Năm APEC 2017 và 4 kỳ vọng của Việt Nam

PV.

Ngay sau Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp (SOM) APEC và các hoạt động liên quan, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ tịch các SOM APEC 2017 đã chủ trì buổi Họp báo đầu tiên của Việt Nam về Năm APEC 2017.

Quang cảnh Họp báo về Năm APEC Việt Nam 2017.
Quang cảnh Họp báo về Năm APEC Việt Nam 2017.
Tham dự buổi họp báo còn có: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, Phó trưởng Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa, Ủy ban Quốc gia APEC 2017; Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard; Chủ tịch SOM APEC Peru 2016 Luis Quesada và Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC 2017 Hoàng Văn Dũng.

Trọng tâm đối ngoại và kỳ vọng của Việt Nam

Thông tin chính thức về APEC được giới thiệu đầy đủ tại Website www.apec2017.vn. Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 là đầu mối cung cấp thông tin. Đặc biệt, nhằm giới thiệu tới các địa phương, doanh nghiệp và người dân những thông tin đầy đủ hơn về Diễn đàn APEC cũng như tham gia và đóng góp của Việt Nam cho Diễn đàn, đặc biệt là về Năm APEC 2017, Bộ Ngoại giao đã xuất bản cuốn sách “Năm APEC Việt Nam 2017: Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung – 50 điều cần biết”. Đây sẽ là tài liệu hữu ích đối với các bạn trong việc triển khai công tác thông tin, quảng bá cho các hoạt động của APEC trong năm tới.

Trả lời phỏng vấn báo chí về kỳ vọng của Việt Nam trong lần thứ hai đăng cai tổ chức năm APEC 2017, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại trong giai đoạn nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, khẳng định mong muốn của Việt Nam vào việc xây dựng, định hình các cơ chế hợp tác đa phương, trong đó có Diễn đàn APEC. Đăng cai tổ chức năm APEC 2017, Việt Nam có 4 kỳ vọng lớn:

Một là, đóng góp thiết thực vào tiến trình của APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất, hiệu quả hơn. Then chốt là hoàn tất các mục tiêu về tự do hóa thương mại, đầu tư vào năm 2020.

Hai là, nâng cao vị thế APEC là Diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng, hình thành liên kết khu vực sâu rộng, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Ba là, tăng cường tình hữu nghị, quan hệ đối tác với các thành viên APEC. Doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

Bốn là, quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại cơ hội phát triển, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, qua APEC 2017, Việt Nam sẽ học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về Diễn đàn APEC.

5 kết quả nổi bật đạt được từ Hội nghị không chính thức các Quan chức cao cấp APEC

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) diễn ra trong hai ngày 8-9/12/2016 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:

Thứ nhất, đó là sự tham gia đông đảo của các đại biểu với hàng trăm chuyên gia, học giả, đại diện tập đoàn, lãnh đạo các bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố của Việt Nam. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã đến dự và phát biểu chỉ đạo về Năm APEC 2017. Điều này cho thấy, sự hấp dẫn của diễn đàn cũng như kỳ vọng cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam với tư cách chủ nhà APEC 2017.

Thứ hai, đó còn là sự ủng hộ và đánh giá cao của các nền kinh tế thành viên chủ đề và ưu tiên Việt Nam đề xuất cho năm APEC 2017. Các đại biểu đã đóng góp ý kiến thực chất, sâu sắc về các hướng ưu tiên này, cho rằng các ưu tiên đó thể hiện đúng các quan tâm của các nền kinh tế, phù hợp với tình hình hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển, xử lý các thách thức cấp bách trong khu vực.

Thứ ba, trên cơ sở chủ đề và hướng ưu tiên, Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC lần này đã thống nhất về lịch hoạt động của năm APEC 2017.

Thứ tư, dấu ấn trong chuỗi các hoạt động Hội nghị ISOM vừa qua là Đối thoại APEC với doanh nghiệp, sự kiện này đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp APEC, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp châu Á – Thái Bình Dương và các doanh nghiệp trong nước. Nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi tại diễn đàn đã góp phần làm nội dung hợp tác và hoạt động của năm APEC 2017 phong phú thiết thực hơn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ năm, kết quả đạt được từ Hội nghị ISOM đã cho thấy, sự sẵn sàng của Việt Nam trong tổ chức Năm APEC 2017 và kỳ vọng năm APEC 2017 sẽ đạt nhiều kết quả về nội dung cũng như cách thức tổ chức.

Mang đến cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, là chủ nhà, Việt Nam dự kiến sẽ đón hàng chục nghìn đại biểu và tổ chức khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ trên khắp cả nước, mở ra những cơ hội lớn cho các địa phương, doanh nghiệp nước ta đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền với các đối tác APEC và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Năm APEC 2017 cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, kết nối với các đối tác chiến lược tiềm năng, hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới..; đồng thời thúc đẩy các vấn đề quan tâm thông qua tham gia hợp tác, đối thoại của APEC.

Để tận dụng cơ hội này, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị, các tỉnh, thành phố cần chuẩn bị chu đáo, đặc biệt chủ động chuẩn bị về cơ sở vật chất, chỉnh trang đô thị, đào tạo đội ngũ tham gia công tác tổ chức, lễ tân hậu cần, chuẩn bị các ấn phẩm để quảng bá các tiềm năng, thế mạnh của vùng miền, thông tin cho các doanh nghiệp và người dân về các lợi ích, cơ hội của Năm APEC 2017.

Về vấn đề này, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC 2017 cho hay: Trong 10 năm, từ Năm APEC 2006 đến nay, Việt Nam đã hợp tác ngày càng sâu rộng trong khu vực và đặc biệt là với các nền kinh tế APEC.

Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng dự kiến sẽ có mặt khoảng 1.000 doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm đối tác, tìm hiểu những kinh nghiệm kỹ thuật mới, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như hiệu quả của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phổ biến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tăng cường khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp bên ngoài khi mở cửa. Việc này cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là trong việc xây dựng hệ thống luật pháp minh bạch, rõ ràng.

Một điều đáng quan tâm hiện nay, đó là làm sao hỗ trợ tìm được nguồn đầu tư mới hơn, có hiệu quả và chất lượng, mang lại giá trị thặng dư cao hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt. 

 “Hiện nay, chúng ta đang sống trong thế kỷ hội nhập, kỹ thuật số. Do đó, cần có giải pháp để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cơ hội về kỹ thuật số, để tìm kiếm các đối tác. Bởi nếu chúng ta hợp tác trong khu vực chỉ có đầu tư nước ngoài có lợi mà không vươn lên, chúng ta sẽ bị lạc hậu”, ông Hoàng Văn Dũng nói.