Mức độ sử dụng nợ và chính sách trả cổ tức trước ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình

Nguyễn Bá Hoàng - Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Nghiên cứu này nhằm xem xét việc quyền kiểm soát gia đình ảnh hưởng ra sao đến mức độ sử dụng nợ và chính sách chi trả cổ tức tại các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) trong giai đoạn 2012-2022. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng quyền kiểm soát gia đình có ảnh hưởng cùng chiều đến mức độ sử dụng nợ và chính sách chi trả cổ tức của các doanh nghiệp trong mẫu nghiên cứu. Phát hiện của nghiên cứu này cung cấp cho các nhà đầu tư có một cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách chi trả cổ tức và mức độ sử dụng nợ của các doanh nghiệp niêm yết, từ đó để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có quyền kiểm soát gia đình chi phối.

Giới thiệu

Trong thực tế, thị trường không hoàn hảo như lý thuyết đã giả định vì tồn tại các chi phí giao dịch, thuế và thông tin bất cân xứng và do vậy chính sách cổ tức có tác động không nhỏ đến giá trị của công ty và có ảnh hưởng nhất định đến lợi ích của các cổ đông (Carvalhalda-Silva và Leal, 2004).

Jensen (1986) và Rozeff (1982) lập luận rằng, các doanh nghiệp (DN) có thể sử dụng chính sách chi trả cổ tức để giải quyết các vấn đề chi phí đại diện. Bên cạnh đó, mức độ sử dụng nợ cũng là một cách để làm giảm bớt vấn đề chi phí đại diện do có sự giám sát của các chủ nợ đối với các quyết định của DN (Agrawal và Knoeber, 1996).

Chủ đề nghiên cứu về ảnh hưởng của quyền sở hữu gia đình đến chính sách chi trả cổ tức, mức độ sử dụng nợ của DN nhận được nhiều sự quan tâm của các học giả (Jensen và cộng sự, 1992; Setia-Atmaja, 2009; Mulyani và cộng sự, 2016). Các nghiên cứu trong nước về chủ đề này chủ yếu tập trung kiểm tra ảnh hưởng riêng lẻ của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của công ty (Hoàng Tuấn Dũng, 2014); chính sách cổ tức (Trần Thị Hải Yến, 2014); mức độ sử dụng nợ (Phạm Thanh Tâm, 2014). Đến hiện tại, việc xem xét mức độ ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình lên đồng thời cả hai quyết định tài chính (chính sách cổ tức và mức độ sử dụng nợ) của các DN niêm yết (DNNY) trên HOSE là khoảng trống nghiên cứu cần được giải quyết. Đặc biệt, các DN tại Việt Nam phần lớn là có quy mô nhỏ và vừa, đa phần đều đi lên từ công ty gia đình, mà trong đó người sở hữu cũng đồng thời nắm quyền kiểm soát (Phạm Hữu Hồng Thái, 2013). Với những lập luận trên, nghiên cứu này được tiến hành nhằm xem xét rằng quyền kiểm soát gia đình có ảnh hưởng ra sao đến mức độ sử dụng nợ và chính sách chi trả cổ tức tại các DNNY trên HOSE trong giai đoạn 2012-2022. Kết quả nghiên cứu sẽ cung cấp một số hàm ý chính sách cho các nhà đầu tư, cân nhắc trước khi tiến hành đầu tư vào cổ phiếu của các DNNY trên HOSE.

Tổng quan tình hình nghiên cứu

Bảng 1: Khái quát các biến trong mô hình nghiên cứu

Kí hiệu

Tên biến

Định nghĩa biến

Nguồn tham khảo

pay

Chính sách cổ tức

Tổng cổ tức cổ phiếu phổ thông chia cho thu nhập ròng.

La Porta và cộng sự (2000), Faccio và cộng sự (2001), Setia-Atmaja và cộng sự (2009)

lev

Chính sách nợ

Tổng nợ chia cho tổng tài sản.

Jensen và Meckling (1976), Jensen (1986), Setia-Atmaja và cộng sự (2009)

fcon

Quyền kiểm soát

gia đình

Biến giả

= 1 nếu tổng tỷ lệ sở hữu vốn của các cổ đông trong công ty cổ phần có mối quan hệ là gia đình lớn hơn 20%

= 0 các trường hợp còn lại

Faccio và Lang (2002), Kusnadi (2011)

ins

Quyền sở hữu của cổ đông tổ chức

Phần trăm sở hữu vốn của cổ đông tổ chức.

Wang (2006), Mulyani và cộng sự (2016)

size

Quy mô công ty

Logarit tự nhiên của tổng tài sản

Setia-Atmaja và cộng sự (2009), Mulyani và cộng sự (2016)

pro

Lợi nhuận công ty

Thu nhập ròng trên tổng tài sản (ROA).

Fama và French (1998), Setia-Atmaja và cộng sự (2009), Mulyani và cộng sự (2016)

lpro

Lợi nhuận công ty năm trước

ROA của năm trước

Setia-Atmaja và cộng sự (2009), Mulyani và cộng sự (2016)

cash

Lượng tiền mặt của công ty

Tiền và các khoản tương đương tiền chia cho tổng tài sản

Farinha (2003), Jensen (1986)

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

 

Vận dụng dữ liệu bảng của các công ty đại chúng được niêm yết trên sàn chứng khoán ở Australia trong giai đoạn từ năm 2000-2005, Setia-Atmaja và cộng sự (2009) đã kiểm tra ảnh hưởng của quyền sở hữu gia đình đối với chính sách cổ tức và nợ. Kết quả cho thấy mối quan hệ thuận chiều giữa mức độ sở hữu của gia đình với chính sách cổ tức và mức độ sử dụng nợ của công ty.

González và cộng sự (2014) xem xét sự ảnh hưởng của gia đình lên chính sách cổ tức ở thị trường Columbia. Phân tích mẫu nghiên cứu bao gồm 458 công ty, kết quả cho thấy sự tham gia của gia đình vào việc quản lý không ảnh hưởng đến chính sách cổ tức.

Attig và cộng sự (2015) đã tiến hành so sánh tỷ lệ chi trả cổ tức ở các công ty gia đình và công ty không thuộc sở hữu gia đình ở 9 nền kinh tế Đông Á (Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philipines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan) trong giai đoạn 2006-2010. Kết quả nghiên cứu tìm thấy bằng chứng mạnh về mối quan hệ ngược chiều giữa tỷ lệ sở hữu gia đình và chính sách cổ tức.

Mulyani và cộng sự (2016) tiến hành kiểm tra ảnh hưởng của mức độ sở hữu gia đình đến chính sách cổ tức và nợ của 5.744 DNNY trên Sàn Giao dịch chứng khoán Indonesia trong giai đoạn 1990-2011. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện được quyền kiểm soát gia đình có tác động ngược chiều đến chính sách cổ tức và tác động thuận chiều đến mức độ sử dụng nợ của các công ty.

Qua tổng kết cơ sở lý thuyết và lược khảo các nghiên cứu trước, tác giả nhận định rằng các công ty có quyền kiểm soát gia đình càng cao sẽ quản lý tốt hơn so với công ty không có quyền kiểm soát gia đình, do vậy họ sẽ không cần sử dụng chính sách cổ tức và nợ để làm giảm bớt vấn đề về chi phí đại diện. Các giả thuyết cần tiến hành kiểm định, bao gồm:

Giả thuyết H1: Quyền kiểm soát gia đình có ảnh hưởng ngược chiều đến tỷ lệ chi trả cổ tức.

Giả thuyết H2: Quyền kiểm soát gia đình có ảnh hưởng ngược chiều đến mức độ sử dụng nợ.

Mô hình, dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Dựa trên mô hình nghiên cứu của Mulyani và cộng sự (2016), tác giả tiến hành xây dựng các mô hình (1) và (2) nhằm xem xét mức độ ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách cổ tức và mức độ sử dụng nợ của các công ty niêm yết tại HOSE trong giai đoạn 2012-2022, cụ thể:

payit = β0+ β1 levit + β2 fconit + β3 insit + β4sizeit + β5 proit + β6 lproit + β7 cashit + εit(1)

levit = β0 + β1 payit + β2 fconit + β3 insit + β4 sizeit + β5proit + β6lproit + β7 cashit + εit (2)

Trong đó: pay (chính sách cổ tức); lev (mức độ sử dụng nợ); fcon (quyền kiểm soát gia đình); ins (tỷ lệ sở hữu của cổ đông tổ chức); size (quy mô công ty); pro (lợi nhuận công ty); lpro (lợi nhuận năm trước); cash (lượng tiền mặt nắm giữ).

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu thực hiện với dữ liệu bảng cân bằng của 101 công ty được niêm yết trên HOSE. Nghiên cứu vận dụng phương pháp ước lượng moment tổng quát (SGMM) để xem xét ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách cổ tức và nợ của các công ty trong mẫu nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu

Phần tiếp theo tác giả sử dụng phương pháp ước lượng GMM để tiến hành kiểm định mô hình, khắc phục hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan trong các mô hình (1) và (2).

Bảng 2 cho thấy giá trị của Sargan và AR(2) của hai mô hình đều lớn hơn 0.1 nên kết quả ước lượng có thể chấp nhận được. Mô hình hồi quy với các biến công cụ tương đối đầy đủ và có độ tin cậy cao.

Bảng 2: Kết quả ước lượng bằng SGMM

Biến

pay (1)

lev (2)

fcon

.1352557*

.5054508*

pay

 

.0065862

lev

2.683265**

 

ins

.6877529***

.0310441

size

-.6147092**

.2719961***

pro

.5388665

-.4663901***

lpro

1.870716***

-.1677882*

cash

-.2219062

.0568636

Sargan test

0.257

0.120

AR(2)

0.174

0. 622

*, ** và *** thể hiện ý nghĩa thống kê ở mức 10%, 5% và 1%

Nguồn: Tổng hợp kết quả xử lý dữ liệu từ phần mềm Stata 14

 

Kết quả ước lượng mô hình cho thấy, quyền kiểm soát gia đình (fcon) có mối tương quan cùng chiều với biến chính sách chi trả cổ tức (pay) và biến mức độ sử dụng nợ (lev) với cùng mức ý nghĩa 10%. Điều này đồng nghĩa rằng khi công ty có quyền kiểm soát gia đình càng cao thì càng gia tăng chi trả cổ tức và mức độ sử dụng nợ của công ty càng cao.

Kết quả này cũng cùng quan điểm với nghiên cứu của Carney và Gedajlovic (2002), Yoshikawa và Rashdeed (2010), Setia-Atmaja và cộng sự (2009). Điều này có thể được lý giải là do các công ty có quyền kiểm soát gia đình sử dụng chính sách chi trả cổ tức và nợ nhằm làm giảm dòng tiền tự do có thể bị chiếm đoạt bởi người đại diện và gia tăng tính minh bạch trong công ty để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các cổ đông bên ngoài (Jensen, 1986; Farinha, 2003).

Kết luận

Nghiên cứu đã tiến hành xem xét ảnh hưởng của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách cổ tức và mức độ sử dụng nợ của các DNNY trên HOSE trong giai đoạn 2012-2022. Kết quả nghiên cứu cho thấy, công ty có quyền kiểm soát gia đình càng cao thì càng gia tăng chính sách chi trả cổ tức và mức độ sử dụng nợ càng cao. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả của các nghiên cứu trước đây của Carney và Gedajlovic (2002), Yoshikawa và Rashdeed (2010), Setia-Atmaja và cộng sự (2009). Điều này có thể được giải thích bằng việc các công ty có quyền kiểm soát gia đình sử dụng chính sách chi trả cổ tức và nợ để giảm thiểu việc người đại diện chiếm đoạt dòng tiền tự do và tăng tính minh bạch trong công ty, từ đó thu hút được nguồn vốn đầu tư từ các cổ đông bên ngoài (Jensen, 1986; Farinha, 2003).

Phát hiện này của nghiên cứu cung cấp cho các nhà đầu tư có một cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò của quyền kiểm soát gia đình đến chính sách chi trả cổ tức và mức độ sử dụng nợ của các DNNY tại HOSE, từ đó các nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi tiến hành đầu tư vào cổ phiếu của các công ty có quyền kiểm soát gia đình chi phối.

Tài liệu tham khảo:

  1. Agrawal, A., and Nagarajan, N.J. (1990), Corporate capital structure, agency costs, and ownership control: The case of all-equity firms. Journal of Finance, 45, 1325–1331;
  2. Faccio, M., and Lang, L.H.P. (2002), The ultimate ownership of Western European corporations. Perspectives, 20 (2), 73-96;
  3. Farinha, J. (2003), Dividend policy, corporate governance and managerial entrenchment hypothesis: An empirical analysis. Journal of Business Finance and Accounting, 30, 1173–1209;
  4. González, M., Guzmán, A., Pombo, C., and Trujillo, M. (2014), Family involvement and dividend policy in closely held firms. Family Business Review, 1-21;
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023