Năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ không tăng số cuộc kiểm toán

Yến Tâm

Sáng 14/06/2023, Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức cuộc họp trực tuyến cho ý kiến về định hướng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2024 của KTNN và công tác rà soát kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN phục vụ Phiên giải trình "Việc thực hiện kết luận, kiến nghị KTNN hết niên độ NSNN 2021" của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì cuộc họp.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn trình bày tóm tắt định hướng, hướng dẫn xây dựng KHKT đến 2030, qua đó, tiếp tục phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham những, lãnh phí, tiêu cực.

Theo đó, việc xây dựng KHKT phải dựa trên nguyên tắc:

- Đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định tại Điều 118 Hiến pháp năm 2013; tuân thủ Luật KTNN và các quy định của pháp luật; đảm bảo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KHKT trung hạn 2023-2025; phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN, và kế hoạch kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN. 

- Dự phòng chủ động nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao; đảm bảo phục vụ các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập trung kiểm toán những vấn đề nóng được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm; đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo với các cơ quan thanh tra, kiểm tra và trong ngành Kiểm toán; hạn chế tối đa ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan, địa phương, đơn vị được kiểm toán...

Về số lượng cuộc kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết, năm 2024, KTNN xác định không tăng số nhiệm vụ kiểm toán so với KHKT năm 2023, đồng thời phải đảm bảo: Kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương tối thiểu đạt 90% số Bộ, cơ quan Trung ương; kiểm toán ngân sách địa phương và quyết toán ngân sách địa phương tối thiểu đạt tỷ lệ 90% số địa phương; kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin tối thiểu đạt tỷ lệ 27% tổng số nhiệm vụ của năm.

Về định hướng xây dựng kế hoạch kiểm toán trung và dài hạn 2024-2026, sẽ tăng hàng năm số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan Trung ương, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương và các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin; cơ bản duy trì ổn định so với năm 2023 về số lượng các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, dự án đầu tư, doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng, an ninh, quốc phòng. Dự kiến tổng số cuộc kiểm toán hàng năm ổn định so với KHKT năm trước liên kề, chỉ tăng đối với các nhiệm vụ kiểm toán ưu tiên theo mục tiêu Chiến lược.

Trên cơ sở KHKT trung hạn 2023-2025 và định hướng xây dựng KHKT năm 2024, các đơn vị xây dựng KHKT trung hạn 2024-2026 lựa chọn các chủ đề, nhiệm vụ kiểm toán phù hợp, trong đó lưu ý đối với lựa chọn chủ đề để tổ chức kiểm toán toàn Ngành hoặc có nhiều đơn vị tham gia. Dự thảo kế hoạch cũng xác định một số cuộc kiểm toán thường xuyên hoặc định kỳ trong KHKT trung hạn 2024-2026 .

Các đơn vị đã thành lập phòng kiểm toán hoạt động, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin lựa chọn tối thiểu 02 chủ đề kiểm toán/năm để tổ chức thực hiện trong KHKT 2024 và xây dựng KHKT trung hạn 2024-2026.