Ngại chi suy thoái
Dù kinh tế thế giới đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức, có thể sẽ tăng trưởng chậm lại, nhưng nhiều khả năng sẽ tránh được một cuộc suy thoái.
Nền kinh tế thế giới phải hứng chịu nhiều rủi ro rất lớn và không ngờ trong năm 2022 từ hậu quả của đại dịch COVID-19 và chiến sự Nga- Ukraine.
Nốt thăng trầm
Số liệu tăng trưởng GDP trong quý III/2022 sau khi điều chỉnh cho thấy sự chắc chắn của nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh lo lắng bao trùm kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng quý III của Mỹ là 3,2% tính theo hàng năm (so với mức -0,9 trong quý II và - 1,4% trong quý I). Như vậy, bất chấp lãi suất tăng mạnh từ giữa năm 2022 và tác động tiêu cực từ chiến sự Nga- Ukraine, kinh tế Mỹ đã phục hồi trở lại. Điều này cho thấy rằng nền kinh tế Mỹ vẫn có sức chống chịu rất tốt trong bối cảnh có nhiều rủi ro lớn hiện nay.
Trong khi đó, EU phải chống chọi trực tiếp với những áp lực rất lớn từ chiến sự Nga- Ukraine, nhất là tình trạng thiếu năng lượng do lệ thuộc quá nhiều vào khí đốt từ Nga khiến lạm phát tăng lên trên 10%, đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tăng trưởng GDP của EU giảm liên tục từ quý I đến quý III/2022. Đáng lo ngại, chỉ số PMI tháng 10 và 11 đều dưới mức 50 điểm cho thấy khuynh hướng thu hẹp trong sản xuất trong quý IV/2022 và vài tháng đầu năm 2023. Khu vực này có rủi ro suy thoái rất cao trong năm 2023.
Trung Quốc cũng phải đối mặt với không ít mối đe dọa như tái bùng phát dịch bệnh và sự phong tỏa nghiêm ngặt gần như làm tê liệt nền kinh tế, tình trạng vỡ nợ trong lĩnh vực bất động sản, khu vực tài chính và ngân hàng bất ổn, nạn hạn hán nghiêm trọng trong vòng hàng trăm năm... Một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất tồi tệ trong năm 2023 khi các hiệu ứng tiêu cực hiện nay phát tác. Báo cáo ngày 11/10/2022 của IMF dự báo nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 chỉ là 1,1% và tăng nhẹ lên 1,3% vào năm 2023.
Nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và hoạt động của các công ty ở nước ngoài. Do vậy, khi Fed tăng mạnh lãi suất, các nền kinh tế Mỹ và EU cũng như toàn cầu chịu tác động tiêu cực, thì triển vọng của nền kinh tế Nhật cũng chịu tác động theo. Tuy nhiên, số liệu cho thấy nền kinh tế Nhật được dự báo sẽ có mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 là 1,7% và cho cả năm 2023 là 1,6%.
Chỉ là suy thoái kỹ thuật
Ngân hàng Thế giới cho rằng có một số tình huống hiện nay giống với thời kỳ thập kỷ 1970 khi các nước phát triển chống lạm phát bằng cách nâng lãi suất đã gây ra các cuộc khủng hoảng tài chính ở nhiều nước đang phát triển. Tuy nhiên, hiện có nhiều điểm khác biệt so với thời kỳ thập kỷ 1970. Đó là USD rất mạnh chứ không suy yếu, mức tăng giá nguyên liệu nhỏ hơn nhiều, các định chế tài chính lớn trên toàn cầu đang ở trong trạng thái tốt, an toàn hơn. Quan trọng hơn, các ngân hàng trung ương hiện nay giàu kinh nghiệm hơn và phối hợp tốt hơn nhiều so với hồi thập kỷ 1970.
Báo cáo mới nhất của IMF ngày 11/10/2022 cho biết dù phải đối mặt với nhiều rủi ro tăng lên, khu vực tài chính và ngân hàng toàn cầu vẫn ổn định và có sức chống chịu tốt. Các cuộc kiểm tra cho thấy chỉ có khoảng 29% tổng số tài sản của các ngân hàng ở các thị trường mới nổi có thể chạm ranh giới tối thiểu về an toàn. Còn hầu hết các ngân hàng ở các thị trường phát triển đều cho thấy rất ổn về độ an toàn của tài sản.
Nói cách khác, mức độ nguy hiểm của suy thoái kinh tế dù có cũng không cao và đặc biệt, khu vực tài chính chắc chắn sẽ là sự đảm bảo tốt cho nền kinh tế toàn cầu.
Quan trọng không kém, những số liệu mới nhất cũng cho thấy xu hướng lạm phát trên thế giới đã qua đỉnh khi lạm phát ở Mỹ giảm liên tục. Mức lạm phát ở Mỹ trong tháng 11 chỉ còn 7,1%, tức giảm 5 tháng liên tiếp từ mức đỉnh 9,1% trong tháng 6. Điều này có nghĩa là Fed sẽ tiếp tục giảm mức độ tăng lãi suất trước khi dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ hiện hành.
Trong bối cảnh đầy rủi ro và biến động của năm 2022, các nền kinh tế chủ chốt vẫn có sức chống chịu tốt; khu vực tài chính ngân hàng được quản lý tốt hơn và có sức chịu đựng tốt trước các cú sốc lớn, nếu có; lạm phát đã qua đỉnh và Fed sẽ giảm bớt mức tăng lãi suất. Tất cả những yếu tố trên cho thấy dù có suy thoái thì về cơ bản đó chỉ là suy thoái mang tính kỹ thuật và không đáng lo ngại.