Nâng cao vị thế tiền Đồng, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư

Theo thoibaonganhang.vn

Khi nền kinh tế tương đối ổn định, các nhu cầu đầu tư nhiều hơn, cần có thêm những thị trường khác để cùng chia sẻ gánh nặng về vốn đầu tư phát triển với thị trường tiền tệ.

Nâng cao vị thế tiền Đồng, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Nguồn: Internet
Nâng cao vị thế tiền Đồng, tạo niềm tin đối với nhà đầu tư. Nguồn: Internet

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên

 

Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm gần đây là Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có giải pháp nhằm huy động tốt hơn nguồn ngoại tệ trong dân để tăng nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Để hiểu rõ hơn về thông điệp của Thủ tướng cũng như làm thế nào chúng ta có nguồn lực vốn bền vững đầu tư phát triển kinh tế, Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội TS. Nguyễn Đức Kiên.

Phóng viên: Quan điểm của ông về việc Thủ tướng yêu cầu NHNN có giải pháp huy động ngoại tệ để phục vụ đầu tư?

TS. Nguyễn Đức Kiên: Việc huy động ngoại tệ để phục vụ đầu tư, chúng ta cần nhìn nhận đây là nhiệm vụ mới mà Thủ tướng và Chính phủ giao cho ngành NH. Và như vậy đây chưa phải là một quyết định của Thủ tướng yêu cầu NH phải thực hiện, mà là nhiệm vụ mà NHNN phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng để báo cáo cho Thủ tướng và thường trực Chính phủ biết và có những quyết sách kịp thời cho phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải hiểu được băn khoăn của người đứng đầu Chính phủ. Trong lúc việc thu hút đầu tư của các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài thông qua nguồn vốn FDI ngày càng khó khăn. Việc cạnh tranh với các nước trong khu vực để thu hút nguồn vốn FDI này với công nghệ cao sẽ khó hơn thời gian trước.

Mặt khác, Nghị quyết về hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng cũng xác định ngoại lực là quan trọng nhưng nội lực mới là quyết định. Trên tinh thần như vậy, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, các cơ quan chức năng phải nghiên cứu tất cả những phương thức có thể huy động được nội lực để góp phần vào phát triển đầu tư, phát triển kinh tế của đất nước.

Chúng ta đều thấy hàng năm, lượng kiều hối nhập về Việt Nam là tương đối lớn. Trong ba, bốn năm trở lại đây con số luôn dao động khoảng 10 tỷ USD. Nhưng nó mới chỉ giúp cho chúng ta đảm bảo cán cân ngoại hối, mà chưa tạo ra được cú hích vốn như nguồn vốn ODA hay FDI để đầu tư vào nền kinh tế.

Vấn đề Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ để chúng ta làm sao có thể huy động được khoảng 50 - 60% nguồn vốn đó đầu tư trực tiếp vào sản xuất, còn lại mới là đầu tư cho mua nhà ở, chi tiêu thường xuyên cho các hộ gia đình... Chúng ta nên hiểu bài toán đặt ra và nội hàm sâu xa của Thủ tướng.

Nhưng, hiện tại, thị trường ngoại hối của Việt Nam đang khá ổn định. Nếu có chính sách mới nào đó liệu có thể gây xáo trộn, thưa ông?

Việc triển khai Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng bước sang năm thứ 5 và Pháp lệnh quản lý ngoại hối (sửa đổi) được thực hiện một thời gian đã, đang phát huy vai trò tương đối tốt. Tốt ở đây cần nhìn nhận ở khía cạnh đây là công cụ giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện đúng chủ trương, trên đất Việt là tiêu dùng đồng tiền Việt.

Nhưng đồng thời nó lại tôn trọng, phù hợp với Hiến pháp năm 2013 về quyền tài sản của người dân. Chúng ta không can thiệp quá sâu như trước đây là cấm người dân tích trữ ngoại tệ trong nhà, mà chấp nhận đó là tài sản của công dân và cho phép họ có thể gửi vào các TCTD hoặc có thể để ở nhà.

Chúng ta tôn trọng cả hai phương thức. Nếu họ muốn sử dụng để tiêu dùng thì họ bán đồng tiền đó cho các TCTD để lấy tiền Việt về tiêu dùng trong nước. Phương thức đó cũng tương tự như tất cả những nước khác trên thế giới đang áp dụng.

 Đối với Nghị định 24 có tác dụng ngăn chặn tình trạng dùng vàng làm phương tiện thanh toán. Đặc biệt là nó giúp cho giảm được rất lớn tình trạng nhập vàng lậu. Sau 5 năm thực hiện Nghị định 24, việc nhập khẩu vàng lậu, vàng không giấy phép qua các cửa khẩu giảm đáng kể.

Phải khẳng định lại rằng hiệu quả của cả Pháp lệnh và Nghị định 24 giúp cho quá trình điều hành chính sách tỷ giá và ngoại hối của NHNN bớt áp lực hơn. Trước kia chúng ta phải giải bài toán có ba ẩn số gồm VND, ngoại tệ và vàng thì giờ chỉ cần giải quyết một ẩn số là bảo vệ giá trị đồng tiền Việt.

Còn ẩn số kia chúng ta đã đưa được nó vào phép tính quy đổi và nhiệm vụ của NHNN tính toán để tìm lời giải cho phép tính trên. Điều đó giúp tăng thêm tính chủ động trên thị trường tiền tệ của NHNN.

Xét trong bối cảnh thị trường tiền tệ Việt Nam vài năm trở lại đây với những kết quả chúng ta đạt được, chúng ta thấy việc Thủ tướng giao nhiệm vụ cho NHNN nghiên cứu có giải pháp huy động một cách tốt nhất, tập trung nhất là điều có thể lý giải được.

Đó là hoạt động bình thường của người đứng đầu Chính phủ và thường trực Chính phủ trong việc triển khai phát triển thị trường tài chính.

Vậy theo ông, thời điểm này chúng ta có thể thực hiện ngay việc huy động ngoại tệ trong dân?

Tới thời điểm này, một số nước trên thế giới căn cứ vào điều chỉnh tăng lãi suất của Fed trong thời gian qua cũng đã có những thay đổi, đặc biệt là EU cũng có những tính toán để cân đối lại chính sách lãi suất 0%. Nhưng nền kinh tế của họ tốc độ tăng trưởng tốt.

Còn kinh tế của chúng ta trong hai năm trở lại đây và cả năm nay cũng chỉ nằm trong phạm vi dự báo từ 6-6,5% chưa có gì gọi là đột phá. Do vậy, cũng chưa có áp lực lớn cần phải có những chính sách mạnh để huy động ngoại tệ tạo thêm nguồn vốn đầu tư bằng việc nâng lãi suất huy động USD lên.

Mặt khác, khi lãi suất huy động lên thì giá trị VND sẽ được đảm bảo ra sao? Vì chúng ta không những phải đặt VND vào mối quan hệ với USD, Euro, Yên Nhật, mà còn phải đặt trong cả so sánh với CNY. Với ba nhóm đồng tiền kia chúng ta đang xuất siêu.

Còn riêng với CNY chúng ta đang nhập siêu. Mà trong năm 2017 đồng CNY đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận khi được đưa vào rổ tiền tệ quốc tế. Vì vậy, chúng ta cần cân đối giá trị đồng VND.

Khi phục vụ phát triển phải đặt trong rổ tiền tệ chứ không chỉ là neo đồng tiền VND vào USD. Nó đòi hỏi phải có những điều hành linh hoạt, vừa đảm bảo mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu đồng thời không gây xáo động lớn cho thị trường tiền tệ trong nước.

Xét tại thời điểm hiện nay, yếu tố đầu vào đang tương đối ổn định, yếu tố đầu ra đặc biệt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế cũng không có những đột phá. Theo tôi, đặt rổ tiền tệ trong mối tương quan xuất nhập khẩu của nền kinh tế để bảo vệ giá trị đồng VND, tạo ra niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước là mục tiêu cao hơn là huy động nguồn ngoại tệ đang nhàn rỗi trong dân.

Bên cạnh việc đảm bảo ổn định giá trị của đồng tiền nội tệ thì phải xây dựng các kênh huy động khác chứ không chỉ và cũng không nên huy động thông qua kênh tiền gửi.

Theo ông, nếu không phải từ tiền gửi tiết kiệm, đâu là kênh huy động nguồn lực trên?

Tôi nghĩ rằng, đây là thời điểm chín muồi để có cái nhìn và cách xử lý dài hơi, hiệu quả hơn với nguồn lực ngoại tệ như kiều hối của bà con gửi về, phát triển thị trường chứng khoán và các thị trường phái sinh khác.

Khi nền kinh tế tương đối ổn định, các nhu cầu đầu tư nhiều hơn, thì cần có thêm những thị trường khác để cùng chia sẻ gánh nặng về vốn đầu tư phát triển với thị trường tiền tệ. Đơn cử như với nguồn kiều hối phải có giải pháp để bà con thấy có thể đưa vào một kênh đầu tư hiệu quả hơn kênh gửi tiết kiệm.

Hiện vốn đầu tư chỉ trông vào tiết kiệm NH nhưng 80-90% vốn tiết kiệm là ngắn hạn, mà chưa có kênh huy động như mua giấy tờ có giá trái phiếu công trình, cổ phần của DN để đầu tư sản xuất. Đây cũng là một trong những lý do mà nhiều ý kiến đánh giá nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới tiềm năng.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!