Nâng cao chất lượng hoạt động Kho bạc Nhà nước qua giám sát từ xa
Quy chế giám sát từ xa các hoạt động Kho bạc Nhà nước nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong giám sát từ xa của toàn hệ thống và kịp thời phòng ngừa rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Kho bạc Nhà nước các cấp.
Sử dụng nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số hiện đại
Mới đây, Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Trần Quân đã ký phê duyệt Quyết định số 4223/QĐ-KBNN ban hành quy chế giám sát từ xa các hoạt động KBNN. Theo đánh giá của KBNN, việc ban hành quy chế giám sát từ xa các hoạt động KBNN nhằm tạo đà vững chắc cho việc mở rộng hoạt động giám sát từ xa trong hệ thống KBNN; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong giám sát từ xa các hoạt động KBNN và kịp thời phòng ngừa rủi ro, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động KBNN các cấp.
Hơn nữa, đây cũng là cơ sở quan trọng để KBNN tiếp tục đẩy mạnh việc giám sát đầy đủ, toàn diện hoạt động KBNN trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số hiện đại trong thời gian sắp tới; từng bước đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát trong hệ thống KBNN. Công tác này được thực hiện theo yêu cầu của Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã được phê duyệt về việc áp dụng phương thức quản trị hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, lãnh đạo KBNN đã đề ra những yêu cầu nghiêm ngặt về giám sát từ xa để tránh gây ảnh hưởng đến các hoạt động khác của KBNN. Hoạt động này sẽ phải bảo đảm tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và KBNN; bảo đảm tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện giám sát từ xa. Công việc này cần bảo đảm tính chủ động, thường xuyên, liên tục, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ; không làm cản trở hoạt động bình thường của KBNN các cấp.
Đặc biệt, theo KBNN, hoạt động giám sát từ xa cần sử dụng tối đa công nghệ thông tin (phần mềm, ứng dụng, thiết bị chuyên dụng, email, điện thoại…) để nâng cao hiệu quả phối hợp và tăng cường chất lượng giám sát từ xa.
Việc giám sát từ xa cũng được xây dựng nhằm theo dõi, nắm bắt, xem xét, đánh giá việc tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và KBNN trong các hoạt động KBNN nhằm đảm bảo đúng mục đích, đúng quy định và hiệu quả. Công tác này cũng giúp kịp thời phát hiện tồn tại, sai sót, vi phạm hoặc nghi ngờ tồn tại, sai sót, vi phạm trong các hoạt động KBNN; kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định, quy chế, quy trình nghiệp vụ KBNN đảm bảo phù hợp với thực tiễn; kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn chặn, có biện pháp quản lý phù hợp.
Theo KBNN, hoạt động giám sát từ xa là cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất có trọng tâm, trọng điểm. Đây cũng là một trong những căn cứ để nhận xét, đánh giá, xếp loại, bình xét thi đua, khen thưởng tháng/quý/năm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan. Qua đó, các đơn vị trong KBNN sẽ từng bước đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát.
11 nội dung giám sát từ xa
Quy chế giám sát từ xa các hoạt động KBNN có 11 nội dung thực hiện giám sát từ xa, bao gồm: hoạt động giao nhận, giải quyết thủ tục hành chính KBNN thực hiện qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến; nghiệp vụ kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác qua KBNN theo quy định của pháp luật; nghiệp vụ kế toán ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước, tổng kế toán nhà nước; hoạt động giao dịch, thanh toán trong và ngoài hệ thống KBNN; nghiệp vụ quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước; nghiệp vụ quản lý an toàn kho quỹ; công tác quản lý tài chính, tài sản và xây dựng cơ bản nội ngành; công tác công nghệ thông tin; công tác tổ chức cán bộ; công tác thanh tra, kiểm tra; các mặt hoạt động khác.
Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, KBNN sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất trong toàn hệ thống từng nội dung giám sát từ xa. Quyết định số 4223/QĐ-KBNN đã nêu rõ quy định về hoạt động giám sát từ xa với những trình tự cụ thể. Công tác này sẽ được thực hiện từ việc thu thập thông tin, tài liệu, dữ liệu cho đến việc phân tích, đánh giá thông tin, tài liệu, dữ liệu để đánh giá việc chấp hành của cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc giám sát từ xa cũng thực hiện thông qua kiểm tra, xác minh trực tiếp thông tin (nếu có nghi vấn), xác định nguyên nhân và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị.
Quy chế giám sát từ xa các hoạt động KBNN gồm 4 Chương, 13 Điều, quy định mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi, trình tự giám sát từ xa các hoạt động KBNN; quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị trong hệ thống KBNN khi thực hiện giám sát từ xa các hoạt động KBNN.
Cuối cùng là lập báo cáo kết quả giám sát từ xa hoặc báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất các biện pháp quản lý.
Theo Quyết định số 4223/QĐ-KBNN, giám sát từ xa trong hệ thống KBNN là sự theo dõi, quan sát mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dùng và hệ thống báo cáo nghiệp vụ để xem xét, đánh giá tình hình triển khai các hoạt động KBNN, qua đó phát hiện, cảnh báo rủi ro có thể xảy ra, giúp lãnh đạo KBNN các cấp có biện pháp quản lý phù hợp. Nguồn thông tin, tài liệu, dữ liệu giám sát từ xa là toàn bộ thông tin, tài liệu, dữ liệu trên hệ thống công nghệ thông tin KBNN; thông tin từ hệ thống báo cáo nghiệp vụ KBNN; thông tin, dữ liệu từ thiết bị chuyên dùng và các nguồn khác.
Chủ thể giám sát từ xa là đơn vị được giao nhiệm vụ giám sát từ xa hoạt động KBNN các cấp, gồm KBNN (các đơn vị thuộc cơ quan KBNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao), KBNN tỉnh (các phòng thuộc KBNN theo chức năng, nhiệm vụ được giao). Đối tượng giám sát từ xa là các đơn vị chịu sự giám sát của chủ thể giám sát từ xa, gồm các đơn vị thuộc cơ quan KBNN, KBNN tỉnh (các phòng thuộc KBNN tỉnh) và KBNN huyện.