Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khu công nghiệp

TS. Vũ Thanh Nguyên - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ThS. Phạm Quang Đại - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Trách nhiệm xã hội là một trong 3 nội dung quan trọng của phát triển bền vững doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng cũng là các tác nhân gây ảnh hưởng lớn nhất đến môi trường sinh thái từ chính hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Trong bối cảnh phát triển bền vững bao trùm, triển khai tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khu công nghiệp không những sẽ giúp cho doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược liên quan đến kinh doanh và các vấn đề xã hội.

Phát triển bền vững và những vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Phát triển bền vững của doanh nghiêp (DN) được hiểu là việc áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu của DN và các bên liên quan hiện tại như khách hàng, người lao động... đồng thời bảo vệ, duy trì và tăng cường nguồn nhân lực cùng tài nguyên thiên nhiên sẽ cần trong tương lai. Đây là một trong những mục tiêu dài hạn, thể hiện tầm nhìn chiến lược của DN. DN có thể có nhiều hướng đi để thực hiện được mục tiêu này như chú trọng vấn đề bình đẳng giới, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, quản lý an toàn và sức khỏe môi trường, quản lý chuỗi cung ứng có trách nhiệm... Mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có các giải pháp phát triển một cách bền vững riêng, nhưng cốt lõi chung của một DN bền vững chính là phải cân bằng được cả 3 yếu tố về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Đối với các DN trong khu công nghiệp (KCN) chủ yếu là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Đây là nhóm DN có những ưu thế nhất định, đóng góp lớn cho GDP của Việt Nam, song những tác động đến môi trường xã hội của nhóm các DN này không nhỏ. Chính vì vậy, để đảm bảo hiệu quả phát triển của các DN này trong bối cảnh hiện nay cần chú trọng đến yếu tố môi trường và xã hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh của họ thông qua việc nâng cao thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) đối với các bên liên quan.

Trách nhiệm xã hội và mối quan hệ với các bên của doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Thuật ngữ TNXH của DN xuất hiện chính thức lần đầu tiên năm 1953 trong cuốn sách “TNXH của doanh nhân” (Social Responsibilities of the Businessmen) của tác giả Howard Rothmann Bowen nhằm mục đích tuyên truyền và kêu gọi người quản lý tài sản không làm tổn hại đến các quyền và lợi ích của người khác, kêu gọi lòng từ thiện nhằm bồi hoàn những thiệt hại do các DN làm tổn hại cho xã hội. Từ đó đến nay, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về TNXH đã được hình thành. Mỗi tổ chức, công ty, chính phủ nhìn nhận TNXH dưới những góc độ riêng và quan điểm riêng, phụ thuộc vào điều kiện, đặc điểm và trình độ phát triển của DN. Trong báo cáo chuyên đề chính sách công về TNXH, Ngân hàng Thế giới (2003) xác định: “TNXH của DN và sự cam kết của DN đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững, thông qua những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng xung quanh và toàn xã hội, theo cách có lợi cho cả DN cũng như phát triển chung của xã hội”. Quan điểm của Ngân hàng Thế giới cũng trùng khớp với khái niệm TNXH của I.Maignan, O.C. Ferrell (2004) hay P.Kotler, N.Lee (2008) khi coi TNXH là nhằm tạo ra và cân bằng các lợi ích khác nhau của những cá nhân và tổ chức liên quan và cải thiện phúc lợi cộng đồng thông qua các hoạt động kinh doanh tự nguyện và sự đóng góp các nguồn lực của DN. Tuy nhiên, dù cách thể hiện hình thức, diễn đạt ngôn từ có khác nhau, song nội hàm phản ánh của TNXH về cơ bản đều có điểm chung là bên cạnh những lợi ích phát triển riêng của từng DN phù hợp với pháp luật hiện hành thì đều phải gắn kết với lợi ích phát triển chung của cộng đồng xã hội.

Như vậy, một cách tổng thể, TNXH của DN là phạm trù phản ánh sự nhận thức và hành động vì mục tiêu lợi ích, giá trị xã hội của một chủ thể DN theo bổn phận là một thành viên xã hội.

Các DN nói chung và DN trong các KCN nói riêng, trong quá trình hoạt động, phải chịu nhiều sức ép từ các bên liên quan như: cổ đông, khách hàng, người lao động, Chính phủ... đặc biệt, đối với mỗi bên liên quan, DN cần phải có những trách nhiệm khác nhau, bao gồm trách nhiệm kinh tế, luật pháp, đạo đức, nhân đạo. Mặc dù vậy, nguồn lực của DN là hữu hạn, DN không thể cùng một lúc thực hiện đầy đủ tất cả các trách nhiệm, làm thỏa mãn tất cả các bên liên quan. Do đó, việc thực hiện TNXH của DN sẽ cần phải có sự điều chỉnh và thay đổi theo từng thời điểm, căn cứ theo kết quả của việc sắp xếp thứ tự, tầm quan trọng và tính cấp bách từ yêu cầu của mỗi đối tượng chủ quan. 4 bên liên quan quan trọng của DN trong KCN, bao gồm: Chính phủ, người lao động, khách hàng và cộng đồng (Hình 1).

Hình 1: Nội dung trách nhiệm xã hội gắn với các bên liên quan của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả
Hình 1: Nội dung trách nhiệm xã hội gắn với các bên liên quan của doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong khu công nghiệp với các bên liên quan ở Việt Nam

TNXH của các DN trong KCN được thể hiện với 4 bên liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là:

Trách nhiệm xã hội đối với Chính phủ

TNXH đối với Chính phủ được thực hiện thông qua chủ yếu nghĩa vụ nộp thuế. Hiện nay, tại Việt Nam, hầu hết các DN trong KCN là các DN FDI. Trong thời gian qua, sự gia tăng hoạt động của các DN này tại Việt Nam kéo theo nghĩa vụ thuế gia tăng. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DN FDI năm 2021 có sự tăng trưởng với doanh thu đạt 8.567.847 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2020, lợi nhuận sau thuế là là 366.222 tỷ đồng, tăng 83.585 tỷ đồng, tương đương 29,6%. Số nộp ngân sách nhà nước của khối DN FDI cũng có sự tăng trưởng, từ 164.339 tỷ đồng năm 2020 tăng thành 179.630 tỷ đồng năm 2021, tương ứng tăng hơn 9%. Số nộp ngân sách nhà nước (NSNN) có tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận sau thuế cho thấy, mức đóng góp vào NSNN chưa thực sự tương xứng với mức đầu tư và kết quả kinh doanh của các DN FDI. Thêm vào đó, theo thống kê của Tổng cục Thuế, mặc dù thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông theo Luật Thuế thu nhập DN là 20%, nhưng với ưu đãi miễn, giảm thì mức thuế suất của các DN FDI thường là 5-10%. Một số tập đoàn có dự án lớn mức thuế chỉ là 3-6%. Vì vậy, nhiều DN FDI có lợi nhuận cao nhưng nộp thuế lại rất ít. Như vậy, với kết quả đạt được và những ưu đãi từ chính sách thuế mà DN này nhận được thì số thuế nộp NSNN lại chưa tương xứng với kết quả kinh doanh của các DN này và còn tồn tại nhiều hoạt động giận lận thuế thông qua hành vi chuyển giá, liên kết của khối DN này.

Trách nhiệm xã hội đối với người lao động

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về cơ bản, DN trong các KCN đã thực hiện tốt TNXH trong vấn đề trả lương xứng đáng cho người lao động; tiền lương thực trả cao hơn tiền lương ghi trong hợp đồng từ 14-15%; tiền lương thực trả có xu hướng tăng từ 10-25%/năm; chênh lệch giữa tiền lương thực trả cho lao động có chuyên môn kỹ thuật cao nhất so với lao động phổ thông là 3,5 lần; thu nhập bình quân mỗi lao động trong DN trong KCN cao hơn khu vực DN Nhà nước và DN ngoài quốc doanh; 95-96% DN trong KCN tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động tương đối tốt do mới được thành lập và có trang thiết bị, máy móc hiện đại; 3/4 số DN được điều tra đã có tổ chức công đoàn với 80% người lao động tham gia công đoàn; 56% DN đã có thoả ước lao động tập thể và 45% có cán bộ hoà giải cấp cơ sở.

Lao động trong nhiều KCN cũng ngày càng được quan tâm, bảo vệ quyền lợi. Điển hình, qua rà soát, đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, có tới 80% thỏa ước của DN trong KCN trên địa bàn Tỉnh có lợi cho người lao động, nằm ngoài các quy định bắt buộc của pháp luật lao động. Bên cạnh đó, việc xây dựng môi trường làm việc an toàn hiệu quả cho người lao động cũng được các DN này quan tâm và theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong công tác đảm bảo an toàn lao động tại DN thì KCN thực hiện tốt hơn các DN trong nước. Song, trong thực hiện TNXH đối với người lao động của các DN trong KCN, vẫn còn tồn tại một số tranh chấp về lương, thưởng, thời gian làm thêm, nghỉ giữa giờ và các chế độ phúc lợi khác giữa người lao động và DN FDI.

Trách nhiệm xã hội đối với khách hàng

Khách hàng là đối tác kinh doanh chiến lược quan trọng nhất của DN nói chung và DN trong KCN nói riêng, quyết định tốc độ phát triển, doanh thu, lợi nhuận và sự thành công của DN. Do đó, trong vấn đề cung cấp sản phẩm dịch vụ, hầu hết các DN trong KCN đã làm tốt vai trò phân phối của mình, nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng qua đó mang lại doanh thu cho công ty. Mặc dù vậy, đối với vấn đề chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đảm bảo an toàn cho khách hàng, không ít các KCN đã để xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến các mặt hàng nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và gây hệ lụy tiêu cực đến khách hàng. Các vụ sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người, như nước tương có chứa chất 3-MCPD gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine, sản xuất và nhập thuốc giả,… Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đều chứng tỏ KCN sản xuất ra nó không thực hiện nghiêm túc TNXH đối với khách hàng.

Trách nhiệm đối với cộng đồng

Trách nhiệm xã hội của các DN trong KCN đối với cộng đồng được thể hiện thông qua các hành động đối với môi trường và cộng đồng. Hiện nay, môi trường cũng là một trong những vấn đề nổi cộm nhất và gây nhiều bức xúc trong xã hội. Thực tế cho thấy, nhiều DN trong KCN đang coi TNXH với môi trường là một “gánh nặng" hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing, tạo hình ảnh làm sao để có lợi cho DN. Trong thời gian qua, tại Việt Nam đã chứng kiến nhiều KCN có nhiều sai phạm nghiêm trọng về vi phạm tiêu chuẩn môi trường về khí thải, nước thải, chất thải rắn. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp. Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong số hơn một triệu mét khối nước thải hằng ngày, đêm phát sinh từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Trách nhiệm đối với cộng đồng địa phương của các DN trong KCN chủ yếu là các chương trình từ thiện, phát triển cộng đồng, giúp đỡ người nghèo khó và xây dựng hình ảnh. Song, có một điểm chung là DN trong KCN thường không chỉ thực hiện TNXH như một hoạt động tình nguyện đơn thuần mà họ còn triển khai một cách đều đặn những hoạt động này để có thể hỗ trợ được nhiều hơn nữa những khu vực cần giúp đỡ thông qua sự hợp tác với xã hội và địa phương.

Một số thách thức đặt ra

Thách thức trong thực hiện TNXH của các DN trong KCN đến từ nhiều phía, gồm có:

Một là, hệ thống pháp luật Việt Nam, chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, văn bản pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập, không sát thực tế đã dẫn đến tình trạng DN dễ dàng lách luật, chối bỏ trách nhiệm, vi phạm pháp luật ở mức độ nghiêm trọng trong thời gian dài mà không bị xử lý. Đặc biệt, hệ thống pháp luật về TNXH ở nước ta hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc các DN nói chung và DN trong KCN nói riêng thực hiện. Mức độ xử phạt còn nhẹ không đủ tính răn đe, vẫn thiên về xử phạt hành chính, nhiều DN chấp nhận bị phạt và sau đó lại tiếp tục vi phạm vì số lợi nhuận thu lại lớn hơn số tiền vi phạm.

Hai là, các hình thức truyền thông về TNXH còn hạn chế cả về mặt quy mô lẫn hình thức. Chủ yếu được tuyên truyền qua các hội thảo, diễn đàn để những người quan tâm có nhu cầu tìm hiểu có thể tìm được và tham gia, tuy nhiên những đối tượng chưa biết đến TNXH thì lại hoàn toàn không được cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, truyền thông mới chỉ tập trung hướng đến đối tượng DN hay người lao động, còn các bên liên quan khác như khách hàng, cộng đồng thì chưa được chú trọng.

Ba là, ý thức và sự quan tâm của các DN trong KCN đến vấn đề TNXH còn chưa nhận thức đầy đủ về bản chất của TNXH. Nhiều DN chỉ hiểu đơn thuần thực hiện TNXH là việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mang tính nhân đạo, từ thiện mà chưa coi đây là một cơ hội kinh doanh và có chiến lược bài bản để thực hiện giúp DN có khả năng tăng hiệu quả sản xuất, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường hướng tới phát triển bền vững.

Giải pháp nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp

Nhằm nâng cao TNXH của DN trong KCN, trong thời gian tới, cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ từ các bên liên quan như sau:

Thứ nhất, Chính phủ xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, đầy đủ để hài hòa lợi ích của DN nói chung và DN trong KCN nói riêng với lợi ích quốc gia, phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các DN trong KCN tích cực đưa các chương trình TNXH vào trong chiến lược kinh doanh của họ. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi các nội dung chưa phù hợp giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật chuyên ngành khác nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định giới hạn lượng phát thải; DN trong các KCN cần phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải.

Thứ hai, cần thay đổi nhận thức của DN trong KCN về TNXH, đặc biệt là đối với đội ngũ các nhà quản trị cấp cao trong DN. Việc thực hiện TNXH không chỉ đơn giản là vấn đề đạo đức kinh doanh hay các hoạt động từ thiện theo cách hiểu mang tính truyền thống; không phải là các hoạt động đòi hỏi DN phải bỏ chi phí mà không đem lại lợi ích kinh tế. Ngược lại, thực hiện TNXH sẽ giúp các DN có được nhiều lợi thế trong cạnh tranh trên thị trường. Do vậy, DN cần triển khai kế hoạch đào tạo và phổ biến hiểu biết về TNXH cho người lao động và đội ngũ quản lý thông qua các khóa học và tham gia các trải nghiệm thực tế như các chương trình bào vệ môi trường để nâng cao nhận thức của DN về vấn đề TNXH. Đồng thời, các DN KCN cần xây dựng chiến lược dài hạn thực hiện các tiêu chuẩn TNXH.

Thứ ba, đa dạng các hình thức tuyên truyền về TNXN đến người tiêu, người lao động, hiệp hội, đoàn thể... Coi trọng sự tham gia, phản hồi của người dân, tổ chức, hiệp hội thông qua việc giám sát, phản biện, tố giác những hành động vô trách nhiệm của DN, gây áp lực để DN thay đổi và nhìn nhận TNXH của DN một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, giải pháp mang tính lâu dài hơn là lồng ghép vấn đề TNXH vào chương trình đào tạo ở các trường trong hệ thống giáo dục quốc gia.

Tài liệu tham khảo:

  1. Ngô Thanh Loan (2022), Một số hạn chế và giải pháp thu hút lao động và tạo việc làm tại các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện nay, Tạp chí Công thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-han-che-va-giai-phap-thu-hut-lao-dong-va-tao-viec-lam-tai-cac-doanh-nghiep-fdi-tai-viet-nam-hien-nay-89959.htm;
  2. Phùng Tuyết (2023), “Đại bàng” FDI báo lỗ triền miên, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, số 8;
  3. Bowen H. R. (1953), Social Responsibility of Businessman, Harper & Row, New York;
  4. Kotler P., Lee N. (2008), Corporate Social Responsibility: Doing the Most Good for your Company and your Cause (2nd ed.), Wiley India Pvt. Ltd;
  5. Maignan I., Ferrell O. C. (2004), Corporate Social Responsibility and Marketing, Journal of the Academy of Marketing Science, 32 (1), 3-19;
  6. World Bank (2003), Public Policy for Corporate Social Responsibility, World Bank.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2023