Cạnh tranh lãi suất giữa các ngân hàng thương mại và vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn để cho vay. Giữa ngân hàng và doanh nghiệp thực tế là quan hệ cộng sinh. Nguồn thu của các ngân hàng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, giữa các ngân hàng cũng cạnh tranh quyết liệt, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều đi theo hướng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa để phân tán rủi ro, thay vì tập trung vào cho vay các dự án lớn như trước.
Doanh nghiệp trong cuộc đua cạnh tranh lãi suất của các ngân hàng
Trong hoạt động của ngành Ngân hàng, vốn huy động được coi là yếu tố đầu vào thường xuyên và chủ yếu giúp cho ngân hàng duy trì thanh khoản, bù đắp thiếu hụt trong thanh toán, tăng nguồn vốn kinh doanh và có thể sử dụng cho vay theo lựa chọn của mình. Ở Việt Nam, các tổ chức tín dụng đóng vai trò là kênh dẫn vốn chủ yếu, đặc biệt là vốn ngắn hạn cho doanh nghiệp (DN).
Năm 2019, cuộc đua cạnh tranh lãi suất làm nóng thị trường ngân hàng diễn ra khá gay gắt trong suốt quý III. Thời điểm này, để cạnh tranh thu hút tiền gửi kỳ hạn dài, các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao thông qua công cụ tiền gửi thông thường và phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn.
Giải thích lý do của cuộc đua lãi suất, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, các ngân hàng thương mại nhỏ phải chạy đua huy động để gia tăng nguồn vốn nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của Ngân hàng Nhà nước. Do chủ trương thắt chặt tín dụng lĩnh vực bất động sản - một trong những lực đẩy quan trọng của tăng trưởng tín dụng nhiều năm trước, nên tăng trưởng tín dụng năm 2019 được giữ ở mức vừa phải. Mặt khác, một số DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên giảm vay từ ngân hàng hoặc tìm đến các kênh huy động khác. Ở góc độ khác, lý do khiến ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động tiền gửi từ dân cư là do Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền, trong khi nhu cầu cho vay vẫn tăng. Cung tiền giảm buộc ngân hàng thương mại phải tăng huy động.
Diễn biến cuộc đua cạnh tranh lãi suất tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sự ổn định, lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, tạo ra diễn biến và tâm lý tiêu cực, có nguy cơ dẫn tới cuộc đua về lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường tiền tệ. Bên cạnh đó, lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí của DN tăng, làm tăng chi phí các sản phẩm dịch vụ bán ra cho khách hàng, dẫn đến doanh thu, lợi nhuận của DN giảm.
Trước diễn biến của cuộc đua lãi suất trên thị trường ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có các quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng), lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các giải pháp để ổn định lãi suất, ổn định vĩ mô; yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện tốt các giải pháp về lãi suất, tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, theo dõi sát tình hình triển khai giải pháp về lãi suất, tín dụng của các tổ chức tín dụng và có biện pháp nhằm xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Nhờ đó, đến giữa tháng 11/2019, cuộc đua cạnh tranh lãi suất đã hạ nhiệt và nhanh chóng đảo chiều khi các ngân hàng thương mại bất ngờ tuyên bố giảm lãi suất cả huy động và cho vay (mặc dù dịp cuối năm luôn là thời điểm lãi suất ngân hàng “neo” ở mức cao và theo xu hướng tăng so với các thời điểm khác). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành 2 quyết định có hiệu lực từ ngày 19/11/2019 về việc giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao cũng giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm...
Trước khi Ngân hàng Nhà nước có quyết định điều chỉnh, một số ngân hàng thương mại đã tiên phong giảm lãi suất cho vay như: Vietcombank, Vietinbank và BIDV. Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong nhóm bốn ngân hàng thương mại nhà nước điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các DN. Đáng chú ý, dù quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay có hiệu lực từ ngày 18/11/2019, song tất cả DN đã ký hợp đồng vay vốn tại Vietcombank kể từ ngày 1/11/2019 cũng được hưởng chính sách lãi suất hấp dẫn này.
VietinBank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. BIDV điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn thêm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn (thấp so với trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước). Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn là cơ sở để BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm từ 0,2% - 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm (thấp hơn so với quy định mới điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước 0,5%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên…
Việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong dịp cuối năm được các DN đón nhận như một món quà bất ngờ. Bởi lẽ, việc giảm lãi suất giúp giảm gánh nặng chi phí cho DN, giúp DN có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh (cuối năm các nhu cầu của người dân và DN đều tăng cao). Như vậy rõ ràng, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước có tác động tích cực đến thị trường. Việc cắt giảm lãi suất về lý thuyết giúp chi phí vốn thấp sẽ kích thích DN và các nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu DN có dễ dàng tiếp cận được dòng vốn rẻ này, cũng như việc giảm lãi suất có lan tỏa rộng rãi trên thị trường để thiết lập được một mặt bằng lãi suất mới hay không? Băn khoăn này không phải là phi thực tế, bởi nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 và chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung. Vì vậy, thực tế vốn rẻ vẫn có nhưng không phải DN nào cũng đủ điều kiện tiếp cận. Ngoài ra, dù lãi suất đã giảm nhiều so với thời gian trước nhưng vẫn ở mức cao, nhất là với các DN nhỏ và vừa. Như vậy, việc giảm lãi suất ngắn hạn như vừa qua là chưa đủ. Nhiều DN vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay kỳ hạn dài cũng giảm thêm để thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Một số khó khăn trong tiếp cận với ngân hàng của doanh nghiệp
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến 31/12/2018, cả nước có 714.755 DN đang hoạt động, tăng 9,2% so với năm 2017. Giai đoạn 2016 - 2018, số lượng DN mới tăng trưởng mạnh, trung bình mỗi năm có gần 123 nghìn DN gia nhập thị trường với số vốn đăng ký khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tăng 49,3% về số DN và 155,8% về số vốn đăng ký so với giai đoạn 03 năm trước đó.
Theo Báo cáo Tổng Điều tra kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2017, lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm khoảng 98,1% tổng số DN trên cả nước, đóng góp khoảng 45% GDP, 31% vào tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu việc làm. DN nhỏ và vừa được xem như lực lượng sản xuất quan trọng của nền kinh tế, tạo ra của cải vật chất và công ăn việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, với quy mô DN còn hạn chế, về cơ bản, các DN nhỏ và vừa khó có khả năng tiếp cận nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế, vay vốn nước ngoài, quỹ đầu tư... chủ yếu tập trung ở nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại trên cơ sở DN tự tiếp cận hoặc thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa và Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa.
Những nghiên cứu cho thấy, nguyên nhân khiến các DN gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng gồm:
Về phía doanh nghiệp
Câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận được dòng vốn rẻ, cũng như việc giảm lãi suất có lan tỏa rộng rãi trên thị trường để thiết lập được một mặt bằng lãi suất mới hay không? Băn khoăn này không phải là phi thực tế, bởi nhiều ngân hàng thương mại đã chạm trần tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 và chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp bổ sung. Vì vậy, thực tế vốn rẻ vẫn có nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện tiếp cận.
- Năng lực hoạt động của DN nhỏ và vừa phần lớn đều có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh trong nước và ngoài nước yếu; công nghệ lạc hậu, thiếu kinh nghiệm quản lý; nguồn nhân lực thiếu kỹ năng và kinh nghiệm; sức chịu đựng rủi ro thấp, khả năng chống đỡ kém trước biến động của kinh tế vĩ mô. Các DN chưa có sự liên kết với nhau và liên kết với các DN lớn để tạo nên chuỗi giá trị cạnh tranh tầm khu vực.
- Đa số các DN nhỏ và vừa có cách thức quản lý, quản trị mang tính tư nhân gia đình, chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh dài hạn. Năng lực về quản trị hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, xây dựng phương án kinh doanh, cơ hội đầu tư khả thi, thiếu hiểu biết về các quy định khi tiếp cận các nguồn vốn vay.
- Về tài sản bảo đảm, bản thân DN nhỏ và vừa tiềm ẩn khá nhiều rủi ro do tài sản của DN có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao. Do vậy, bên cạnh việc thẩm định các phương án kinh doanh, các ngân hàng có xu hướng yêu cầu tài sản bảo đảm; trong khi do năng lực tài chính hạn chế, các DN lại không đủ tài sản bảo đảm để thế chấp cho ngân hàng.
- Tính minh bạch của số liệu kế toán, thông tin tài chính kế toán chưa theo chuẩn mực, thông tin chưa đảm bảo minh bạch do các DN nhỏ và vừa chưa coi trọng việc xây dựng hệ thống số liệu này, báo cáo tài chính phần lớn không có kiểm toán, tính chính xác còn hạn chế.
Về phía hệ thống ngân hàng
- Trong quá trình cho vay DN nhỏ và vừa, do đặc thù các DN nhỏ và vừa có thời gian thành lập hoặc vòng đời kinh doanh ngắn nên thiếu tính ổn định trong hoạt động kinh doanh, chưa minh bạch về thông tin cung cấp cho ngân hàng, khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc thẩm định hiệu quả của phương án vay vốn, cũng như đánh giá uy tín của khách hàng để đưa ra quyết định cho vay.
- Các DN nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện liên quan đến tài sản bảo đảm theo quy định chung của hệ thống ngân hàng.
- Trong điều kiện các DN nhỏ và vừa còn hạn chế về thông tin tiếp cận vay vốn ngân hàng cũng như năng lực để chuẩn bị hồ sơ vay vốn, quy trình và thủ tục vay vốn của các ngân hàng thương mại hiện tại còn khá phức tạp đối với DN nhỏ và vừa.
Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp
Để DN có nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn tính dụng ngân hàng, các giải pháp cần tập trung thực hiện nhóm:
Về phía doanh nghiệp
Một là, khắc phục tồn tại hạn chế và xây dựng thương hiệu, niềm tin vững chắc đối với DN. Về mặt chủ trương, chính sách việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho DN là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc tạo lập môi trường kinh doanh, thuận lợi, hỗ trợ DN phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi đối với việc nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN. Tuy nhiên, các DN, cần chủ động và tôn trọng kỷ luật thị trường, các giải pháp quản lý chỉ là hỗ trợ DN, sự hoạt động hiệu quả và tạo lập được niềm tin, uy tín và thương hiệu do mỗi DN phát triển và phụ thuộc vào chính DN. Các DN nói chung và DN nhỏ và vừa nói riêng cần quan tâm đổi mới, nâng cao trình độ quản lý, năng lực cạnh tranh bằng việc tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, công khai minh bạch tài chính, hoạt động hiệu quả. Các yếu tố này được hình thành và phát triển tốt sẽ góp phần phát triển quan hệ tín dụng ngân hàng - khách hàng, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của DN nhỏ và vừa.
Hai là, tăng cường đổi mới phương thức quản lý, phương thức tổ chức sản xuất. Trong điều kiện hội nhập sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các DN nhỏ và vừa cần chủ động và quyết tâm đổi mới phương thức quản lý, phương thức tổ chức sản xuất, khắc phục những hạn chế trong tư duy quản lý kiểu mô hình gia đình tại hầu hết các DN nhỏ, siêu nhỏ; tích cực đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng và giá cả để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Về phía các ngân hàng thương mại
Trong điều kiện hội nhập sâu rộng và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động và quyết tâm đổi mới phương thức quản lý, phương thức tổ chức sản xuất, khắc phục những hạn chế trong tư duy quản lý kiểu mô hình gia đình tại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; tích cực đổi mới và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Một là, các ngân hàng thương mại cần xây dựng chính sách huy động nguồn vốn đúng với cơ chế chính sách của Nhà nước, phù hợp với diễn biến thị trường, nhu cầu khách hàng và định hướng chiến lược kinh doanh của các ngân hàng. Thực hiện cơ chế điều hành lãi suất theo hướng linh hoạt, tạo quyền tự chủ cho các chi nhánh của ngân hàng. Nghiên cứu thị trường nguồn vốn huy động để đưa ra chính sách lãi suất huy động mềm dẻo, linh hoạt, hấp dẫn khách hàng, phù hợp với diễn biến lãi suất thị trường trong từng thời kỳ... Bên cạnh đó, để giảm bớt chi phí và tạo tính chủ động trong hoạt động kinh doanh, các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm huy động vốn đặc trưng cho từng ngành; Khai thác tối đa nguồn vốn rẻ, thời gian sử dụng lâu dài từ các định chế tài chính, tổ chức quốc tế; Tăng cường hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước để khai thác các nguồn vốn nội, ngoại tệ trung dài hạn.
Hai là, thực hiện nghiên cứu thị trường, phân đoạn khách hàng để đưa ra các sản phẩm huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng gửi tiền, đặc điểm các vùng, miền, xây dựng chính sách ưu đãi về lãi suất, khuyến mãi phù hợp với từng phân đoạn khách hàng; đa dạng hóa và hoàn thiện hệ thống danh mục sản phẩm huy động vốn, gia tăng tiện ích cho sản phẩm huy động vốn, bán chéo sản phẩm...
Ba là, các ngân hàng thương mại cần thực hiện rà soát lại quy trình, thủ tục, chứng từ giao dịch, chương trình liên quan trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm; hoàn thiện quy trình giao dịch tiền gửi tiết kiệm, chương trình cảnh báo, giám sát trên hệ thống về các giao dịch tiền gửi, huy động vốn... Quan trọng hơn là cần đặc biệt chú ý đến nội dung rà soát, kiểm soát chặt chẽ các quy trình, quy định nội bộ liên quan đến việc nhận, gửi tiền của khách hàng, hạn chế tối đa rủi ro hoạt động trong hệ thống.
Bốn là, chủ động tổ chức tốt chương trình kết nối DN - ngân hàng. Theo đó, cần tiếp tục tổ chức tốt chương trình kết nối ngân hàng - DN với cách tiếp cận rộng hơn, kết nối không chỉ đáp ứng nhu cầu vốn, tháo gỡ khó khăn DN mà còn kết nối phát triển và mở rộng sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác; Chú trọng phát triển các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi trong việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng nhờ việc nắm bắt tốt thông tin tài chính và dòng tiền của DN, mở rộng và phát triển phương thức cho vay tín chấp dựa trên cơ sở hiệu quả hoạt động và tài chính của DN.
Tài liệu tham khảo:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Hà Nội;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 16/2018/TT-Ngân hàng Nhà nước v/v sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước ngày 20/11/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Hà Nội.
Cục Phát triển doanh nghiệp, Sách trắng doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017;
Báo cáo tài chính các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2013 = 06/2019;
KPMG (2013), Khảo sát về ngành Ngân hàng Việt Nam, Hà Nội.