Năm 2017: Môi trường kinh doanh Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4

PV.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm triển khai, môi trường kinh doanh Việt Nam đã tăng 9 bậc, với 5 chỉ số tăng hạng. Đây là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau năm 2014, năm triển khai đầu tiên Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cho thấy môi trường đầu tư đã được cải thiện đáng kể, đạt được những kết quả đáng khích lệ, thứ hạng của Việt Nam về khởi sự kinh doanh cải thiện vượt bậc, chỉ số chung đã tăng 3 bậc nhưng vẫn chưa đạt được trung bình của các nước ASEAN 6 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philipines, Brunei).

Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt con số kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2016 ghi nhận, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của Bảng xếp hạng).

Đây là mức cải thiện thứ hạng tốt nhất từ trước đến nay với nhiều chỉ số có sự thăng hạng cao như: chỉ số bảo vệ nhà đầu tư tăng 31 bậc (từ 118 lên 87); giao dịch thương mại qua biên giới tăng 15 bậc (từ 108 lên 93), nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 11 bậc, tiếp cận điện năng tăng 5 bậc.

Bên cạnh 5/10 chỉ số tăng hạng, 5 chỉ số còn lại của Việt Nam lại giảm, như khởi sự kinh doanh giảm 10 bậc và ở thứ hạng thấp (từ vị trí số 111 xuống 121), là chỉ số có mức giảm bậc lớn nhất. Hay chỉ số cấp phép và đăng ký tài sản giảm 1 bậc…

Nhìn chung, các chỉ số của Việt Nam còn ở mức thấp, như chỉ số hạ tầng viễn thông đứng số 90 trong số 193 nước, chỉ số nguồn nhân lực đứng thứ 127/193 nước, chỉ số dịch vụ công trực tuyến là 74/193, báo cáo nêu.

Dự thảo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020 đang  được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 1/2017.

Dự thảo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP sẽ được lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành, địa phương. Nội dung trọng tâm của Nghị quyết  trong năm nay sẽ tập chung vào việc nâng thứ hạng môi trường kinh doanh.

Dự thảo đặt ra chỉ tiêu, đến hết năm 2017, một số chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mức ASEAN 4 (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines).

Dự thảo nhấn mạnh việc cải cách toàn diện để tạo lập hệ thống hỗ trợ kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định cho khởi nghiệp, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó 10% là doanh nghiệp sáng tạo.

Giai đoạn 2017 – 2020, các chỉ số về năng lực cạnh tranh sẽ đạt mức trung bình của nhóm ASEAN 4. Đồng thời, nghị quyết năm nay sẽ tập trung vào các giải pháp về xây dựng chính quyền liêm chính và phục vụ, hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đến năm 2020, nhóm chỉ tiêu thể chế gồm môi trường chính trị, môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh phải đạt tối thiểu 60 điểm (hiện là 51,7 điểm). Nhóm chỉ tiêu về cơ sở hạ tầng (công nghệ thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng chung, ổn định sinh thái) đạt tối thiểu 45 điểm, hiện ở mức 36,7 điểm...

Theo dự thảo, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải lên kế hoạch hành động chi tiết thực hiện Nghị quyết 19 năm 2017. Cụ thể, đối với những chỉ số giảm bậc vừa qua, Dự thảo cũng quy định trách nhiệm cụ thể đối với từng bộ, ngành liên quan để theo dõi, thực hiện với quan điểm mỗi chỉ số không chỉ liên quan đến một bộ, ngành mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành liên quan.

Ví dụ như chỉ số về khởi sự kinh doanh không chỉ liên quan đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Sở Kế hoạch và Đầu tư mà còn liên quan tới các bộ, ngành khác như: Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Dự thảo Nghị quyết 19/2017/NQ-CP có 3 phần chính, gồm: Đánh giá tình hình; Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương.


Mục tiêu của Nghị quyết là hết năm 2017, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4; Đến năm 2020 đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới).