Ngân hàng có thể điều chỉnh trọng tâm cho vay

Theo Trí Minh/laodong.vn

Nhận định về ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2022, các chuyên gia của SSI Research cho biết có chênh lệch lớn giữa tăng trưởng tín dụng và huy động. Tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2022 ở mức tăng 9,4% so với đầu năm (hay tăng 17% so với cùng kỳ).

Lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến 

Sự tăng trưởng này được giải thích bởi một loạt các yếu tố như nhu cầu tín dụng phục hồi và việc phản ánh mức độ tăng của giá hàng hóa. Trong khi đó, tăng trưởng huy động chỉ ở mức 4,5% so với đầu năm. 

"Chúng tôi quan sát thấy rằng các ngân hàng thương mại nhà nước có mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lớn hơn so với các ngân hàng thương mại cổ phần, vì họ có thể tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ Kho bạc nhà nước khi đầu tư công chưa có nhiều tiến triển" - chuyên gia của SSI nhận định. 

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Thanh khoản toàn hệ thống chịu áp lực vào đầu quý II sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng lên 2,5% và lãi suất huy động của một số ngân hàng tăng trong khoảng 10-95 điểm cơ bản.

Áp lực tăng lãi suất tiền gửi đã dần giảm bớt trong tháng 5 và tháng 6, do các ngân hàng trong nửa đầu năm 2022 đã sử dụng gần như hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp. Do đó, lãi suất liên ngân hàng kì hạn qua đêm đã bình thường trở lại, xuống dưới 1% và một số ngân hàng thậm chí còn hạ lãi suất đối với các khoản tiền gửi có giá trị nhỏ vào cuối tháng 6.

Với nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng 1%-2% so với đầu năm với các khoản giải ngân mới. Mặc dù mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động thu hẹp, nhưng tỉ lệ NIM (thu nhập lãi thuần) được kỳ vọng sẽ vẫn ổn định so với năm 2021 do tỉ lệ LDR (tỉ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động) bình quân của các ngân hàng tăng lên. 

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá chất lượng tài sản được kiểm soát tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 dường như vẫn trong tầm kiểm soát. Tổng dư nợ các khoản vay tái cơ cấu do COVID-19 vào cuối tháng 4 là 198 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,8% tổng tín dụng, giảm 24% so với đầu năm). 

Thận trọng nới hạn mức tín dụng 

Về triển vọng nửa cuối năm, các chuyên gia cho biết theo quan sát trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nước mỗi năm hai lần, mỗi lần bình quân vào khoảng 2-3%. 

"Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với những năm gần đây, chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt hoặc nhỉnh hơn con số 14%, phản ánh tác động của lạm phát" - chuyên gia SSI phân tích. 

Điều này vẫn có nghĩa là tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chậm hơn so với mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm. Động lực tăng trưởng tín dụng cho 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ khác với nửa đầu năm, khi trọng tâm chuyển sang cho vay dài hạn đối với các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, sản xuất, giáo dục, y tế và truyền tải điện. Trong vài năm qua, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ dành cho chủ đầu tư bất động sản chiếm từ 5% -10% mức tăng ròng của tổng dư nợ tín dụng.

"Chúng tôi cho rằng ngay cả khi hoạt động cho vay chủ đầu tư bất động sản bị hạn chế, nhu cầu tín dụng từ các lĩnh vực khác vẫn đủ lớn để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm 2022" - chuyên gia của SSI cho hay.