Ngân hàng, lợi nhuận và ám ảnh nợ xấu

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Kết quả kinh doanh vừa được Vietcombank công bố cho thấy một thực tế, các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực rất lớn và thậm chí phải chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận trước sức ép nợ xấu.

Cần sớm vạch rõ lộ trình rõ ràng để thực hiện xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
Cần sớm vạch rõ lộ trình rõ ràng để thực hiện xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
Gia tăng phòng thủ

Sau khi kéo giảm tỷ lệ nợ xấu về được con số 2,65% vào cuối quý I/2014 từ mức 2,73% ở thời điểm cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tại Vietcombank lại gia tăng trở lại và chính thức vượt trên mốc 3% sau 6 tháng đầu năm.

Đây là diễn biến khá mới và theo lý giải của ông Nghiêm Xuân Thành – Tổng Giám đốc Vietcombank - sự gia tăng nợ xấu đến từ việc ngân hàng thực hiện phân loại theo Thông tư 09 với những quy định mới về trích lập dự phòng.

Dù không quá bất ngờ do được dự đoán từ trước, diễn biến nợ xấu tăng lên tại Vietcombank một lần nữa cho thấy, nhận định nợ xấu toàn hệ thống sẽ gia tăng đáng kể khi áp dụng cách phân loại nợ mới là hoàn toàn có cơ sở và cần có các biện pháp phòng thủ từ sớm.

Song chính tỷ lệ nợ xấu tăng lên đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới con số lợi nhuận của mỗi ngân hàng. Con số sụt giảm lợi nhuận cũng sẽ nhiều hơn tương đồng với mong muốn gia tăng tỷ lệ trích lập phòng thủ của mỗi ngân hàng.

Một ví dụ điển hình là dù đạt được con số lợi nhuận trước dự phòng gần 5.180 tỷ đồng và tương đương mức tăng tới hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank chỉ còn lại 2.778 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro tới 2.400 tỷ đồng. Dù khá “buốt ruột” với con số trích lập hàng nghìn tỷ đồng, sự hy sinh lợi nhuận mang đến cho Vietcombank một tỷ lệ khá đẹp khi mức trích lập dự phòng so với nợ xấu đạt được mức cao tới 90%.

Leo thang nợ xấu

Dù tỷ lệ nợ xấu vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của toàn ngành, Vietcombank sẽ không phải là ngân hàng đầu tiên và duy nhất chứng kiến mức tăng nợ xấu trong quý II/2014. Số liệu dẫn nguồn thống kê từ Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, sau khi tăng lên mức 4,03% đến cuối tháng 4/2014, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng mạnh lên mức 4,84% vào cuối tháng 6 vừa qua.

Diễn biến nợ xấu theo đó đang chứng kiến một xu hướng tăng duy nhất tính từ thời điểm cuối năm 2013 đến nay. Chưa kể tỷ lệ nợ xấu còn có thể tiếp tục gia tăng khi việc phân loại và xử lý nợ được thực hiện chặt chẽ theo Thông tư 09 có những quy định về việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện một lần.

“Điều này chặt chẽ hơn so với trước đây khi một số tổ chức tín dụng lợi dụng Quyết định 780 để quay vòng gia hạn nợ nhưng vẫn giữ nguyên nhóm nợ” – một tổ chức đầu tư đưa nhận định.

Trong khi đó, ngoài việc ngân hàng tự thân xử lý nợ bằng nguồn dự phòng, giải pháp xử lý nợ bằng cách bán cho VAMC đang vấp phải nhiều vướng mắc và thực tế tốc độ mua – xử lý nợ cũng đang chững lại.

Cho đến nay, VAMC mới mua thêm được hơn 10.000 tỷ đồng nợ xấu từ 20 tổ chức tín dụng, nâng tổng nợ mua lên 50.000 tỷ đồng. Như vậy, tốc độ mua nợ đang chậm lại đáng kể khi mới đạt khoảng 25% so với năm trước và khả năng tốc độ mua sẽ tiếp tục chững lại trong quý III này. Có ý kiến cho rằng, phải đến quý IV, tốc độ mua nợ mới có thể sẽ tăng trở lại khi tới sát hạn phân loại nợ theo Thông tư 02.

Hơn nữa, việc mua lại nợ cũng chưa phải là bước đi cuối cùng để giải quyết nợ xấu. Theo nhiều đánh giá, VAMC hiện vẫn cần phải xử lý hay bán được nợ, đặc biệt là cho các đối tác nước ngoài.

“Trong khi đó trong nửa đầu năm 2014, chúng ta vẫn chưa xây dựng được hành lang pháp lý cho việc bán nợ xấu nên đây tiếp tục là thách thức đối với kinh tế trong nước trong thời gian tới”. Và để có được hành lang này, giới chuyên gia cho rằng, VAMC cần phải sớm xác định các vấn đề cụ thể liên quan tới việc bán nợ như: Sẽ bán ra cho những đối tượng nào? Bán bằng cách nào? Cơ chế bán là gì?...

“Do phải đối mặt với nhiều vấn đề mới và phức tạp nên thời gian xây dựng có thể còn kéo dài, nhưng một lộ trình rõ ràng cần sớm được vạch rõ để thực hiện để tránh tình hình xấu đi và có thể gây ra các tổn thất lớn hơn” – một tổ chức đầu tư đưa ý kiến.