Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm thủ công mỹ nghệ
Cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ sẽ mang lại lợi nhuận gấp 5-10 lần so với ngành khai thác. Dự báo, đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đạt 4 tỷ USD. Chính vì vậy, việc nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang được các doanh nghiệp chú trọng.
Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn (TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm sơn mài truyền thống, nhờ tham gia áp dụng phương pháp 5S và Kaizen đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Nhớ lại những ngày đầu tham gia vào Chương trình “nâng cao năng suất chất lượng”, Lãnh đạo công ty cho biết, Công ty đã được các chuyên gia của dự án tư vấn các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, trong đó tập trung vào công cụ 5S và Kaizen.
5S là công cụ đầu tiên được chuyên gia giới thiệu đến cho tất cả các thành viên trong xưởng, từ cấp tổ trưởng đến công nhân của Công ty Tư Bốn để có thể sàng lọc, sắp xếp cho sạch sẽ. Các kệ chứa trước đây được đóng thêm bánh xe, các xe đẩy cũng được đóng mới để di chuyển nguyên vật liệu từ vị trí này sang vị trí khác.
Kaizen, 5S giúp doanh nghiệp này đem lại hiệu quả ngay lập tức, ngoài ra còn tận dụng được nguồn lực nội bộ với chi phí đầu tư thấp. Đây được coi là tiền đề cho việc phát triển bền vững trong tương lai, nâng cao hiệu quả quản lý, tiết giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động.
Sau khi áp dụng chương trình này, công việc của các thành viên giờ trở nên dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn, năng suất mỗi lần vận chuyển sẽ nhiều hơn. Những cải tiến nhỏ này đã khơi dậy được khả năng sáng tạo tiềm tàng của các thành viên trong Công ty, từ đó tự cải tiến được các công việc trong quá trình sản xuất và giúp nâng cao được năng suất, chất lượng và cải thiện được mức sống. Nhờ áp dụng thành công 5S và Kaizen, hiệu quả sản xuất đã được nâng lên, góp phần tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm.
Nhờ những những mô hình như Công ty TNHH MTV Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn và với mong muốn những cải tiến nhỏ như vậy sẽ khơi dậy được khả năng sáng tạo tiềm tàng của các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, nên với Nhiệm vụ “Hướng dẫn áp dụng Kaizen, 5S và một số giải pháp thân thiện môi trường của năng suất xanh cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ Việt Nam - Mã số 03.7/NSCL-2022”, thuộc Chương trình năng suất Quốc gia 1322 do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 (SMEDEC 2) chủ trì triển khai đã và đang gặt hái được những kết quả bằng những mô hình cụ thể tại doanh nghiệp.
Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững cho giai đoạn 2021 – 2030. Trung tâm SMEDEC 2 tiếp tục được Bộ KH&CN giao chủ trì triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình 1322 hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp thông qua việc hướng dẫn áp dụng Kaizen, 5S và một số giải pháp thân thiện môi trường của năng suất xanh cho doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ; và áp dụng công cụ MFCA (Kiểm soát chi phí dòng nguyên liệu) với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng, giảm thiểu tác động môi trường.
Doanh nghiệp tham gia chương trình bao gồm hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, thuỷ sản, đồ gỗ, may mặc, cơ khí… tại các khu công nghiệp. Áp dụng kết hợp Kaizen, 5S và các giải pháp năng suất xanh: mọi loại hình doanh nghiệp (trừ quy mô siêu nhỏ), hoạt động trong lĩnh vực Thủ công mỹ nghệ như gốm sứ, mây tre lá, vải, gỗ,… Ưu tiên các doanh nghiệp thuộc làng nghề hoặc hoạt động trong các khu công nghiệp.