Năm 2022, tiết kiệm gần 54.000 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước

Bảo Thương

Sáng 11/5/2023, trình bày báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022 tại Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước (NSNN) đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số tiền tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày dự thảo báo cáo.

Sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, năm 2022, mặc dù bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên tất cả các lĩnh vực nhằm huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi KT-XH, phát triển bền vững; thực hiện nghiêm các quy định của Luật THTK, CLP.

Việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đồng bộ hơn theo hướng minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 12 luật, 6 nghị quyết; các bộ, ngành đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 602 văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành 7.465 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, định mức, chế độ mới.

Đáng chú ý, về quản lý, điều hành NSNN, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2022 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Chi NSNN năm 2022 ước đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 352,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Trong điều hành đã sử dụng 15,84 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và hỗ trợ cho các địa phương để đảm bảo xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh theo đúng quy định của Luật NSNN.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tổng hợp số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương được khoảng 716,9 tỷ đồng; tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ, ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng…

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là gần 54.000 tỷ đồng.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2022 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Lũy kế từ năm 2016 đến ngày 31/12/2022, cả nước đã mua mới 4.192 xe ô tô công, 183 phương tiện vận tải khác và 29.853 máy móc, thiết bị. Cơ sở Dữ liệu quốc gia về tài sản công tiếp tục được cập nhật vận hành có hiệu quả, tổng nguyên giá tài sản công đã cập nhật là 1,7 triệu tỷ đồng.

Về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước. Cả nước có 74.759 căn, nhà (phòng) công vụ với tổng diện tích là 2,3 triệu m2...

Đối với tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, các bộ, ngành trung ương giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương, 8 cục thuộc Tổng cục và thuộc Bộ, 145 vụ/ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ, 90% phòng trong vụ. Các địa phương giảm 7 sở và 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.

Lũy kế đến nay, 63 tỉnh/thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương. Cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Tinh giản biên chế giảm 79.057 người.

Tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định, tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm.

Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế...

Về nhiệm vụ, giải pháp THTK, CLP năm 2023, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”; tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

Quang cảnh Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp.

Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp tục cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, xây dựng Chính phủ số… Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể THTK, CLP năm 2023; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTK, CLP tại các bộ, ngành, địa phương.

Ngay sau phần báo cáo về kết quả THTK, CLP năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh đã trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho biết, tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chậm ban hành chương trình THTK, CLP tồn tại nhiều năm cho thấy thủ trưởng cơ quan tổ chức chưa coi trọng, chưa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về việc xây dựng, triển khai công tác THTK, CLP trong bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

“Đề nghị Chính phủ công khai danh sách bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình THTK, CLP năm 2022 và năm 2023 trên các phương tiện thông tin đại chúng; công khai và có hình thức xử lý đối với hành vi lãng phí, vi phạm quy định về THTK, CLP”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị trong báo cáo cần đánh giá mức độ lãng phí đối với Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; lãng phí trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vì hiện nay đang vướng cả về cơ chế lồng ghép, nguyên tắc lồng ghép, phân cấp, phân quyền…

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng phải cần được hoàn thiện, bám sát các kết luận của Trung ương, của Bộ Chính trị, các hội nghị của lãnh đạo chủ chốt về tình hình KT-XH 6 tháng cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trong đó nêu rõ ưu điểm, tồn tại, đề xuất giải pháp trong năm tới.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó, yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh THTK, CLP nhằm hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.