Nâng cao hiệu quả quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh
Ngành Thuế sẽ tìm phương thức mới trong quản lý thuế hộ kinh doanh để phù hợp với sự phát triển của kinh tế, xã hội; đồng thời đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến tháng 8/2024, cả nước có 3,24 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, số lượng hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định, kinh doanh thường xuyên là 2,03 triệu hộ (trong đó hộ khoán là 1,95 triệu và 80 nghìn hộ kê khai).
Ngoài ra, còn có một số lượng nhất định các cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh, cá nhân cho thuê tài sản, cá nhân kinh doanh nộp thuế qua tổ chức khai - nộp thuế thay.
Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, nhóm hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh có số lượng lớn, đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội…
Trong thời đại nền kinh tế số, hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh cũng phát triển nhanh chóng không chỉ hoạt động theo mô hình truyền thống (có cửa hàng, cửa hiệu, địa điểm kinh doanh cố định, chủ hộ kinh doanh thường là các hộ gia đình, hoạt động trong phạm vi địa bàn nơi cư trú của cá nhân) mà còn phát triển mạnh mẽ với nhiều hình thức kinh doanh mới như: thương mại, hợp tác kinh doanh với tổ chức, kinh doanh trong mô hình kinh tế chia sẻ, kinh doanh cung cấp dịch vụ nội dung thông tin số xuyên biên giới...
Điều này đòi hỏi ngành Thuế cần có phương thức mới trong quản lý thuế hộ kinh doanh phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội, hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời đồng hành, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình được đầy đủ, nhanh chóng và thuận tiện nhất.
Tại Hội nghị về đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 1/10 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn yêu cầu, cơ quan thuế các cấp cần tập trung đánh giá công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; biện pháp quản lý sử dụng hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh, đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Cùng với đó, các cục thuế cần trao đổi, thảo luận về các vướng mắc, khó khăn cũng như bài học kinh nghiệm, từ đó thống nhất đưa ra các kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đẩy mạnh giải pháp triển khai hóa đơn điện tử đối với khu vực hộ, cá nhân kinh doanh; quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Được biết, thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi và phát triển bền vững đến năm 2025, ngành Thuế đã đề xuất, tham mưu trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ sửa đổi về công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, các văn bản hướng dẫn thi hành luật để đáp ứng mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm dần sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp.