần một động lực để chuyển đổi từ giai đoạn phát triển theo hướng tập trung vào vốn và sử dụng lao động giá rẻ sang giai đoạn phát triển với cách thức quản lý hiệu quả hơn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và mang lại giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định phát biểu tại hội nghị.

Chương trình năng suất chất lượng được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, viện, trường, hiệp hội và doanh nghiệp. Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm chủ trì tổ chức thực hiện chương trình. Hoạt động chương trình trong 10 năm qua luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ và đa số nhiệm vụ đề ra đều đạt yêu cầu.

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho biết, sau 10 năm triển khai, Chương trình đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với khoảng 13.000 tiêu chuẩn (đạt tỉ lệ 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp.

Đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng đã bước đầu được hình thành và phát triển ở các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng ở các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp ngày càng được nâng lên. Việc triển khai đào tạo kiến thức về tiêu chuẩn hóa, năng suất chất lượng cho sinh viên, giảng viên một số trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả và khả năng nhân rộng của hoạt động này.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp báo cáo kết quả Chương trình.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp báo cáo kết quả Chương trình.

Việc triển khai ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, áp dụng các tiêu chí quản lý của mô hình Giải thưởng chất lượng Quốc gia... đã giúp hàng chục nghìn doanh nghiệp cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng quản trị, quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí sai lỗi, tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, năng lượng qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp, Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 đã giúp nâng cao nhận thức về năng suất chất lượng; tạo lập cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng; gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng giai đoạn 2021-2030

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đã công bố khởi động triển khai Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020.

“Chúng tôi mong rằng Chương trình trong giai đoạn tới sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tới cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta, từ các doanh nghiệp tiên phong, chi phối nền kinh tế đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Yếu tố nâng cao năng suất chất lượng sẽ được nhìn nhận ở các khía cạnh cơ hội khác nhau. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng của Chương trình”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Thông tin về Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cho biết, mục tiêu chung của Chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Điểm mới của Chương trình là các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập Cách mạng công nghiệp 4.0 như: vượt qua rào cản Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN; tiếp cận sản xuất thông minh, chuyển đổi số; nông nghiệp hữu cơ; đổi mới sáng tạo; kế hoạch năng suất tổng thể...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

Cũng tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tham dự đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thành công các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cũng như đề xuất các nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào năng suất chất lượng trong thời gian tới.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh đã chuyển giao Bộ sách Năng suất chất lượng cho các viện, trường, hiệp hội doanh nghiệp.

Chương trình Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 có 09 dự án thành phần, trong đó, 08 dự án do các Bộ chủ trì: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải và Dự án 9 do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì.

Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.