Kết quả 'sáng' bất chấp COVID-19, lợi nhuận ngân hàng 2020 sẽ ra sao?

Theo Lê Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng trong các quý tới dự báo sẽ tăng khi Thông tư 01 thay đổi, kéo theo chi phí dự phòng tăng mạnh, ''bào mòn'' lợi nhuận ngân hàng.

Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thu hẹp.
Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thu hẹp.

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2020 được các ngân hàng công bố, dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế vẫn là những cái tên quen thuộc dù trật tự xếp hạng đã có nhiều thay đổi.

Giữ ngôi đầu về lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục là Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với mức lãi 8.798 tỷ đồng sau thuế.

Tuy vậy, không còn sự cách biệt gấp đôi so với ngân hàng kế tiếp như năm trước, khoảng cách này đã bị rút ngắn lại do mức tăng trưởng âm hơn 3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tăng trưởng đến gần 40% so với cùng kỳ năm 2019, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) đã vượt qua Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) để giữ vị trí thứ 2 khi báo lãi sau thuế là 6.015 tỷ đồng.

Techcombank với lãi 5.395 tỷ đồng sau thuế, tăng 19,2% so với cùng kỳ xếp ở vị trí thứ 3.

Đáng chú ý, ngoài Vietcombank, còn có 8/27 ngân hàng đã công bố lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, bao gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Á (Nam A Bank), Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Bắc Á (BacABank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Kiên Long (Kienlongbank).

Trong khi đó, nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận rất cao so với quý 2/2019 như Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á (VietABank) tăng trưởng ở mức 160%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là 76%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) 72%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) gần 67%, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) 52%...

Đây đều là các ngân hàng có mảng kinh doanh tín dụng bán lẻ hoặc tín dụng tiêu dùng khá lớn trong cơ cấu dư nợ tín dụng.

Nhìn lại báo cáo tài chính của các ngân hàng, nếu như Vietcombank tăng trưởng âm là do sự sụt giảm hơn 5% trong tổng thu nhập hoạt động mà chủ yếu là giảm từ thu nhập lãi thuần (nguồn thu nhập thường chiếm tỉ trọng cao nhất của các ngân hàng đến từ hoạt động huy động và cho vay), thì VietinBank hay VPBank lại tăng trưởng ấn tượng nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Theo phân tích của công ty chuyên về dữ liệu tài chính FiinGroup, một trong những lý do khiến trích lập dự phòng rủi ro giảm là do Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 cho phép các ngân hàng được hạch toán dư nợ được cơ cấu cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là nợ đủ tiêu chuẩn và không phải trích lập dự phòng.

"Do đó, khi các chính sách này thay đổi thì sẽ ảnh hưởng đến trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của các ngân hàng chịu tác động đáng kể," FiinGroup nhận định.

Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ tỷ lệ nợ xấu thực chất của hệ thống ngân hàng trong các quý tới dự báo sẽ tăng khi Thông tư 01 thay đổi, kéo theo chi phí dự phòng tăng mạnh, ''bào mòn'' lợi nhuận ngân hàng.

Theo giới chuyên gia, chi phí trích lập dự phòng giảm do các khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 là một trong những nguyên nhân chính giúp bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm vẫn "sáng'' bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thêm vào đó, các ngân hàng đồng loạt cắt giảm mạnh tay chi phí hoạt động, ngưng tuyển mới nhân viên, ngưng việc tăng lương, thậm chí một số ngân hàng còn giảm lương thưởng của người lao động từ 7-30%.

Báo cáo tài chính quý 2 cho thấy Vietcombank đã giảm mạnh đến 23% chi phí hoạt động so với cùng kỳ, VPBank cũng giảm 16%, Sacombank giảm 14%...

Ngoài ra, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, bán chéo bảo hiểm hoặc tập trung vào các lĩnh vực tín dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như mua nhà, mua xe... cũng được các ngân hàng chú trọng để ''cứu'' lợi nhuận.

Hoàn thành 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm, dù vậy Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh vẫn khá thận trọng: "hệ thống tài chính-ngân hàng nói chung vẫn chưa thấy hết ảnh hưởng từ đại dịch bởi chưa biết bao giờ khủng hoảng kết thúc. Đại dịch sẽ có tác động ngay đến kinh tế, đến các ngành sản xuất, tiêu dùng rồi sau đó mới "ngấm" tới tài chính-ngân hàng."

FiinGroup dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2020 của các ngân hàng niêm yết chỉ tăng 4,9% so với năm 2019, trừ Vietcombank vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng ban đầu là 10%. Đây là một dự báo khá thận trọng nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng trong nửa đầu năm nay.

Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi kéo dài từ nay đến cuối năm sẽ khiến biên độ lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng thu hẹp.

"Năm 2020, các ngân hàng thương mại nhà nước chịu nhiều áp lực hơn từ cơ quan quản lý trong việc hỗ trợ khách hàng giai đoạn đại dịch, còn ngân hàng cổ phần vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa hỗ trợ khách hàng và bảo đảm mức lợi nhuận hợp lý. Do đó, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay của ngân hàng thương mại nhà nước được dự báo giảm 15,9%, trong khi vẫn tăng 3,3% đối với ngân hàng cổ phần," báo cáo từ SSI cho hay.