Nền móng vững chắc cho “trụ cột” công nghiệp

Theo T. Trang/ Báo Hậu Giang

Nhiều định hướng mới cùng với nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể được các sở, ngành và địa phương xây dựng, đóng góp nhằm tạo bước đột phá cho lĩnh công nghiệp - một trong 4 trụ cột trọng tâm phát triển kinh tế của tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và tạo thêm việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Ảnh: T. Trang
Cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và tạo thêm việc làm cho lao động khu vực nông thôn. Ảnh: T. Trang

Nguồn lực phát triển các khu công nghiệp

Từ những ngày đầu thành lập, tỉnh Hậu Giang đã xác định phát triển công nghiệp là một trong những động lực của nền kinh tế và đã dồn lực nhiều cho lĩnh vực này. Công nghiệp Hậu Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cuối năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt 41.793 tỷ đồng, tăng 9,12% so với năm 2020, trong đó riêng các doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) là 29.018 tỷ đồng, giá trị nộp ngân sách của nhóm này lần đầu vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã hình thành và phát triển được một số ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn như công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, hơi nước, cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải. Các sản phẩm công nghiệp chủ lực như thủy sản, gạo, thức ăn gia súc, gia cầm, nước uống đóng chai...

Đặt mục tiêu tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng và huy động hiệu quả nguồn lực để thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết “Bốn trụ cột” lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt tập trung vào các KCN trên địa bàn. Ông Nguyễn Phong Minh - Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, thông tin: Đơn vị tham mưu UBND tỉnh thành lập mới 4 KCN với diện tích khoảng 784ha sau khi được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất KCN, trong đó 1 KCN đang trình thủ tục thành lập KCN Đông Phú (nâng lên từ CCN tập trung Đông Phú) diện tích 120ha, các KCN còn lại là Sông Hậu - giai đoạn 2, KCN Tân Bình và KCN Đông Phú - giai đoạn 2.

Về đầu tư hạ tầng cho các KCN mới thành lập, giai đoạn tới có đổi mới mạnh mẽ khi tập trung nguồn lực đầu tư cho giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và đầu tư hạ tầng hoặc kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp đến tìm kiếm cơ hội, đầu tư dự án tại Hậu Giang. Trước đó, tỉnh đã thu hút 1 doanh nghiệp đầu tư hạ tầng công nghiệp (dự án Cụm công nghiệp tập trung Đông Phú, đang trình thủ tục thành lập KCN) với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo đại diện doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, từ khi thành lập đã có hơn 30 doanh nghiệp thứ cấp đến tìm hiểu, ký các biên bản ghi nhớ để hợp tác, đầu tư dự án tại đây. Điều này cho thấy KCN ở Hậu Giang đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, có tiềm năng và tính cạnh tranh cao.

Phát triển cụm công nghiệp đồng bộ

Bên cạnh thế mạnh phát triển KCN, các cụm công nghiệp (CCN) cũng có vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, tập trung các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ để kết nối phát triển đồng bộ. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 4 CCN đã thành lập và đi vào hoạt động, thu hút được 41 dự án với tổng vốn thu hút đầu tư là 3.693 tỷ đồng với tỷ lệ lấp đầy trên 53%. Kế hoạch phát triển CCN do Sở Công thương xác định đến năm 2025 toàn tỉnh phát triển 9 CCN và 1 CCN tập trung, trong đó thành lập mới 5 CCN. Mục tiêu hoàn thành đầu tư hạ tầng CCN trên 60% và thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cho CCN, có hệ thống xử lý nước thải tập trung để đảm bảo môi trường. Ngoài ra, còn mở rộng 2 CCN hiện hữu tại thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.

Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, cho biết: Đơn vị phối hợp tích cực với Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các địa phương trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng CCN và thu hút doanh nghiệp vào hoạt động. Đến nay đã có 4 doanh nghiệp tiếp cận, đăng ký đầu tư về hạ tầng tại các CCN ở các huyện Châu Thành, Vị Thủy và Phụng Hiệp. Sau khi Phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang được phê duyệt, Sở Công thương sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục dự án kinh doanh hạ tầng CCN theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp cần phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương và sát với định hướng ngành nghề mà tỉnh đang định hướng phát triển, như công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành nghề công nghệ cao, thân thiện môi trường. Đảm bảo chất lượng, hiệu quả đầu tư, để các khu, cụm công nghiệp phát huy được hết công năng, thật sự là động lực phát triển cho cả khu vực thành thị và nông thôn của tỉnh. Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lĩnh vực công nghiệp có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng vững chắc cho “trụ cột” công nghiệp giai đoạn 2021-2025 cũng như những năm tiếp theo, đặt ra yêu cầu cho các đơn vị liên quan cần bám sát thực tế, các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện theo từng mốc thời gian hoàn thành cụ thể, có đánh giá và rút kinh nghiệm để đạt mục tiêu đề ra, tạo bước đột phá cho nền kinh tế tỉnh nhà.