Nền kinh tế đã có bước hồi phục

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ trong báo cáo trình bày trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013 và kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ sáu của Quốc hội hôm 21/10.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội đã có bước chuyển tích cực, đúng hướng trên hầu hết các lĩnh vực, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất huy động giảm. Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt kết quả bước đầu.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội năm 2013 và kết quả 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XI về kế hoạch 5 năm  2011 - 2015 được xây dựng trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; nhiều dự báo lạc quan về triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, tình hình trong nước thời điểm đó cũng có nhiều thuận lợi, chính sách hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ năm 2009 phát huy hiệu quả. Kết thúc kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 7,0%/năm. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển và hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Do vậy, nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm được đề ra trên cơ sở tăng trưởng khá cao của 5 năm trước và chưa lường hết được hậu quả tiêu cực của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động nặng nề đến nền kinh tế nước ta.

Tuy nhiên, trong gần 3 năm qua, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Riêng ở Việt Nam, những hạn chế yếu kém vốn có của nền kinh tế cùng với mặt trái của chính sách hỗ trợ tăng trưởng đã làm cho lạm phát tăng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề…

Trước diễn biến mới của tình hình, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời điều chỉnh mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm theo hướng tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội... Quốc hội cũng đã ban hành các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Chính phủ đã quản lý, điều hành quyết liệt thực hiện các nghị quyết của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế tình hình.

Nhìn lại trong 3 năm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 9 tháng năm 2013 là 4,63%, dự báo cả năm khoảng 7% (kế hoạch khoảng 8%).

Tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là trên 30%/năm giảm còn 12,5% năm 2011 và 22,5% năm 2012; 10,53% trong 9 tháng đầu năm 2013, ước cả năm khoảng 16%. Tốc độ tăng tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 33,3%/năm, giảm còn 14,45 % năm 2011 và 8,85% năm 2012; 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2013, ước cả năm khoảng 12%.

Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm mạnh. Riêng 9 tháng năm 2013 lãi suất huy động giảm 2 - 3 %, cho vay giảm 3 - 5 %. Mặt bằng lãi suất cho vay đã trở về mức của giai đoạn 2005 - 2006. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7 - 9%/năm; các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác là 9 - 11,5%/năm; một số doanh nghiệp tình hình tài chính lành mạnh được vay với lãi suất 6,5 - 7%/năm.

Trong khi đó, tỷ giá cơ bản ổn định, dự trữ ngoại hối tăng nhanh, đạt mức khoảng 12 tuần nhập khẩu. Cụ thể, dự trữ ngoại hối nhà nước tăng từ 6 tuần nhập khẩu vào cuối năm 2010 lên 6,5 tuần vào cuối năm 2011 và khoảng 12 tuần vào cuối năm 2012 và 2013. Tình trạng đô-la hóa, vàng hóa giảm đáng kể. Điều đáng mừng là niềm tin vào đồng tiền Việt Nam tăng lên.

Trong 3 năm qua, tình hình kinh tế quốc tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung khi chúng ta dựa khá nhiều vào xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Thống kê cho thấy, năm 2011 nhập siêu 9,8 tỷ USD, bằng 10,1% kim ngạch xuất khẩu; năm 2012 xuất siêu 750 triệu USD; ước năm 2013 nhập siêu 500 triệu USD, bằng 0,4% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,7%, ước cả năm tăng 14,4% (kế hoạch 10%); bình quân 3 năm tăng 22%/năm (kế hoạch 5 năm 12%/năm). Cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt. Quan hệ thương mại và đầu tư tiếp tục được mở rộng với hầu hết các quốc gia và nền kinh tế…

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý ngân sách, chống thất thu và tiết kiệm chi. Năm 2011 - 2012 đã cố gắng cân đối ngân sách theo kế hoạch. Năm 2013, thu ngân sách khó khăn, tổng thu ước đạt 96,9%, tổng chi ước đạt 100,8% dự toán. Bội chi khoảng 5,3% GDP. Nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn. Đến cuối năm 2013, dư nợ công ước khoảng 56,2% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 42,6% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 39,5% GDP.

Giá cả các hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu như điện, xăng dầu, than, y tế… từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Thị trường trong nước tiếp tục phát triển. Hàng tồn kho giảm mạnh. Chỉ số hàng tồn kho của ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/9/2013 chỉ tăng 9,3% so với mức tăng 21,5 % tại thời điểm 01/01/2013.

Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Vốn FDI đăng ký mới và thực hiện năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và đã tập trung hơn vào công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Trong 9 tháng năm 2013, vốn FDI đăng ký tăng 36,1%, vốn thực hiện tăng 6,4%; vốn ODA ký kết tăng 8,83%, giải ngân tăng 8,68%. Cùng với các nguồn vốn khác đang được huy động, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 ước đạt 29,1% GDP.

Có thể nói, dù gặp không ít khó khăn song nền kinh tế nước ta vẫn đang có dấu hiệu phục hồi. Năm 2011 tăng trưởng GDP đạt 6,24%, năm 2012 chỉ đạt 5,25%; năm 2013 tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 4,76%, quý II tăng 5%, quý III tăng 5,54%), cả năm ước tăng khoảng 5,4%. Bình quân trong 3 năm qua, GDP tăng khoảng 5,6%/năm. Sản xuất công nghiệp, xây dựng từng bước được phục hồi; khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định; các ngành dịch vụ tăng trưởng khá. 9 tháng năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp  tăng 5,4%, ước cả năm tăng 5,6%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,71%, ước cả năm tăng 2,81%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,5%, cả năm ước tăng 14-16%. Trong 9 tháng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 10,8% và có trên 11,2 nghìn doanh nghiệp đã hoạt động trở lại.

Điều đáng mừng là chất lượng tăng trưởng có bước được nâng lên. Vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn. Trong giai đoạn 2008 - 2010, với tổng mức đầu tư toàn xã hội/GDP bình quân 38,6%/năm, mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,1%/năm; giai đoạn 2011 - 2013 với tổng mức đầu tư toàn xã hội/GDP bình quân giảm còn khoảng 31%/năm, giảm 7,6% so với giai đoạn 2008 - 2010, nhưng tăng trưởng GDP bình quân chỉ giảm 0,7%, đạt 5,37%/năm (tính theo giá so sánh 1994). Hệ số ICOR giảm từ 6,7 giai đoạn 2008 - 2010 xuống còn 5,53 giai đoạn 2011 – 2013…

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế trong thời gian qua. Theo đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Cân đối ngân sách khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số mặt hàng và dịch vụ thiết yếu còn chậm, chưa tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Hoạt động của một số tổ chức tín dụng chưa thật an toàn. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán còn trầm lắng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP không đạt kế hoạch. Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao, cụ thể đến cuối tháng 8/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,64%. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Công nghiệp tăng trưởng còn chậm. Xuất khẩu nông sản khó khăn, hiệu quả còn thấp...

Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ba năm 2011-2013 và năm 2014 do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp này cũng chung nhận định với Chính phủ là tình hình kinh tế - xã hội đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng, song cũng chỉ ra không ít quan ngại về về những vấn đề cụ thể của nền kinh tế.

Theo đó, báo cáo thẩm tra cho rằng, với kế hoạch phát triển hai năm tới, cần phải chấp nhận việc tăng trưởng chậm lại, doanh nghiệp khó khăn như vừa qua để có một nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô vững chắc làm tiền đề cho tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn. Ổn định vĩ mô phải kiên trì, nhất quán và phục hồi tăng trưởng không thể vội vàng nếu không sẽ đánh mất toàn bộ thành quả đạt được trong 3 năm vừa qua. Bên cạnh đó, phấn đấu tăng trưởng ở mức hợp lý trên cơ sở tính toán, hài hòa liều lượng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; cải thiện cơ cấu chi ngân sách để tăng chi đầu tư phát triển cả về tỷ trọng và số tuyệt đối gắn với tăng tính hiệu quả; hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chưa nên đặt mục tiêu phục hồi nhịp độ tăng trưởng nhanh.

Năm 2014, khác với đề xuất của Chính phủ, một số ý kiến đề nghị tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ nên ở khoảng 5,5% là mức hợp lý, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 6%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30-31% GDP, tăng tín dụng ở mức 14-15%,  đầu tư từ ngân sách tăng ít nhất 10%.