Nâng khả năng chống chịu của hạ tầng năng lượng, công nghiệp quốc gia trước biến đổi khí hậu

Trần Huyền

Đó là mục tiêu về thích ứng với biến đổi khí hậu được ngành Công Thương đề ra trong Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngành Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu này.

Các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng cần có kế hoạch, phương án ứng phó với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Ảnh: internet
Các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng cần có kế hoạch, phương án ứng phó với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Ảnh: internet

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2025, các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030 được rà soát, đánh giá tác động và lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp và thương mại quốc gia được đánh giá rà soát và xây dựng các biện pháp ứng phó, nâng cao khả năng chống chịu với tác động của thiên tai, mưa bão, lũ lụt, khí hậu cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Giai đoạn 2026 - 2030, tất cả các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành Công Thương được lồng ghép, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và có các giải pháp ứng phó. Các công trình, cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng có kế hoạch, phương án ứng phó với các điều kiện khắc nghiệt của thời tiết khí hậu cực đoan, năng lực chống chịu với tác động của biến đổi khí hậu được nâng cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách về công nghiệp, thương mại và năng lượng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đồng thời, rà soát, đánh giá tác động các cơ chế chính sách thương mại, công nghiệp toàn cầu đến sự phát triển ngành Công Thương, đặc biệt là các hàng rào kỹ thuật liên quan đến phát thải các-bon như điều chỉnh biên giới các-bon, rò rỉ các-bon, dấu vết các-bon, nhãn các-bon đối với hàng hóa, dịch vụ và đề xuất giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của ngành Công Thương.

Bộ Công Thương cũng đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách trong nước và quốc tế đối với sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Từ đó, đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp với mục tiêu trung hạn, dài hạn đảm bảo cho sự phát triển của ngành năng lượng phù hợp với điều kiện quốc gia và đáp ứng các chuẩn mực quốc tế.

Một nội dung khác cũng được ngành Công Thương tập trung thực hiện là nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của các cơ sở, công trình năng lượng, công nghiệp, thương mại. Theo đó, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu như nâng cấp, cải tạo các nhà máy điện, công trình lưới điện, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, hầm mỏ, bãi than và các cơ sở năng lượng khác ở vùng ven biển, khu vực trũng thấp.

Bên cạnh đó, ngành Công Thương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở, công trình quan trọng trong hệ thống cơ sở hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại như các hầm mỏ, bãi than, hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu, công trình lưới điện, hệ thống lưu trữ, phân phối hàng hóa, các công trình công nghiệp. Đồng thời, cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng nguyên liệu trong điều kiện biến đổi khí hậu, đa dạng hoá nguồn cung cấp, nguồn thay thế cho các nguyên vật liệu của các ngành sản xuất nhạy cảm với khí hậu.

Cùng với các nội dung trên, ngành Công Thương cũng sẽ tập trung nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Theo đó, rà soát, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với chuỗi cung ứng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp và thương mại; Xây dựng các phương án, giải pháp đa dạng hóa các nguồn cung đảm bảo ổn định chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, thương mại trong nước và giữ vững mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, toàn Ngành sẽ triển khai các biện pháp nhằm thu hút sự chuyển dịch các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, các-bon thấp, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của quốc gia.