Nâng cao chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư đối với doanh nghiệp
Với các công ty, đặc biệt là với doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) nếu được triển khai bài bản hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích bền vững cho doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, nếu xem nhẹ IR, thậm chí triển khai theo hình thức, thì không những không mang lại lợi ích mà thậm chí doanh nghiệp còn phải đối mặt với những tác động tiêu cực không mong muốn. Để nâng cao chất lượng IR doanh nghiệp cần rà soát và lựa chọn kênh thông tin phù hợp cho các đối tượng. Trong xây dựng, định hướng phát triển chính sách và quy trình công bố thông tin, doanh nghiệp nên hướng đến tổ chức các sự kiện dành riêng cho nhà đầu tư, tổ chức, các chuyên gia quan tâm tới cổ phiếu của công ty.
Hoạt động quan hệ nhà đầu tư là gì?
Giáo sư Paul Argenti định nghĩa: Hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) là tất cả các hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp (DN) với nhà đầu tư (NĐT), nhằm thỏa mãn cung - cầu về thông tin mang lại lợi ích cho cả hai bên. Nói cách khác, IR là hoạt động chuyên biệt trong hoạt động quan hệ công chúng (PR) của DN bao gồm 2 nghiệp vụ tài chính và truyền thông với vai trò: Xây dựng chiến lược cổ đông, công bố thông tin, là cầu nối giữa DN với NĐT và quảng bá hình ảnh DN.
Giá cổ phiếu của một DN là do NĐT quyết định mà thông tin chính là nền tảng cho mọi quyết định của NĐT. Vì vậy, hoạt động IR phải đảm bảo cung thông tin (công bố thông tin theo yêu cầu của NĐT) và cầu thông tin (hiểu nhu cầu thông tin của NĐT hay những NĐT tiềm năng). Muốn làm tốt điều này, hoạt động IR phải giải quyết được 3 vấn đề gây mất cân đối cung - cầu thông tin sau: Thông tin không đủ, thông tin không rõ ràng, thông tin tới sai đối tượng mà điều kiện cần của hoạt động này là cam kết của Ban giám đốc DN, chiến lược cổ đông và nhân sự.
Những lợi ích của hoạt động quan hệ nhà đầu tư đối với doanh nghiệp
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, quan hệ NĐT, quyền lợi NĐT/cổ đông được quan tâm sẽ mang lại giá trị cho DN. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc tăng vốn, giúp tăng khả năng tiếp cận NĐT, quản lý và theo dõi giá cổ phiếu, đặc biệt là đảm bảo DN tạo được vị thế tốt trên thị trường chứng khoán và các bên liên quan.
Theo nghiên cứu của Markovich (2016), quan hệ NĐT đối với DN được thể hiện ở 4 khía cạnh: (i) Cam kết của DN cũng như lãnh đạo DN đến vấn đề quản trị công ty; (ii) Nâng cao hình ảnh DN, góp phần thu hút vốn trên thị trường chứng khoán từ các NĐT tiềm năng; (iii) Đảm bảo tuân thủ với các quy định của thị trường chứng khoán về công bố thông tin và minh bạch cũng như đảm bảo quyền lợi cho các NĐT/cổ đông; (iv) Giúp các DN dần đáp ứng được các yêu cầu, cũng như đối mặt với các cạnh tranh của các nền kinh tế/thị trường ngày càng hội nhập sâu rộng.
Nhận thức được tầm quan trọng của quan hệ NĐT, các DN ngày càng đầu tư và linh hoạt hơn trong mối quan hệ với các NĐT/cổ đông hiện hữu và các NĐT tiềm năng.
Thực tế cho thấy, IR có vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch, giá trị DN, cũng như niềm tin trong công chúng đầu tư. Một chiến lược IR hiệu quả không những thu hút vốn đầu tư vào DN mà còn gián tiếp nâng cao giá trị cho công ty. Do đó, NĐT thường trả giá cao hơn những giá trị vô hình như sự hài lòng, uy tín của DN. Phát triển IR để xây dựng niềm tin nhằm thu hút các NĐT, các nguồn vốn tốt và dài hạn; cải thiện và tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu, đồng thời phản ánh đúng giá trị thực của công ty, ngăn ngừa rủi ro và kiểm soát tốt khủng hoảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà IR mang lại cho DN, hoạt động này còn một số khó khăn, hạn chế như:
Một là, phần lớn IR hiện được tổ chức chưa chuyên nghiệp, còn bị động, chủ yếu là công bố thông tin theo quy định pháp luật. Hoạt động IR chỉ diễn ra tại đại hội cổ đông, còn thiếu vắng các hoạt động với NĐT giữa 2 kỳ đại hội. Ban Giám đốc quá bận rộn và không dành nhiều thời gian cho IR. Thông tin trên website của DN mặc dù đã có mục IR nhưng vẫn chưa được cập nhật thường xuyên. DN gặp khó khăn khi tiếp NĐT nước ngoài, do thiếu nhân sự chuyên trách. Văn hóa đối thoại và cách hành xử công bằng trong việc cung cấp thông tin tới cổ đông, NĐT cũng chưa được coi trọng.
Hai là, hoạt động IR cũng chưa thể hiện được sự minh bạch và chuyên nghiệp. Thực trạng này thể hiện qua các hành vi như: Việc che giấu thông tin, chỉ đưa thông tin một chiều; thông tin không được công bố rộng rãi, công khai, đầy đủ, chính xác; không cập nhật thông tin thường xuyên hoặc theo định kỳ… IR không chuyên nghiệp thể hiện qua việc DN ít giao tiếp, chưa tạo được mối quan hệ tốt với NĐT; không phản hồi kịp thời ý kiến của cổ đông, NĐT…
Ba là, thực trạng minh bạch thông tin của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn bộc lộ không ít hạn chế.
Tình trạng vi phạm hành chính về công bố và minh bạch thông tin hiện nay vẫn tăng cao. Giai đoạn 2010 - 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành hơn 1.000 quyết định xử phạt các DN vi phạm hành chính trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 214 quyết định xử phạt, năm 2018 con số này tăng lên 397 trường hợp. Số lượng vi phạm về báo cáo và công bố thông tin luôn chiếm trên 50% tổng số vi phạm bị xử phạt. Các lỗi vi phạm phổ biến của DN về minh bạch thông tin gồm: Công bố thông tin, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; công bố thông tin không chính xác, đầy đủ; không công bố thông tin, báo cáo các thông tin quan trọng, bất thường... Những vi phạm này đã ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của NĐT, nhất là các NĐT nhỏ lẻ.
Bốn là, báo cáo tài chính ở một số DN chất lượng còn hạn chế. Việc công bố báo cáo tài chính của DN còn chậm, phải xin gia hạn. Số liệu tại báo cáo tài chính còn sai sót. Lý giải việc chậm công bố thông tin báo cáo tài chính, nhiều DN thường đưa lý do khách quan như công tác kế toán, kiểm toán cần có thời gian dài; công ty con, công ty liên kết chưa phải công ty đại chúng, hoặc gặp trục trặc trong quá trình làm việc với kiểm toán... Một số DN niêm yết vẫn chưa chủ động công khai các thông tin về tình hình hoạt động, sử dụng vốn, quản trị công ty...
Năm là, chất lượng quản trị công ty còn thấp so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. Trên thực tế, các DN trên thị trường, kể cả DN niêm yết có quy mô lớn mới chỉ dừng lại ở mức tuân thủ các quy định, chưa thực sự chủ động hướng tới việc cải thiện chất lượng quản trị công ty để nâng cao hoạt động, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông. Thực tế cho thấy, không ít công ty chưa thực hiện đầy đủ theo quy định về các vấn đề như: một số thủ tục về tổ chức đại hội đồng cổ đông còn thiếu sót (tài liệu họp thiếu phiếu biểu quyết, việc lập danh sách cổ đông có quyền dự họp đại hội đồng cổ đông được lập không sớm hơn 5 ngày trước ngày gửi giấy mời họp); cơ cấu và tư cách thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) chưa đáp ứng quy định 1/3 thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập áp dụng cho công ty niêm yết; thủ tục thông qua các nghị quyết của HĐQT, tiêu chuẩn thành viên ban kiểm soát chưa đáp ứng quy định...
Sáu là, việc sử dụng vốn thu được từ các đợt chào bán còn một số tồn tại, vi phạm chủ yếu liên quan đến giải tỏa số tiền thu được từ đợt chào bán trước khi có thông báo bằng văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thay đổi phương án sử dụng vốn không báo cáo, công bố thông tin theo quy định. Những hạn chế trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Quy định pháp luật về công bố thông tin chưa hoàn chỉnh; ý thức tuân thủ các quy định của một số tổ chức, cá nhân tham gia thị trường còn chưa đầy đủ; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh… Do đó, cần có giải pháp khả thi, đồng bộ để khắc phục những hạn chế này nhằm góp phần nâng cao chất lượng IR trong thời gian tới.
Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động quan hệ nhà đầu tư
Để nâng cao chất lượng IR, trong các DN cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần có sự vào cuộc của cả DN lẫn cơ quan quản lý. Về phía DN, HĐQT cần thể hiện cam kết cao để hướng công ty đến một văn hóa đối thoại cởi mở hơn với các cổ đông, NĐT tiềm năng, các chuyên viên phân tích và báo chí. DN cần xác định các nhóm NĐT: Hiện tại và tương lai, tổ chức và cá nhân, trong nước và ngoài nước. Trên cơ sở này phân tích và hiểu rõ đặc điểm, kỳ vọng của từng nhóm NĐT. Từ đó, phân loại thông tin và xác định rõ nhu cầu thông tin theo từng nhóm đối tượng bao gồm NĐT, cơ quan quản lý và các bên có liên quan...
Thứ hai, DN cần thành lập bộ phận IR chuyên trách, quán triệt rõ với nội bộ về tầm quan trọng của IR, quyền hạn và những hỗ trợ cần thiết; Rà soát và cập nhật lại các tài liệu, báo cáo, ấn phẩm marketing và truyền thông; Cần có sự thống nhất và xuyên sốt về các thông điệp chính, nội dung đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của từng nhóm đối tượng.
Cùng với việc rà soát và lựa chọn kênh thông tin phù hợp cho các đối tượng, phát triển chính sách và quy trình công bố thông tin, DN nên hướng đến tổ chức các sự kiện dành riêng cho các NĐT, tổ chức, các chuyên gia phân tích quan tâm tới cổ phiếu của công ty. DN cần lên kế hoạch cụ thể, lịch công bố thông tin định kỳ cùng các hoạt động IR cho cả năm, trong đó bao gồm ngân sách và nguồn lực. Đồng thời, thường xuyên rà soát kế hoạch và hoạt động IR, theo dõi và tiếp nhận những phản hồi từ thị trường và NĐT, để có những hiệu chỉnh kịp thời và quản trị tốt rủi ro.
Thứ ba, để nâng cao chất lượng hoạt động IR nói riêng, minh bạch thông tin nói chung, một số công ty niêm yết có vốn hóa lớn bắt buộc phải công bố thông tin bằng tiếng Anh, áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đối với các công ty đại chúng... Bên cạnh đó, cần đưa các nội dung này vào là những quy định bắt buộc tại Luật Chứng khoán nhằm đảm bảo phù hợp với thị trường cũng như tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trước hết là cho lãnh đạo DN về tuân thủ yêu cầu minh bạch công bố thông tin, về vai trò và các nguyên tắc quản trị, làm cơ sở cho quá trình thực hành quản trị, tuân thủ, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, cải thiện quan hệ NĐT... Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các cấp lãnh đạo DN về công bố thông tin, quản trị công ty, giúp họ nhận thức đầy đủ và tự nguyện hướng DN áp dụng theo những nguyên tắc quản trị tốt nhất.
Thứ năm, cùng với tăng cường công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm nhằm đảm bảo tính kỷ luật và lòng tin của thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng quản trị công ty. Khuyến khích các DN tham gia các cuộc bình chọn, đánh giá sự minh bạch do các tổ chức có chuyên môn thực hiện...
Tóm lại, thành công trong việc nâng cao chất lượng IR không chỉ mang lại những lợi ích cho bản thân các DN niêm yết, mà còn góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó giúp thị trường ngày càng thu hút có hiệu quả hơn các dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào DN thông qua thị trường chứng khoán.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Chứng khoán;
2. Nghị định số 145/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
3. Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;
4. Thông tư số 36/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 217/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán;
5. Thông tư số 95/2017/TT-BTC ngày 22/9/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 71/2017/NĐ-CP ngày 6/6/2017 của Chính phủ hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng;
6. Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 6/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
7. Các website: www.ssc.gov.vn, www.dtck.vn.