EU đưa Mỹ “ra tòa” vì mâu thuẫn thương mại
Tiếp sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đã gửi kiến nghị lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan đến chính sách của Mỹ áp thuế mới cho các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, bất chấp việc Washington lập luận rằng nước này được miễn trừ tuân thủ nguyên tắc của WTO.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 16/4, EU cho biết không chấp nhận việc Mỹ đánh thuế thép và nhôm với lý do "vì an ninh quốc gia" mà cho rằng Washington chỉ nhằm bảo vệ ngành công nghiệp của mình. Tuyên bố của EU nêu rõ: "Mặc dù Mỹ biện minh việc áp đặt thuế này như là các biện pháp an ninh, nhưng thực chất đấy vẫn là những biện pháp tự vệ". EU cũng yêu cầu tiến hành tham vấn với Mỹ để làm rõ vấn đề trên "càng sớm càng tốt".
Thuế tự vệ là thuế nhập khẩu bổ sung được áp dụng trong trường hợp nhập khẩu hàng hóa quá mức vào một nước gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Trong trường hợp của Mỹ, giới chuyên gia châu Âu cho rằng không có mối đe dọa như trên.
Theo quy định của WTO, các nước có thể yêu cầu được miễn trừ các nguyên tắc thương mại quốc tế nếu chứng minh được việc áp đặt thuế là cần thiết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, việc miễn trừ không được áp dụng đối với các biện pháp tự vệ.
Trước đó, ngày 5/4, Trung Quốc cũng đã gửi kiến nghị lên WTO yêu cầu tiến hành tham vấn tại cơ quan này về những mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ xung quanh các mức thuế mới mà Washington áp đặt với những sản phẩm nhôm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hồi tháng Ba vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định tăng lần lượt 10% và 25% các mức thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu, làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ các đối tác thương mại trên toàn cầu. EU và các đồng minh khác của Mỹ không chỉ quan ngại các mức thuế mới này sẽ hạn chế số lượng hàng hóa được xuất sang Mỹ, mà còn lo lắng lượng thép bị cấm nhập khẩu vào Mỹ sẽ tràn vào thị trường nội địa, khiến nguồn cung dư thừa.