Phát triển công nghệ thông tin ngành Thuế giai đoạn 2016 đến 2020:

Mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt “Kế hoạch 5 năm ứng dụng công nghệ thông tin ngành Thuế giai đoạn 2016 đến 2020”, việc phát triển công nghệ thông tin nhằm hướng đến phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những ứng dụng như khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử sẽ được nâng cấp, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người nộp thuế.

Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại

Mục tiêu tổng quát của kế hoạch mà Tổng cục Thuế triển khai trong 5 năm tới, đó là xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, tập trung, công khai minh bạch, hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế, đưa Việt Nam lên nhóm các nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế; hướng tới yêu cầu Chính phủ điện tử, xây dựng kho cơ sở dữ liệu quốc gia về thuế.

Ông Nguyễn Đại Trí - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin (CNTT) đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc cung cấp, mở rộng các dịch vụ điện tử về thuế. Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức trung gian phát triển các dịch vụ về thuế, đáp ứng yêu cầu xã hội hóa một số dịch vụ. Về phía cơ quan thuế, sẽ tiến hành hiện đại hóa quản lý nội bộ ngành, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả cho cán bộ, công chức thuế phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Để xây dựng hệ thống CNTT hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, trước mắt Tổng cục Thuế sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ. Đảm bảo hệ thống CNTT vận hành liên tục, hiệu quả, đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Tóm lại, các ứng dụng CNTT phải góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý thuế, đem lại sự hài lòng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh của cơ quan thuế”, ông Trí nói.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT, ngành Thuế cũng sẽ chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực CNTT của ngành Thuế phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2016 đến 2020; tổ chức các nhóm nghiên cứu, học tập, phân tích kinh nghiệm từ các nước có nền CNTT phát triển, có các ứng dụng CNTT hiệu quả trong quản lý thuế để áp dụng, triển khai trong thực tế.

Phục vụ người dân và doanh nghiệp

Để thực hiện kế hoạch phát triển CNTT mà Bộ Tài chính đã phê duyệt, ông Phạm Quang Toàn - Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) cho biết, các ứng dụng sẽ được phát triển theo hướng phục vụ người dân và doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mở rộng dịch vụ nộp thuế điện tử, hỗ trợ người nộp thuế về tính năng, đối tượng nộp thuế, địa bàn triển khai, cũng như nâng cấp các ứng dụng, cho phép nộp thuế qua các kênh dịch vụ điện tử của các ngân hàng thương mạị như internetbanking, ATM...; nâng cấp phần mềm hỗ trợ kê khai tờ khai mã vạch, để mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 95% doanh nghiệp thực hiện hoàn thuế qua mạng”, ông Toàn cho hay.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, bên cạnh phát triển các phần mềm ứng dụng hướng tới người nộp thuế, Tổng cục Thuế cũng sẽ phát triển các ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành Thuế như: Triển khai các ứng dụng để đáp ứng các nhu cầu nghiệp vụ và chính sách thuế mới; nâng cấp các ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế, công tác thanh kiểm tra, quản lý rủi ro.

Để phục vụ tốt công tác quản lý nội bộ của Tổng cục Thuế, kế hoạch phát triển CNTT đến năm 2020 cũng sẽ tiến hành triển khai các ứng dụng dùng chung phục vụ quản lý nội bộ ngành theo kế hoạch của Bộ Tài chính như: Quản lý tài chính và kế toán nội bộ, quản lý tài sản, quản lý cán bộ; nghiên cứu triển khai các ứng dụng hiện đại hóa văn phòng, quản lý công việc, chỉ đạo, điều hành thông qua hệ thống ứng dụng, triển khai ứng dụng trao đổi trực tuyến...; nâng cấp ứng dụng quản lý công văn, lưu trữ. Tích hợp việc quản lý nội dung số hóa để việc quản lý lưu trữ đạt hiệu quả cao hơn.