Nâng sức cạnh tranh nhờ kết hợp áp dụng 5S và Kaizen
Thời gian qua, áp dụng kết hợp công cụ 5S và Kaizen được không ít doanh nghiệp áp dụng, thu về những kết quả ấn tượng trong nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Kaizen là một triết lý, một chiến lược cụ thể trong suốt quá trình cải tiến và đổi mới liên tục của tổ chức, tích lũy các cải tiến nhỏ trở thành kết quả lớn, giảm các lãng phí, tăng năng suất, tạo động lực thúc đẩy cá nhân có các ý tưởng cải tiến. Quá trình này giúp tăng năng suất, tránh lãng phí và nâng cao ưu thế cạnh tranh.
Trong khi đó, 5S là phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc của người Nhật, viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật, bắt đầu bằng chữ S gồm: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng). Quy tắc 5S chú trọng vào sự gọn gàng ngăn nắp, tạo ra môi trường làm việc thuận tiện.
Thực hiện tốt nguyên tắc 5S là tiền đề tiên quyết để thực hiện Kaizen, bởi môi trường làm việc thoải mái, khoa học, mới kích thích sự sáng tạo cho nhân viên, dẫn đến các đổi mới ngày càng tốt hơn. 5S góp phần thiết lập một hệ thống quản lý, khuyến khích và đền đáp nỗ lực đóng góp ý tưởng cải tiến của tất cả mọi người.
Đem lại nhiều lợi ích vượt trội
Giới chuyên gia nhận định, thực hiện kết hợp giữa 5S và Kaizen là phương pháp đổi mới hết sức thông minh, đem lại nhiều ích lợi vượt trội cho doanh nghiệp. Ví dụ điển hình là trường hợp của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hoá thuộc Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị.
Đi đầu trong việc ứng dụng công cụ quản lý tiến bộ 5S và Kaizen vào thực tiễn sản xuất đã giúp nhà máy cải thiện đáng kể năng suất, góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp nói chung.
Một ví dụ khác là Công ty Earth Corporation Việt Nam (Nhật Bản). Là đơn vị chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm, nhiều năm qua, doanh nghiệp này không ngừng áp dụng quy tắc 5S, thực hiện chiến lược Kaizen, mang lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất.
Áp dụng Kaizen đã phát huy tính sáng tạo ở một số khâu trong dây chuyền sản xuất như đóng gói, nhãn mác, từ đó nâng cao hiệu quả lao động. Năm nào Xông ty cũng trao thưởng cho những sáng tạo của công nhân trong hoạt động sản xuất.
Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong phía Nam cũng là một trong nhưng ví dụ doanh nghiệp thu “trái ngọt” từ áp dụng 5S, Kaizen và nhiều công cụ quản lý, cải tiến khác.
Những năm qua, công ty đã áp dụng các công cụ quản lý như 5S, Lean, TPM, Kaizen, ERP... để quá trình sản xuất được bảo đảm tuyệt đối, chất lượng sản phảm luôn đạt chuẩn theo đúng các thông số kỹ thuật quốc tế.
Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng, tuy nhiên dịch bệnh COVID-19 là cơ hội để công ty kiểm chứng lại sức chịu đựng và khả năng thích nghi với tình hình mới, tự đánh giá về thực trạng sản xuất, kinh doanh, nhằm tìm ra những hướng đi mới hiệu quả và bền vững.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp này xác định sẽ tiếp tục tập trung khai thác thị trường nội địa, lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để nghiên cứu cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ. Lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ tin tưởng, nếu chuẩn bị tốt doanh nghiệp sẽ có những bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo một môi trường làm việc thoải mái cho người lao động, lãnh đạo Công ty TNHH Nhật Tường cũng đã quan tâm áp dụng các công cụ 5S, Kaizen.
Là công ty chuyên sản xuất bàn ghế salon gỗ, áp dụng quy tắc 5S, công cụ Kaizen trong sản xuất đã giúp Công ty giảm được số lượng phế phẩm trong quá trình sản xuất, giảm việc đi lại cho công nhân bằng việc dùng palet bánh xe để di chuyển nguyên liệu, thành phẩm và thay thế một số công đoạn làm bằng tay sang làm bằng máy...
Nhìn chung, những năm qua, các doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến như 5S, Kaizen đã đạt được những kết quả nổi bật, từng bước phát huy năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường.
Các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần duy trì các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng thường xuyên liên tục và có điều chỉnh cụ thể cho phù hợp từng giai đoạn.