Năm 2019, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ


Năm 2019, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ. Lũy kế đến ngày 10/12/2019, trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng, đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những con số này được Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) công bố tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và chương trình công tác năm 2020 diễn ra chiều 18/12/2019.

Cụ thể, tính đến ngày 10/12/2019, trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 29.103 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 20.076 tỷ đồng, đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019. 

Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc tập trung nguồn thu của Quỹ Tích lũy trả nợ bảo đảm thực hiện trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại và trả thay các dự án được Chính phủ bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ.

Các khoản chi từ Quỹ Tích lũy trả nợ để hoàn trả ngân sách nhà nước, ứng vốn trả nợ thay luôn được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định hiện hành, vừa đảm bảo kịp thời hỗ trợ cho người được bảo lãnh, đồng thời không làm ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ.

Việc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ được thực hiện công khai, minh bạch, công tác kế toán, lập báo cáo quỹ, các nghiệp vụ phát sinh của quỹ đã được phản ánh đầy đủ, kịp thời và lập báo cáo đầy đủ theo quy định.

Tính đến ngày 10/12/2019, trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng, trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 29.103 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 20.076 tỷ đồng, đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019. 

Công tác bảo lãnh được tiếp tục siết chặt theo đúng chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 07-NQ/TW là “hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới”. Dự kiến đến 31/12/2019, dư nợ các khoản bảo lãnh vay vốn trong nước là 17.897 tỷ đồng (không bao gồm SBIC và các ngân hàng chính sách). Trong năm 2019 không phát sinh hồ sơ đề nghị cấp bảo lãnh mới, tổng rút vốn dự kiến đạt 67 tỷ đồng, trả gốc là 6.610,69 tỷ đồng và trả lãi là 2.074 tỷ đồng.

Trong năm 2019, tổng giá trị đã thực hiện xác nhận viện trợ 155 triệu USD; trong đó giá trị viện trợ thực hiện hạch toán ngân sách nhà nước là 150 triệu USD. Ngoài viện trợ theo hình thức ghi thu ghi chi, viện trợ hỗ trợ trực tiếp về ngân sách trong kỳ là 1,4 triệu USD từ nguồn Chính phủ Canada. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng đã chủ trì đàm phán 35 hiệp định khung và hiêp định vay cụ thể, thực hiện ký kết 10 hiệp định (trong đó 2 hiệp định khung, 8 hiệp định vay) với tổng trị giá là 653,8 triệu USD. 

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 20/11/2019, giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài khoảng 1,669 tỷ USD, tương đương khoảng 38.641 tỷ đồng (trong đó cấp phát khoảng 1,160 tỷ USD, vốn vay về cho vay lại khoảng 509 triệu USD).

Năm 2019, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý nợ công, đặc biệt là tham gia với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan tới cơ chế quản lý vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài. 

Đồng thời, tích cực tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về quản lý nợ công bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25 của Chính phủ và các chương trình, hành động của Chính phủ, từ chương trình quản lý nợ trung hạn, chương trình vay và trả nợ hàng năm, xây dựng hạn mức bảo lãnh của Chính phủ, vay về cho vay lại... Nhờ đó, công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ.

"Rất mừng các chỉ tiêu nợ công, nợ chính phủ trong năm 2018 đã giảm một bước, năm 2019 lại giảm một bước nữa, từ đó tạo ra sự bền vững trong hệ thống tài chính. Đây là điểm sáng trong hệ thống tài chính của ngành Tài chính nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung trong năm 2019" - Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà nhấn mạnh.