Năm 2022, hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân ước đạt 233.000 tỷ đồng

Việt Dũng

Ước tính của Bộ Tài chính cho thấy, tính cả năm 2022, các giải pháp hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng.

Tổng thu thuế, phí trong nước 11 tháng năm 2022 vượt 15,3% so với cùng kỳ năm 2021
Tổng thu thuế, phí trong nước 11 tháng năm 2022 vượt 15,3% so với cùng kỳ năm 2021

Quy mô hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí đạt kỷ lục

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, 2022 là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí được áp dụng với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua.

Các chính sách tài khóa, trong đó có chính sách thuế được ban hành đã tác động đến cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, từng bước góp phần khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tính hết tháng 11/2022, các loại thuế gia hạn ước đạt 105,9 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, số tiền miễn, giảm thuế các loại lớn chưa từng có, lên đến 47,8 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách còn hỗ trợ hơn 26,3 nghìn tỷ đồng khi giá xăng, dầu tăng đột biến... 

Cụ thể, giảm thuế xăng dầu theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 khoảng 24 nghìn tỷ đồng và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 7/7/2022 khoảng 8 nghìn tỷ đồng. Ước thực hiện các chính sách này 11 tháng đầu năm tương đương giảm ngân sách hơn 26,3 nghìn tỷ đồng.

Trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/6/2022, thực hiện chính sách giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 ước thực hiện khoảng 900 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 6,6 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Bên cạnh đó, đến nay, Bộ Tài chính đã tạm cấp bổ sung kinh phí cho 29 địa phương với tổng kinh phí xấp xỉ 4,2 nghìn tỷ đồng để các địa phương thực hiện chính sách này.

Về chính sách gia hạn thuế, Bộ Tài chính cho biết, quy mô dự kiến khi xây dựng chính sách là 135 nghìn tỷ đồng; tính đến hết tháng 11 đã gia hạn các loại thuế ước khoảng 105,9 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 78,4% số dự kiến.

Trong đó, số tiền gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 khoảng 96,3 nghìn tỷ đồng (trong đó, số được gia hạn đã nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 76,33 nghìn tỷ đồng).

Song song, gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo Nghị định số 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 đạt khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, tính đến nay, chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% có quy mô giảm thuế lớn nhất, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 khoảng 36,7 nghìn tỷ đồng...

Ngoài ra, Bộ Tài chính dự kiến khi thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do COVID-19 năm 2022 sẽ giảm thu ngân sách khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính ước tính, cả năm 2022, thực hiện các giải pháp hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng. Trong đó, số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng.

Tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí

Theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, dù gặp rất nhiều khó khăn, song thu ngân sách nhà nước đã đạt những kết quả hết sức tích cực. Nguồn thu từ thuế, phí đã ngày càng bền vững và đảm bảo cho đầu tư phát triển, duy trì bộ máy, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và sự triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ của các cơ quan có liên quan…

Thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế,  Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành; tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế…

 

Bộ Tài chính cho biết, tại Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 22/9/2022, Chính phủ đã thống nhất dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19.

Ngày 6/10/2022, Chính phủ đã có báo cáo số 375/BC-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo Tờ trình số 288/TTr-BTC ngày 24/11/2022.